'Vũ khí bí mật' của các ngân hàng

10/06/2019 17:51
Tín dụng bán lẻ là động lực tăng trưởng của nhiều ngân hàng trong năm 2018. Với biên lợi nhuận cao và khả năng phân tán rủi ro, không ít nhà băng cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh tín dụng bán lẻ trong thời gian tới.

Tăng lợi nhuận nhờ bán lẻ

Kết thúc quý I/2019, lợi nhuận Techcombank đạt kỷ lục 2.600 tỷ đồng và đánh dấu chuỗi 14 quý tăng trưởng liên tiếp của ngân hàng này. Tổng giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết kết quả mà ngân hàng đạt được không phải ngẫu nhiên mà từ một quá trình chuẩn bị và chuyển đổi trong suốt 3 năm qua. Danh mục cho vay của ngân hàng đang có sự chuyển dịch khi giảm tỷ lệ cho vay từ doanh nghiệp lớn chuyển sang doanh nghiệp nhỏ và khách hàng cá nhân.

CEO này cho biết chuyển trọng tâm sang mảng bán lẻ giúp ngân hàng giảm tỷ lệ nợ xấu và gia tăng biên lợi nhuận khi danh mục cho vay được phân tán ra nhiều khách hàng cùng với đó biên lợi nhuận của các khoản vay nhỏ thường lớn hơn các khoản vay lớn. Việc chuyển đổi cũng giúp ngân hàng tăng được lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lên đến 58.600 tỷ đồng vào cuối quý I, giúp chi phí huy động được duy trì ở mức thấp.

Vietcombank cũng là ngân hàng được nhắc đến như một điển hình thành công khi đẩy mạnh tín dụng bán lẻ. Lợi nhuận năm 2018 của ngân hàng đạt hơn 18.000 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2017 và lớn hơn cả tổng lợi nhuận VietinBank và BIDV cộng lại.

Theo lãnh đạo Vietcombank, kết quả trên là nhờ định hướng "mua buôn, bán lẻ" với 3 trụ cột là bán lẻ, dịch vụ, kinh doanh vốn và đầu tư ngân hàng thực hiện năm 2018. Đến cuối 2018, tỷ trọng tín dụng bán lẻ được mở rộng từ 39,6% năm 2017 lên tới 46,2%. Theo Tổng giám đốc Phạm Quang Dũng, 5-6 năm trước thị trường vẫn nhìn Vietcombank như một ngân hàng bán buôn nhưng giờ bán lẻ tăng trưởng trung bình 30%/năm. Quy mô tài sản bán lẻ chiếm 40%, đóng góp 46% lợi nhuận trước dự phòng.

Vũ khí bí mật của các ngân hàng - Ảnh 1.

Đã có sự chuyển dịch tín dụng tại một số ngân hàng.Ảnh minh họa: Liên Hương.

Tại MB, tín dụng bán lẻ đã liên tục tăng trưởng về cả dư nợ lẫn tỷ trọng từ năm 2013 nhưng chỉ thực sự bứt phá từ năm 2017 và là động lực quan trọng nhất trong tăng trưởng của cả ngân hàng.

Riêng các các khoản vay cá nhân tính đến cuối năm 2018 chiếm 37,7% tổng dư nợ ngân hàng (tương đương 81.011 tỷ đồng), tăng liên tục từ mức 12,4% tại năm 2012 và là phân khúc trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng dư nợ trong các năm gần đây. Trong đó, khoảng 50% là các khoản cho vay mua nhà để ở, 20% cho vay mua ôtô và khoảng 7% cho vay tín chấp tại MCredit.

Tương tự, tại VIB, chia sẻ trong họp ĐHCĐ thường niên 2019, lãnh đạo ngân hàng này cho biết nhờ có sự chuyển đổi sâu rộng trong hoạt động mà ngân hàng đã có được các kết quả đột phá khi lợi nhuận đã tăng gần 4 lần từ mức 702 tỷ đồng năm 2016 lên đến 2.743 tỷ đồng năm 2018.

