Phiên thảo luận về Các vấn đề an ninh chính trị mở đầu ngày làm việc thứ 2 của Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF 26), diễn ra tại thủ đô Hà Nội, Việt Nam từ 18-21/1. Phát biểu mở đầu Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch APPF 26 Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ mong đợi phiên họp toàn thể đầu tiên và những phiên tiếp theo sẽ diễn ra thuận lợi và thành công theo đúng chương trình đã định.
"Phiên họp toàn thể của chúng ta hôm nay sẽ thảo luận chủ đề đầu tiên trong chương trình nghị sự là Thúc đẩy Ngoại giao Nghị viện vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và thế giới cũng như đấu tranh phòng chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Phát biểu dẫn đề cho phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ: "Hội nghị của chúng ta diễn ra vào thời điểm thế giới đang chứng kiến những chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, có ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở nhiều khu vực trên thế giới. Người dân ở mỗi nước chúng ta đều kỳ vọng ở các nghị sĩ quốc hội, những người đại diện chân chính cho nhân dân và những đóng góp thiết thực vào việc đảm bảo một môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho việc tập trung các nỗ lực để phát triển kinh tế - xã hội, sự bình an của đất nước, góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế".
Toàn cảnh phiên thảo luận đầu tiên về các vấn đề an ninh chính trị. Ảnh: BTC
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các đại biểu tập chung thảo luận về vai trò của ngoại giao nghị viện trong việc xử lý các thách thức về hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới, cũng như về phòng chống khủng bố quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia.
Đại diện cho đoàn Nghị viện Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết Việt Nam chia sẻ nhiều đánh giá và nhận định của các nước về vai trò của nghị viện trong duy trì và củng cố môi trường chính trị, an ninh hòa bình và ổn định của khu vực. Trước những thách thức đang tồn tại, ông Tỵ nhấn mạnh nỗ lực phấn đấu cho hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển là trách nhiệm to lớn, vừa thường xuyên, vừa cấp bách của tất cả các thành viên APPF.
"Chúng tôi cho rằng hòa bình, an ninh quốc tế là điều kiện tiên quyết cho hợp tác, phát triển kinh tế, xã hội và thúc đẩy các quyền cơ bản, hạnh phúc của con người trên thế giới. Việc xây dựng một nền hòa bình bền vững phải dựa trên luật pháp quốc tế là lợi ích chung của các dân tộc", Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.
Trong phiên làm việc sáng 19/1, các đoàn đại biểu cùng bàn thảo về nhiều vấn đề nóng bỏng của khu vực và thế giới như Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng; giải pháp ngoại giao nghị viện cho cuộc khủng hoảng người Rohingya ở Myanmar; Xung đột Israel – Palestine; Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, tội phạm xuyên biên giới hay giải quyết xung đột trên các điểm nóng của thế giới.
Bên cạnh đó, các đoàn đại biểu cũng bàn thảo cách thức nhằm thúc đẩy vai trò của Ngoại giao Nghị viện với Hòa bình, an ninh và sự phồn thịnh trong khu vực và thế giới đồng thời đề cao sự hợp tác của các chính phủ để ứng phó hiệu quả không chỉ với những thách thức truyền thống mà cả phi truyền thống đang ngày càng tạo ra nhiều thách thức.
"Việt Nam tin tưởng với quyết tâm chính trị cao, chúng ta sẽ duy trì được hòa bình, ổn định, thực hiện hiệu quả các cam kết, chương trình hành động vì lợi ích chung của tất cả các dân tộc, vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau", Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.