Những vụ án cướp tài sản xảy ra tại tiệm vàng, ngân hàng từ trước đến nay không phải là chuyện hiểm. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, kinh tế khó khăn thì nguy cơ xảy ra những vụ cướp như thế này có thể sẽ ngày càng cao.
Bởi vậy, không chỉ có các ngân hàng, các hiệu vàng mà tất cả các cơ sở kinh doanh, hộ gia đình đều cần phải đề cao cảnh giác để kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng vi phạm.
Hai đối tượng Hoàng Ngọc và Phùng Hữu Mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 30/7, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã quyết định khởi tố vụ án “Cướp tài sản”, xảy ra tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Ngọc Khánh để điều tra, xử lý các đối tượng Phùng Hữu Mạnh (23 tuổi) và Hoàng Ngọc (42 tuổi).
Theo thông tin ban đầu và xác nhận từ phía ngân hàng thì hành vi của nhóm đối tượng là hành vi cướp tài sản (sử dụng vũ lực để chiếm đoạt tài sản), bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ hành vi, làm rõ đối tượng, làm rõ số tiền bị lấy đi để làm cơ sở giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.
Theo dõi vụ án này, luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính pháp nhận định, qua lời khai nhân chứng, trích xuất hình ảnh camera mà thông tin đúng như nội dung trình báo thì cơ quan điều tra khởi tố vụ án cướp tài sản theo quy định tại điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015 để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định pháp luật.
“Ngay sau khi sự việc xảy ra, cơ quan điều tra tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu thập các dấu vết, chứng cứ mà đối tượng đã để lại, trích xuất camera, lấy lời khai của người làm chứng để xác định manh mối, tung tích của hung thủ gây án. Khi xác định được đối tượng gây án thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành khởi tố bị can về tội cướp tài sản”- luật sư Cường nói.
Theo luật sư Cường, sau một thời gian rất ngắn cơ quan điều tra đã truy bắt được hai đối tượng thực hiện hành vi cướp tài sản. Điều bất ngờ là hai đối tượng này lại là những con người có trình độ, học thức, thậm chí là giám đốc của một doanh nghiệp nhưng do làm ăn thua lỗ, vỡ nợ, phá sản nên đã lập mưu cướp tài sản.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Cường cho rằng, với số tiền mà các đối tượng cướp được từ 500.000.000 đồng trở lên thì các đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt theo khoản 4, Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015 bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:
Điều 168, tội cướp tài sản quy định: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng,...
Hình ảnh các đối tượng bên trong ngân hàng. |
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; Làm chết người; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.....
Trong vụ án này, luật sư Cường cho rằng, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hung khí mà các đối tượng này sử dụng có phải là vũ khí quân dụng hay không, có tính năng tác dụng tương tự vũ khí quân dụng hay không để xem xét về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Nếu là vũ khí quân dụng hoặc tính năng tác dụng tương tự vũ khí quân dụng thì các đối tượng này còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.
Ngoài ra, việc làm rõ nhân thân, lai lịch các đối tượng này cũng có thể phát hiện và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Không loại trừ trường hợp một nhóm đối tượng có vũ trang thực hiện hành vi cướp tài sản nhiều lần. Nếu đối tượng là người lao động, người kinh doanh nhưng do làm ăn thua lỗ, mất việc phá sản nên đã thực hiện hành vi phạm tội thì sẽ làm rõ nguyên nhân, điều kiện phạm tội và xác định xem có đồng phạm hay không ? Có ai bao che, giúp sức hay tiêu thụ tài sản do phạm pháp mà có hay không. Với những người biết rõ đối tượng này đã thực hiện hành vi cướp tài sản nhưng vẫn chứa chấp, tiêu thụ, bao che thì cũng sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Theo luật sư Cường, trong bối cảnh kinh tế xã hội có nhiều biến động như hiện nay, tình hình dịch bệnh làm cho đời sống của nhiều người khó khăn nên những hành vi vi phạm pháp luật có thể diễn ra nhiều hơn, phức tạp hơn, đặc biệt là các tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản. Bởi vậy ngoài việc phát hiện, đấu tranh về các trường hợp vi phạm thì các địa phương, cơ quan chức năng cần phải làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm để giảm thiểu các nguy cơ, loại bỏ các nguyên nhân, điều kiện phạm tội để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội./.