Theo đó, Công ty cổ phần Con Cưng cho biết, từ ngày 20/7-29/7, truyền thông và công chúng có đặt câu hỏi về nguồn gốc và nhãn mãc trên sản phẩm bộ thun bé gái có nhãn hiệu CF và một số hàng hoá khác được bán tại hệ thống cửa hàng Con Cưng.
Tiếp đó, ngày 24/7, Bộ Công Thương đã có quyết định thành lập Đoàn kiểm tra để kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thương mại, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Công ty cổ phần Con Cưng.
Tại công văn này, Con Cưng đề nghị sớm có kết luận về đợt kiểm tra để các đối tác của công ty và người tiêu dùng có thông tin chính xác về sản phẩm hàng hoá của công ty, đồng thời để công ty nhanh chóng tập trung vào hoạt động kinh doanh của mình.
Con Cưng cho biết, trong quá trình kiểm tra, công ty đã cung cấp hồ sơ, chứng từ, mẫu hàng hoá theo yêu cầu, phối hợp công tác kiểm tra tại văn phòng công ty, kho hàng và tại các địa điểm kinh doanh của công ty. Công ty đã được kiểm tra, hướng dẫn chi tiết về nghiệp vụ chuyên môn và được chỉ ra các thiếu sót trong hoạt động kinh doanh, quản lý của mình.
Con Cưng cũng thừa nhận đã có những thiếu sót về mặt hành chính như người tiêu dùng chưa thể truy xuất kịp thời nguồn gốc xuất xứ hàng hoá một cách nhanh chóng, những sai sót về nội dung thể hiện trên nhãn hàng hoá theo quy định của Nhà nước và một vài thiếu sót trong quá trình thực hiện các chương trình khuyến mại đã đăng ký.
Khẳng định là thương hiệu Việt với hệ thống gần 350 cửa hàng, tạo công ăn việc làm cho gần 2.500 cán bộ nhân viên, phục vụ 600.000 lượt khách hàng tháng, doanh thu nửa đầu năm nay đạt gần 746 tỷ đồng, Con Cưng cam kết sẽ "khắc phục thiếu sót và nỗ lực không ngừng để tuân thủ pháp luật cũng như đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên hàng đầu”.
Trong thời gian cơ quan chức năng kiểm tra, Con Cưng từng bất ngờ đưa ra thông báo treo thưởng 1 tỷ đồng trên website của công ty, nhưng sau đó phải gỡ bỏ. Giải trình về vụ việc, Con Cưng cho biết là chỉ nhằm mục đích duy nhất để làm người tiêu dùng yên tâm trong giai đoạn khủng hoảng của Con Cưng và hoàn toàn không có bất kỳ hàm ý nào khác.
Chia sẻ tại buổi họp báo tại UBND TP.HCM vừa diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Bách – Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho biết, đến nay, hệ thống Con Cưng đang bị tạm giữ gần 120.000 sản phẩm.
Cụ thể, sau khi nhận được thông tin sản phẩm của Con Cưng bị tố bị lỗi, tem nhãn bị cắt và bị thay thế bằng tem nhãn CF (Con Cưng Fashion) Made in Thailand, Chi cục QLTT TP.HCM phối hợp với tổ công tác chuyên trách 334 (Bộ Công Thương) kiểm tra 3 của hàng của Con Cưng: địa điểm kinh doanh tại số 833-835 Hồng Bàng, Q.6; 424 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3; 78 Tôn Thất Tùng, Q.1.
Từ ngày 23/7, Chi cục QLTT tiếp tục kiểm tra các điểm còn lại với tổng cộng 88 điểm, tạm giữ gần 120.000 sản phẩm gồm các nhóm hàng như: quần áo, tã, giày dép, vật dụng cho mẹ, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm, sữa bột…
Theo ông Bách, Con Cưng có dấu hiệu vi phạm chủ yếu là chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh cho hàng hóa tại thời điểm kiểm tra; hàng hóa có dấu hiệu về ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Đến nay, Chi cục QLTT TP.HCM đã làm việc, thống kê hàng hóa, đối chiếu mã hàng đang giữ để chiếu với chứng từ, nguồn gốc của hàng hóa. Hiện đang quá trình kiểm tra, làm rõ vi phạm của Con Cưng.