Theo TS. Thức, môi trường khởi nghiệp của Việt Nam đã trở nên đa dạng hơn nhiều so với trước đây. "Cách đây mười năm, khi tôi bắt đầu làm start-up, có rất ít hỗ trợ như hiện nay. Bây giờ, mọi người đã dần cởi mở hơn với start-up và hầu như ai cũng đang thực hiện một số hoạt động liên quan đến startup, bằng cách này hay cách khác".
TS. Vũ Duy Thức nhấn mạnh, đã có rất nhiều doanh nghiệp startup nhận được hỗ trợ từ Chính phủ hoặc các sáng kiến khác cũng được hỗ trợ thông qua chính sách hay được cung cấp một số kinh phí ban đầu.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đưa ra nhiều thông điệp qua các sự kiện, điển hình như Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Việt Nam 2020) gần đây, hay Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cũng đã được thành lập.
Về phía người sáng lập, TS. Vũ Duy Thức chỉ ra, vai trò của họ cũng rất quan trọng. "Tôi thấy rằng những nhà sáng lập đã đạt được rất nhiều tiến bộ. Họ càng ngày càng hiểu biết nhiều hơn về tinh thần kinh doanh, về phương pháp khởi nghiệp tinh gọn...". Ngoài ra, TS. Thức nhấn mạnh, ngày càng nhiều dòng vốn đổ vào Việt Nam để hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp.
Tuy nhiên, TS. Thức cho rằng điều hạn chế hiện nay trong môi trường khởi nghiệp của Việt Nam là khía cạnh học thuật. "Tôi vẫn thấy còn khoảng cách giữa những kiến thức thực tế đối với một doanh nhân hay kỹ sư khởi nghiệp so với những kiến thức tại các trường học".
Lý giải về điều này, TS. Thức cho rằng chưa có nhiều hỗ trợ cho sinh viên trong việc khuyến khích tinh thần khởi nghiệp. "Điển hình như khi tôi ở Stanford, tôi đã được tham gia vào một khóa học hè liên quan đến những kiến thức nền tảng về kinh doanh: từ tiếp thị, đến kế toán, đến bán hàng. Những khóa học nhỏ như vậy sẽ có tác động rất lớn".
Cuối cùng, liên quan đến chủ đề công nghệ đóng vai trò gì trong những vấn đề "nóng" trên toàn cầu hiện nay, TS. Vũ Duy Thức khẳng định rằng đại dịch đã thúc đẩy nhiều công nghệ mới trong năm vừa qua, đồng thời làm thay đổi nhu cầu cơ bản của xã hội.
"Những công nghệ mới mà trước đó phải cần đến 3 năm mới có thể phát triển và áp dụng, thì nhờ đại dịch chúng ta chỉ cần đến 1 năm. Từ đó, mọi người ngày càng quan tâm nhiều về công nghệ trong các vấn đề như phát triển năng lượng xanh, hay chăm sóc sức khỏe...", TS. Thức cho hay.
Cuối cùng, Thức kết luận, nhìn chung đại dịch là một lời cảnh tỉnh để mọi người cân nhắc kỹ hơn trong các vấn đề của xã hội. Đặc biệt, những vấn đề như sức khỏe người cao tuổi, hay những thách thức trong xã hội sẽ phải cần đến công nghệ.