Ngày 17/4, Tổng cục Hải quan cũng đã kiến nghị cho xuất khẩu gạo đã tồn ở các cảng từ ngày 24/3. Sau đó, số gạo này sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn. Bộ Công Thương cũng xin xuất khẩu gạo nếp trở lại, lập đoàn kiểm tra liên ngành để nắm tình hình về lượng gạo tại các cảng trong 4 ngày (20-24/4). Ảnh minh hoạ: I.T
Theo Bộ Tài chính, việc tạm dừng xuất khẩu gạo là thực hiện kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19 ngày 23/3, trong đó có chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạm dừng việc mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo từ 0 giờ ngày 24/3.
Ngày 10/4, Bộ trưởng Công Thương ban hành Quyết định số 1106/QĐ-BCT về công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020, trong đó có quy định về nguyên tắc quản lý hạn ngạch.
Với quyết định nêu trên của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan đã thiết lập các chỉ tiêu trên hệ thống dữ liệu điện tử hải quan để thực hiện tiếp nhận mở tờ khai đăng ký xuất khẩu gạo theo hạn ngạch tháng 4, trên nguyên tắc trừ lùi hạn ngạch đến khi đủ 400.000 tấn.
Công văn của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng ký gửi Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện nay trên một số phương tiện thông tin báo chí và mạng xã hội cũng như một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đặt nhiều nghi vấn tiêu cực trong tổ chức triển khai thực hiện hoạt động xuất khẩu gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, có hay không việc trục lợi từ chính sách quản lý hạn ngạch xuất khẩu gạo; Tính minh bạch trong việc chấp hành pháp luật về hải quan của cơ quan quản lý Nhà nước và của các tổ chức, cá nhân liên quan...
Văn bản của Bộ Tài chính đề nghị Tổng cục Hải Quan kiểm tra, xác minh thông tin tiêu cực trong quản lý hải quan đối với xuất khẩu gạo.
Về việc này, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan khẩn trương thanh tra, kiểm tra, làm rõ để phát hiện, xử lý nghiêm minh và kịp thời các hành vi vi phạm của công chức hải quan theo quy định của pháp luật.
Để đảm bảo tính khách quan, minh bạch và tính tổng thể các vấn đề báo chí, doanh nghiệp, mạng xã hội phản ánh dấu hiệu tiêu cực trong quản lý hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian qua, Bộ Tài chính đề nghị Bộ trưởng Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét điều tra, xác minh làm rõ các nội dung nêu trên nhằm xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức cá nhân trong hoạt động xuất khẩu gạo cũng như xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong trường hợp đưa thông tin xuyên tạc, sai sự thật.
Trước đó, ngày 23/3, Chính phủ cho dừng xuất khẩu gạo, theo đề xuất của Bộ Công Thương nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi Covid-19 diễn biến phức tạp. Lập tức, 0h ngày 24/3, hải quan dừng thông quan tất cả lô hàng khiến doanh nghiệp không kịp trở tay. Đến cuối ngày 24/3, chính Bộ Công Thương lại kiến nghị Thủ tướng cho xuất khẩu gạo trở lại. Giải thích về việc hôm trước xin dừng hôm sau xin hoãn này, Bộ Công Thương - cơ quan trực tiếp tham mưu, điều hành xuất khẩu gạo nhiều năm - cho biết "do có độ vênh số liệu gạo dự trữ, cần tính toán lại sản lượng". Sự bối rối của cơ quan điều hành còn ở chỗ, gạo nếp - không nằm trong danh mục dự trữ quốc gia nhưng vẫn được Bộ Công Thương tính chung trong các mặt hàng gạo xin dừng xuất khẩu. Thực tế này khiến các doanh nghiệp chỉ xuất khẩu gạo nếp bị đình lại, trong khi lượng tồn kho ở hai tỉnh An Giang, Long An rất lớn, lần lượt là 56.000 tấn và 152.000 tấn. Trước đó, trao đổi với báo chí, Giáo sư Võ Tòng Xuân khẳng định Việt Nam không thiếu lương thực dù năm nay chịu nhiều tác động từ hạn mặn tại đồng bằng sông Cửu Long và Covid-19. Dẫn số liệu của Bộ NN&PTNT, sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, lượng thóc còn để xuất khẩu năm nay hơn 13,4 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5-6,7 triệu tấn gạo. Riêng vụ đông xuân, sau khi trừ đi nhu cầu dự trữ và tiêu dùng, lượng gạo có thể xuất khẩu là khoảng 3 triệu tấn. Hai tháng nữa sẽ có thêm khoảng 4 triệu tấn gạo từ thu hoạch vụ hè thu. Đồng thời, gạo Việt Nam đang được giá trên thị trường quốc tế. |