Trung Quốc hiện phụ thuộc vào nguồn cung một số loại đất hiếm của Myanmar. Chính biến ở Myanmar đã phơi bày rủi ro lớn này của Bắc Kinh.
Theo Nikkei Asian Review, Trung Quốc là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, cuộc chính biến của Myanmar đã phơi bày rủi ro của Bắc Kinh khi phụ thuộc vào quốc gia láng giềng tại Đông Nam Á.
Trung Quốc sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn nhất toàn cầu. Đây là thành phần không thể thiếu trong sản xuất nhiều loại sản phẩm công nghệ như điện thoại thông minh, xe điện, hệ thống phòng thủ tên lửa...
Tuy nhiên, đất nước 1,4 tỷ dân cũng phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, chủ yếu từ Mỹ và Myanmar.
Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu một số loại đất hiếm, chủ yếu từ Mỹ và Myanmar. Ảnh: Reuters. |
Phụ thuộc nguồn cung từ Myanmar
Theo báo cáo hàng năm mới nhất của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Trung Quốc đã sản xuất 140.000 tấn oxit đất hiếm trong năm 2020, tương đương 60% sản lượng toàn cầu. Trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc khoảng 44 triệu tấn, gấp đôi Việt Nam, quốc gia xếp thứ hai.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia nhập khẩu quặng và tinh quặng đất hiếm lớn nhất. Đối với các nguyên tố đất hiếm "nặng" (bao gồm những nguyên tố từ gađolini đến luteti và yttri), Trung Quốc phụ thuộc vào nhập khẩu từ Myanmar hơn 50% nguồn cung trong nước.
Cuộc chính biến tại Myanmar ngay lập tức nhắc nhở Trung Quốc về sự cố hồi tháng 11/2018. Đó là thời điểm chính quyền Myanmar thông báo với Bắc Kinh về lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm.
Giới quan sát tin rằng nguyên do của lệnh cấm là hoạt động khai thác trái phép từ phía Trung Quốc. Nhiều người đã vượt biên giới để khai thác khoáng sản kể từ năm 2016.
Việc khai thác tài nguyên ồ ạt khiến Myanmar lo ngại về sự hủy hoại đối với môi trường và các vấn đề liên quan đến quyền khai thác trên lãnh thổ nước này.
Lệnh cấm năm 2018 sau đó đã được dỡ bỏ. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Ma Jinlong đến từ Zheshang Securities, cuộc chính biến ở Myanmar có thể dẫn đến sự không chắc chắn về nguồn cung đất hiếm.
Tính đến nay, Myanmar và các nhà nhập khẩu Trung Quốc vẫn chưa báo cáo về bất cứ sự gián đoạn sản xuất đáng kể nào. "Tuy nhiên, trong những năm qua, Myanmar đã trở thành nhà cung cấp tinh quặng đất hiếm chính của Trung Quốc. Viễn cảnh nguồn cung bị gián đoạn có thể đẩy giá lên cao", Nikkei Asian Review dẫn lời ông Ryan Castilloux, Giám đốc điều hành của Adamas Intelligence, cảnh báo.
Giá của các loại đất hiếm tăng vọt do nguồn cung hạn chế và nhu cầu mạnh mẽ tại Trung Quốc. Hoạt động đầu cơ, tích trữ liên quan đến binh biến ở Myanmar càng đẩy giá lên cao.
Từ tháng 10/2020 đến tháng 2/2021, terbium oxit đã tăng giá 95%, trong khi neodymium và dysprosium oxit tăng lần lượt 87% và 65% cùng thời kỳ, theo Reuters.
Giá cổ phiếu của các nhà sản xuất đất hiếm Trung Quốc cũng leo dốc mạnh. Sau cuộc binh biến tại Myanmar, cổ phiếu của Công ty Công nghệ cao Đất hiếm Phương Bắc (niêm yết tại Thượng Hải) đã tăng giá 34% hôm 3/3.
Rủi ro bị phơi bày
Khi đất hiếm tăng sức nóng, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin và Bộ Tài nguyên Trung Quốc đã công bố một thông tư chung vào ngày 19/2. Theo đó, hạn ngạch đất hiếm trong nước sẽ được mở rộng lên 84.000 tấn vào nửa đầu năm 2021.
Hạn ngạch sẽ được phân bổ cho sáu tập đoàn khai thác quốc doanh, bao gồm Công ty Công nghệ cao Đất hiếm Phương Bắc. "Việc gia tăng hạn ngạch là rất cần thiết để thúc đẩy thị trường đất hiếm chật hẹp", ông Castilloux nhận xét.
Trớ trêu thay, Trung Quốc lại run rẩy trước viễn cảnh gián đoạn nguồn cung đất hiếm từ Myanmar - Nhà báo Kenji Kawase |
Nguyên nhân là sự gia tăng về nhu cầu đối với terbi, dysprosi và neodymium. Chúng là những thành phần không thể thiếu để chế tạo xe điện, máy phát sức gió và nhiều máy móc khác.
Theo Nikkei Asian Review, trên hết, sự phụ thuộc ngày càng lớn vào các nguồn cung nước ngoài - chủ yếu là Mỹ và Myanmar - là vấn đề đáng báo động đối với Bắc Kinh. "Trong khi căng thẳng với Washington ngày càng leo thang, tình hình ở Myanmar đã phơi bày rõ rủi ro của sự phụ thuộc này", ông Castilloux nhấn mạnh.
Trong một cuộc họp báo hôm 3/2, một phóng viên Nhật Bản đặt câu hỏi cho ông Xiao Yaqing - Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc - về ý định hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc.
Giá neodymium tăng 87% từ tháng 10/2020 đến tháng 2/2021, một phần do hoạt động đầu cơ, tích trữ liên quan đến bất ổn chính trị ở Myanmar. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Trả lời câu hỏi, ông Xiao Yaqing nhấn mạnh rằng: "Sự phân công lao động quốc tế dựa trên chuỗi cung ứng công nghiệp và toàn cầu hóa kinh tế là một xu hướng lớn".
Hồi năm 1992, cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tuyên bố: "Trung Đông có dầu, Trung Quốc có đất hiếm". Ông nhấn mạnh rằng "sự vượt trội của đất hiếm của đất nước chúng ta chắc chắn sẽ đến lúc phát huy".
Nhiều năm sau khi ông qua đời, Bắc Kinh quyết định cắt giảm mạnh xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản do xung đột ngoại giao. Vào thời điểm đó, lệnh hạn chế đẩy chính quyền và doanh nghiệp Nhật Bản rơi vào tình trạng hỗn loạn.
"Sau một thập kỷ, Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế và nhà sản xuất công nghệ lớn trên toàn cầu. Trớ trêu thay, nước này lại run rẩy trước viễn cảnh gián đoạn nguồn cung đất hiếm từ Myanmar", nhà báo Kenji Kawase của Nikkei Asian Review bình luận.
(Theo Zing)