Hôm 14/5, Tổng thống Trump viết lên Twitter rằng Trung Quốc sẽ bơm tiền vào hệ thống và có thể sẽ cắt giảm lãi suất như thường lệ để bù đắp cho những doanh nghiệp đã, đang và sẽ thua thiệt vì chiến tranh thương mại. Từ đó ông hối thúc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hãy làm tương tự để cuộc chiến kết thúc với phần thắng thuộc về nước Mỹ.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, vũ khí phòng thủ chính của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại với Mỹ sẽ đến từ Bộ Tài chính chứ không phải từ NHTW Trung Quốc, cho dù Tổng thống Donald Trump nói gì đi chăng nữa.
Nếu như thuế quan bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019, Trung Quốc còn rất nhiều công cụ tài khóa để tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế trước khi NHTW Trung Quốc phải cắt giảm lãi suất.
Các số liệu mới được công bố cho thấy kinh tế Trung Quốc đã bị mất đà trong tháng 4, ngay cả trước khi thuế quan mới có hiệu lực. Nhưng số liệu ngân sách cho thấy chính quyền trung ương và địa phương có ít nhất 25,1 tỷ nhân dân tệ (tương đương 3,65 nghìn tỷ USD) chưa dùng đến trong ngân sách 2019. Lượng tiền này tương đương GDP của Đức và nhiều hơn 2.000 tỷ nhân dân tệ so với cùng kỳ năm ngoái.
"Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có nhiều dư địa để triển khai các công cụ chính sách hơn so với Mỹ nếu như chiến tranh thương mại kéo dài dai dẳng, và đó là lý do để Trung Quốc tự tin", Serena Zhou – chuyên gia kinh tế tại công ty chứng khoán Mizuho Hồng Kông nhận định. "Từ chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đến vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, rõ ràng là Trung Quốc kiểm soát nền kinh tế mạnh hơn Mỹ", bà nói.
Trên thực tế, trong suốt năm ngoái Thống đốc NHTW Trung Quốc Yi Gang đã nhiều lần nhắc lại rằng ông không muốn ồ ạt triển khai các biện pháp kích thích kinh tế trong nỗ lực dập tắt các bong bóng tài chính và kiểm soát tăng trưởng nợ.
Năm nay các địa phương đã tăng chi tiêu ngân sách sớm hơn so với thường lệ, trong đó tiền được rót nhiều nhất vào các dự án liên quan đến cơ sở hạ tầng như giao thông và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hơn 2/3 tổng ngân sách tăng thêm vẫn chưa được sử dụng.
Tất nhiên tăng chi tiêu công không phải là cách đối phó duy nhất của Trung Quốc nếu như chiến tranh thương mại toàn diện bùng nổ và ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc cũng có thể hỗ trợ tăng trưởng bằng cách tăng cường bán nợ thông qua các công cụ tài trợ và các ngân hàng chính sách, mặc dù điều đó đi ngược lại mục tiêu dọn sạch nợ mà nước này đang theo đuổi.