Liên quan đến vụ việc Khaisilk , mới đây, một đội phó và một kiểm soát viên quản lý thị trường (QLTT) quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội bị hạ một bậc thi đua - mức kỷ luật được cho là không khác nào "phủi bụi", nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là 2 cá nhân phải "chịu trận", còn cả hệ thống từ trên xuống dưới chưa hề bị "động" đến.
Sai phạm trên nhiều mặt
Ngày 12-12, Bộ Công Thương ra thông báo kết quả kiểm tra đối với Công ty TNHH Khải Đức (chủ thương hiệu Khaisilk) kèm với đề nghị xử lý hình sự vụ việc. Tuy nhiên, bản thông báo chưa nêu rõ các con số cho thấy sai phạm nghiêm trọng của doanh nghiệp (DN) này.
Sau vụ "bê bối" khách hàng tố sản phẩm gắn mác Trung Quốc, hàng loạt cửa hàng Khaisilk đều đóng cửa. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, quá trình hoạt động kinh doanh, DN đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng. Chẳng hạn, kiểm tra tại Chi nhánh số 101 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM, cho thấy tổng số hóa đơn mà chi nhánh này xuất trình (do 8 nhà cung cấp xuất bán) trong giai đoạn 2012-2017 là 130 hóa đơn cho 52.543 đơn vị sản phẩm với tổng giá trị là 8,146 tỉ đồng.
Tuy nhiên, số hóa đơn không phải do Chi cục Thuế quận 1, TP HCM phát hành, quản lý trong năm 2015 là 3 hóa đơn với 800 đơn vị sản phẩm, tương ứng tổng trị giá 85,5 triệu đồng; năm 2016 là 13 hóa đơn với 6.421 đơn vị sản phẩm, trên 732 triệu đồng; năm 2017 là 3 hóa đơn với 2.120 đơn vị sản phẩm, hơn 186 triệu đồng. Tổng cộng 3 năm, số hóa đơn không hợp lệ là 19 với 9.341 đơn vị sản phẩm, trị giá hơn 1 tỉ đồng.
Ngoài ra, năm 2017 có 9 hóa đơn với 1.935 đơn vị sản phẩm, tổng trị giá 105,5 triệu đồng qua đối chiếu không phù hợp với tên hàng hóa trong báo cáo nhập kho của DN. Số hóa đơn, chứng từ còn lại chưa xác minh được nguồn gốc xuất xứ do các đơn vị cung cấp đã giải thể, bỏ trốn khỏi nơi cư trú và một số đang xác minh.
"Trên cơ sở đó, có dấu hiệu cho thấy DN kinh doanh hàng hóa có chứng từ đầu vào không hợp pháp, có dấu hiệu mua bán hóa đơn trái phép hoặc hóa đơn giả với số lượng lớn" - nguồn tin cho hay.
Liên quan đến việc thực hiện quy định về thuế, kiểm tra tại chi nhánh số 2A-4A Tôn Đức Thắng và 101 Đồng Khởi (TP HCM) cho thấy số lượng tồn trên chứng từ kế toán đến ngày 31-10 là 166.748 đơn vị sản phẩm, tương ứng 4,8 tỉ đồng. Số lượng kiểm tra thực tế là 25.143 đơn vị sản phẩm. "Số lượng chênh lệch giữa chứng từ kế toán và kiểm tra thực tế là 141.605 đơn vị sản phẩm thì DN chưa giải trình được. Trên cơ sở đó có dấu hiệu cho thấy DN có hành vi vi phạm pháp luật về thuế" - nguồn tin cho hay.
Trách nhiệm của cả hệ thống
Sau vụ bê bối của Khaisilk được phanh phui khi một khách hàng ở Hà Nội cho biết đã mua sản phẩm của Khaisilk tại cửa hàng trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) có gắn 2 nhãn mác khác nhau: "Khaisilk Made in Vietnam" và "Made in China", 2 cán bộ QLTT quận Hoàn Kiếm đã dính án "kỷ luật" hạ bậc thi đua. Mức xử phạt được cho là quá nhẹ tay đối với một vụ việc vi phạm quá nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nhìn một cách toàn diện, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cho rằng cần phải đợi kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra. Sau đó, việc kỷ luật tập thể, cá nhân phải được xem xét một cách hài hòa, công bằng. "Bước đầu, Chi cục QLTT Hà Nội xử lý như vậy thì nên tạm ghi nhận. Nhưng, cần hiểu rõ qua những sai phạm như trên thì ngoài đội ngũ QLTT, còn nhiều ngành, đầu mối khác cũng phải chịu trách nhiệm như thuế, hải quan. Nếu chỉ đẩy trách nhiệm lên 1-2 cá nhân thì chưa ổn, chưa thực sự khiến người ta tâm phục khẩu phục, không đáp ứng được mong mỏi của người dân" - đại biểu Quốc Khánh nói.
Nhìn sâu hơn, bà Khánh còn chỉ ra rằng Khaisilk đã lừa dối người tiêu dùng suốt 20 năm qua. Như vậy, nhiều đời cán bộ, lãnh đạo quản lý phải chịu trách nhiệm về việc này. Trong xử lý, theo bà, phải thực hiện đúng nguyên tắc là tùy theo mức độ sai phạm để xử lý. Trong đó, để bảo đảm công bằng và thực sự nghiêm minh thì có thể phải đưa cả những cán bộ, lãnh đạo về hưu ra xem xét. "Phải đặt vấn đề trách nhiệm cả hệ thống, từ Bộ Công Thương, Cục QLTT đến UBND TP, phường, xã, không chỉ riêng ở Hà Nội mà cả ở TP HCM" - bà Khánh nói thêm.
Theo đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, vụ việc thêm một lần nữa cho thấy trách nhiệm của bộ, ngành trong quản lý chuyên ngành là hết sức "mờ nhạt". Bởi lẽ, với hầu hết những vấn đề tiêu cực, những sai phạm, từ tham nhũng đến hàng giả, hàng kém chất lượng thì bộ máy nhà nước, thanh tra không hề phát hiện mà phần lớn là người dân và báo chí.
Cũng từ đây, theo ông Quốc, phải chấm dứt tư tưởng "phạt cho tồn tại" mà phải phạt đến nơi đến chốn. "Đã làm sai phải tịch thu, phạt, xử lý hành chính hoặc hình sự theo đúng luật. Phạt cho tồn tại là phá vỡ kỷ cương của pháp luật, làm băng hoại bộ máy của nhà nước. Với những sai phạm đó, chỉ phạt hành chính sẽ khiến DN dễ làm ẩu, cán bộ bị mua chuộc" - ông Quốc thẳng thắn.
Ông Quốc không bình luận cụ thể về "án phạt" nêu trên với 2 cán bộ QLTT nhưng góp ý phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật, không nương tay.
Xử lý cán bộ là thẩm quyền địa phương
Đại diện Cục QLTT - Bộ Công Thương cho rằng chi cục QLTT là đơn vị thuộc sở công thương mỗi địa phương, còn Cục QLTT là đơn vị thuộc bộ. Do đó, việc xử lý cán bộ của chi cục thuộc thẩm quyền của địa phương.
Đại diện cục cũng cho rằng thực tế không có bằng chứng để khẳng định cán bộ có sai phạm trực tiếp, tuy nhiên, vẫn xem xét ở khía cạnh trách nhiệm đối với công việc.