Việc Công ty VEC E dự kiến "ra quyết định xử phạt" cấm vĩnh viễn 02 ô tô mang biển kiểm soát 51A-55850 và 51G-77256 không được vào tất cả tuyển đường cao tốc do VEC quản lý nghe có vẻ phù hợp, đủ sức răn đe cho toàn xã hội. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là chủ thể bị xử lý vi phạm hành chính chứ không phải là nội dung xử phạt. Tại sao VEC E không "xử phạt" ông Lê Hoàng Ph (chủ xe 51G-77256) và ông Hoàng Trọng Th (chủ xe 51A-55850) mà đi phạt 02 vật thể (xe ô tô) không phải là chủ thể trong quan hệ pháp luật trên.
Nghĩa là thay vì cấm ông Lê Hoàng Ph và ông Hoàng Trọng Th vĩnh viễn không được lái xe vào đường cao tốc do VEC quản lý thì lại đi phạt 02 vật thể vô tri vô giác là 02 chiếc xe ô tô. Vì cùng một hành vi, nếu khách hàng vi phạm các quy định về an toàn hàng không thì có thể bị xử phạt cấm đi máy bay vĩnh viễn.
Tương tự, nếu các hãng hàng không vi phạm quy định Luật hàng không dân dụng Việt Nam thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hãng hàng không, cá nhân có liên quan chứ không thể cấm máy bay vi phạm vĩnh viễn không được bay trên toàn bộ bầu trời Việt Nam.
Và suy cho cùng, 02 chiếc ô tô 51A-55850 và 51G-77256 hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Vì chúng là những vật vô giác, chỉ có hành vi con người mới là chủ thể của các hành vi vi phạm. Và không thể vì hành vi vi phạm của ông Lê Hoàng Ph và ông Hoàng Trọng Th mà đi cấm 02 chiếc xe ô tô theo kiểu "quýt làm cam chịu" như vậy được.
Và theo quy định tại khoản 2 điều 2 Luật Xử phat vi phạm hành chính năm 2012 (Luật số 15/2012/QH13 ngày 20/06/2012) cũng quy định rất rõ: "Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính".
Đối với các phương tiện giao thông, căn cứ các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt theo Nghị định số 46/2016 ngày 26/05/2016 của Chính phủ cũng không có quy định về cấm phương tiện lưu thông vĩnh viễn mà chỉ có tịch thu phương tiện hay tước giấy phép lái xe.
Trở lại dự kiến "quyết định xử phạt" của VEC E đối với 02 xe ô tô 51A-55850 và 51G-77256, chế tài có vẻ mạnh nhưng chưa triệt để và chưa đi đến tận cùng theo hướng xử phạt đúng chủ thể. Cụ thể:
Thứ nhất, giả sử sau này chủ xe bán 02 xe ô tô trên cho người khác. Như vậy, vô hình trung người mua mới 02 xe trên tự nhiên bị tước đoạt quyền đi vào đường cao tốc do VEC quản lý trên toàn quốc. Nhưng người mua lại xe làm sao có thể biết ô tô biển số nào bị cấm, bị hạn chế vào đường cao tốc khi quyết định mua xe? Và việc cấm "vĩnh viễn" đối với 02 xe ô tô trên hoàn toàn không có ý nghĩa giáo dục hay răn đe khi chiếc xe được chuyển nhượng cho chủ sở hữu mới.
Thứ hai, trường hợp ông Lê Hoàng Ph và Hoàng Trọng Th - chủ 02 phương tiện "bị cấm" trên, nếu họ mua xe mới thì vẫn được ung dung vào đường cao tốc. Và "quyết định xử phạt" của VEC E trong trường hợp này không còn ý nghĩa. Vì VEC E chỉ cấm xe 51A-55850 và 51G-77256 vào đường cao tốc chứ không cấm ông Ph và ông Th khi lái một chiếc xe khác.
Từ "quyết định xử phạt" của VEC E gợi cho dư luận nhiều suy nghĩ, chủ thể vi phạm - chủ xe thì không bị phạt, còn khách thể của vụ việc - chiếc xe hoàn toàn vô can thì bị cấm vĩnh viễn không được vào đường cao tốc.
Và sau cùng, người dân lại băn khoăn về tính pháp lý của quyết định xử phạt của VEC E. VEC E đơn thuần là một doanh nghiệp thì có đủ thẩm quyền để ra một quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay không? Vì một quyết định xử phạt hành chính phải tuân thủ quy định về thẩm quyền và trình tự, thủ tục ban hành quyết định.