Từ một ngân hàng có cấu trúc thiên về khách hàng doanh nghiệp, đến 2018, tỷ trọng về dư nợ của hoạt động ngân hàng bán lẻ đã chiếm phần lớn. Việc chuyển đổi về cấu trúc này đã đưa tín dụng khối ngân hàng bán lẻ tăng trưởng 83% năm 2017 và 48% năm 2018. Từ khối kinh doanh có lợi nhuận không đáng kể, ngân hàng bán lẻ đã trở thành nơi đóng góp nguồn lợi nhuận trọng yếu cho VIB trong năm 2018.

Cơ hội đi cùng rủi ro

Theo nhận định của các chuyên gia, với định hướng khống chế tăng trưởng tín dụng ở mức 14 - 15% của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng được dự báo sẽ đẩy mạnh mảng dịch vụ bán lẻ để gia tăng biên lợi nhuận của các khoản vay và phát triển các khoản thu ngoài lãi.

Bên cạnh đó, với quy mô dân số của Việt Nam khá lớn (gần 96 triệu) và thu nhập bình quân đầu người đang tăng (GDP bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 2.540 USD, tăng 440 USD so với năm 2015), nhu cầu vay tiền cho các mục đích tiêu dùng hàng hoá có giá trị cao, thiết yếu đang có xu hướng tăng mạnh mẽ, đặc biệt là vay mua nhà, sửa chữa nhà cửa, cho vay mua ôtô...

Sự hấp dẫn của thị trường này đã được thể hiện phần nào trong tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo các ngân hàng.

Nói về căn nguyên quá trình thay đổi sang mảng bán lẻ mà Techcombank đang theo đuổi, ông Nguyễn Lê Quốc Anh cho rằng hiện Việt Nam có gần 100 triệu người như vậy và mỗi năm sẽ có 700.000 đến 1 triệu cặp hôn nhân.

"Những người này cần có nhà ở. Đó là điểm đầu tiên mà ngân hàng chúng tôi tập trung vào nhằm đáp ứng nhu cầu vay mua nhà trong thành phố", ông nói.

Còn tại Vietcombank, Tổng giám đốc Phạm Quang Dũng cho rằng ngân hàng này mới chỉ khai thác được một phần tiềm năng bán lẻ trên thị trường. Trong tiềm năng này, Vietcombank đánh giá lĩnh vực cho vay mua ô tô có khả năng phát triển mạnh trong thời gian tới do mức sống của người dân ngày càng cải thiện. Chính vì vậy, Vietcombank sẽ tập trung phát triển mảng cho vay này trong năm 2019.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng tiết lộ mục tiêu trọng tâm của ngân hàng năm 2019 là tăng trưởng bán lẻ với mức tăng trưởng khoảng 30%. Bán lẻ có lợi thế là phần lớn khoản cho vay nhỏ có tài sản bảo đảm đầy đủ, an toàn cao, nợ xấu thấp, yêu cầu về vốn giảm bớt.

Tuy nhiên, tăng phát triển bán lẻ cũng đi cùng rủi ro. Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, cố vấn cấp cao NCB, ở Việt Nam, không chỉ ngân hàng, các công ty tài chính cũng cung cấp tín dụng bán lẻ là những món vay nhỏ. Rủi ro khi đó được phân tán nhưng chính điều này lại có thể tạo ra nợ xấu cho các ngân hàng. Trong tín dụng bán lẻ tiêu biểu có tín dụng tiêu dùng của khách hàng cá nhân. Hiện Việt Nam chưa có hệ thống chấm điểm tín dụng cá nhân chung do vậy mỗi ngân hàng phải tự xây dựng một hệ thống chấm điểm riêng và hệ thống này thường không bảo đảm được tính toàn diện và chính xác.

Ở một số nước, hệ thống xếp hạng tín dụng cá nhân thường được các công ty chuyên về xếp hạng tín nhiệm đưa ra. Mỗi người đều có một điểm tín dụng riêng dựa trên các thông tin về thu nhập, công việc, lịch sử trả nợ… được cập nhật liên tục và chính xác. Các ngân hàng có thể dựa vào hệ thống chấm điểm tín dụng của các công ty này để ra quyết định cho vay.

Còn tại Việt Nam, mặc dù hệ thống tra cứu CIC cũng đã có những thông tin về khách hàng vay nhưng còn tương đối hạn chế nên chưa hoàn thiện được bảng xếp hạng tín dụng cá nhân.

Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, hoạt động vay mượn của người dân Việt Nam còn mới. Tính tuân thủ các quy định khi đi vay của khách hàng còn hạn chế. Mặt khác, nhiều khoản vay trong tín dụng tiêu dùng được triển khai theo hình thức tín chấp tức dựa vào thu nhập của người vay trong khi mặt bằng thu nhập của người Việt Nam còn thấp. Điều này ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của người vay và dễ tạo ra nợ xấu.

Đồng quan điểm của ông Hiếu, một chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng các ngân hàng Việt Nam hiện cho vay vẫn dựa nhiều vào cầm cố tài sản thế chấp trong khi rủi ro của tài sản thế chấp lại phụ thuộc khá nhiều vào thị trường.

Theo vị chuyên gia này một khách hàng cá nhân đi vay ngân hàng có thể thế chấp tài sản rất lớn nhưng không đồng nghĩa với việc họ có đảm bảo được việc hoàn trả hay không. "Trả nợ phải dựa vào thu nhập hoặc từ các nguồn kinh doanh khác, chứ không nằm ở tài sản thế chấp", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Tin mới

'Cháy khét' vé máy bay dịp 30/4-1/5
10 giờ trước
Giá vé máy bay dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 cao ngang dịp Tết Nguyên đán vừa qua và hiện vé nhiều chặng bay như Hà Nội - Đồng Hới, TPHCM - Tuy Hòa đã "cháy khét' với tỷ lệ đặt chỗ đạt 100%.
Bị tố bán hàng gian dối, Vườn Chung lên tiếng, tạm ngừng nhận đơn mới
35 phút trước
Đại diện Vườn Chung khẳng định không lừa đảo và không có chiêu trò, đồng thời đưa ra lời giải thích
Công ty sản xuất kẹo Kera vội vã tìm "vùng nguyên liệu" sau khi bại lộ
3 giờ trước
Sau khi bị chỉ ra quảng cáo thổi phồng về công dụng, công ty sản xuất kẹo Kera cho Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục mới đi tìm "vùng nguyên liệu".
Không xuất sang Mỹ, 'siêu thực phẩm' của Việt Nam vẫn thu nghìn tỷ nhờ Trung Quốc: Thuế nhập khẩu 0%, bầu Đức trúng đậm khi giá tăng dựng đứng
4 giờ trước
Việt Nam là nhà cung cấp số 1 mặt hàng này cho Trung Quốc.
VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng mở bán VF 6 tại Philippines, 'chơi siêu lớn' miễn phí sạc pin 2 năm
4 giờ trước
VinFast chính thức mở bán mẫu ô tô điện VF 6, dự kiến giao xe từ tháng 5/2025.

Tin cùng chuyên mục

Giám đốc Công ty Vàng Phú Cường chuyển trái phép hơn 9.492 tỉ đồng qua biên giới
1 ngày trước
Nguyễn Ngọc Phương, Giám đốc Công ty Vàng Phú Cường, bị cáo buộc đã chuyển tiền trái phép qua biên giới là 426 triệu USD, tương đương hơn 9.492 tỉ đồng
"Giá iPhone tại Việt Nam sẽ có xu hướng tăng trong thời gian tới"
1 ngày trước
Đây là nhận định từ đại diện chuỗi bán lẻ ủy quyền có thị phần lớn của Apple tại Việt Nam.
Hình thức “sở hữu xe linh hoạt” của Green Future mang tới lợi ích như thế nào?
1 ngày trước
Chỉ cần bỏ ra từ 36 triệu đồng chi phí ban đầu có thể “rinh” ngay xe điện cao cấp VF 8, thủ tục nhanh gọn, đơn giản, hoàn toàn không có rủi ro tài chính, dịch vụ mới của Green Future mở ra xu hướng sở hữu mới trên thị trường xe cũ.
Bầu Đức gửi thư trấn an cổ đông: Chuối của chúng tôi không xuất sang Mỹ, chỉ bán cho Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản
2 ngày trước
Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai cho biết công ty vừa chốt đơn 12 USD/thùng chuối xuất khẩu, cao hơn tuần trước 10%, cho thấy chính sách thuế của Mỹ không ảnh hưởng đến giá xuất khẩu hàng hóa của công ty.