Tiếp tục tranh tụng trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) ngày 15/3/2018, luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Minh Trí (nguyên Tổng giám đốc Navibank) cho rằng bị cáo Trí và các bị cáo Navibank đã lựa chọn VietinBank vì là ngân hàng của Nhà nước có uy tín để gửi tiền. Trên thực tế, các khoản tiền gửi ở VietinBank chi nhánh Nhà Bè đã được tất toán, đồng thời khi gửi tiền các nhân viên Navibank không biết bị cáo Huyền Như.
Với lập luận trên, vị luật sư này một lần nữa khẳng định dòng tiền đã vào tài khoản của các nhân viên Navibank lập ở VietinBank an toàn, nên việc thất thoát 200 tỷ đồng thuộc về trách nhiệm của VietinBank.
"Việc những người lãnh đạo và nhân viên Navibank đã bị mất tài sản của mình mà còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự là đáng tiếc" – luật sư nói.
Cũng liên quan đến quá trình gửi tiền ở VietinBank, tại phiên tòa hôm 14/3, luật sư bào chữa cho bị cáo Cao Kim Sơn Cương (nguyên Phó Tổng Giám đốc Navibank) từng đặt nghi vấn sao kê tài khoản của 4 nhân viên Navibank là giả? Theo luật sư, bản sao kê có nhiều điều nghi vấn, đơn cử sao kê phải được in ra có ngày giờ…, do đó luật sư khẳng định trước tòa: "Chúng tôi có quyền nghi ngờ này là những sao kê giả".
Cụ thể, tại sao kê của cá nhân Huỳnh Linh Chi có đến 3 dòng tiền với tổng số tiền là 78,4 tỷ đồng, trong khi con số bị mất là 63 tỷ đồng. Cùng với đó, các sao kê còn lại, số liệu cũng không chính xác. "Ví dụ tại sao kê của bà Lê Thị Thu Hương, dòng 9, 10 tài khoản không có tiền mà sao lại chuyển được 26 tỷ đồng, có phải đây là hànnh vi gian dối hay không?" - luật sư nói. Và theo luật sư, như vậy, bị cáo Huyền Như đã lừa VietinBank để rút tiền chứ không phải lừa khách hàng. Luật sư đồng ý sao kê sẽ là một chứng cứ mới bổ sung vào vụ án, song "đây lại là những chứng cứ chưa hợp pháp".
Navibank bị Huyền Như lừa, tức là xác định 10 cá nhân là các bị cáo trong phiên tòa này bị Huyền Như lừa
10 nguyên lãnh đạo Navibank tại phiên tòa.
Tương tự, một vị luật sư khác cũng cho rằng việc bị cáo Huyền Như bị tuyên tội lừa đảo tức được phát sinh từ một mối quan hệ xã hội, đó là mối quan hệ giữa "kẻ đi lừa" và "người bị lừa". Tòa đã kết tội Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Navibank, vậy trong mối quan hệ này Huyền Như là "kẻ đi lừa" và Navibank là "người bị lừa", vị này vấn đáp.
" Navibank là một pháp nhân, hoạt động phải thông qua các cá nhân với các chức vụ, quyền hạn nhất định theo Luật Các tổ chức tín dụng. Chính vì thế mà pháp luật không truy tố hình sự đối với Navibank mà truy tố các cá nhân có chức vụ, quyền hạn của Navibank. Vậy nói Navibank bị Huyền Như lừa, tức là xác định 10 cá nhân là các bị cáo trong phiên tòa này bị Huyền Như lừa. Nếu các bị cáo bị Huyền Như lừa thì họ không có lỗi cố ý nên không đủ yếu tố cấu thành tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", luật sư nhấn mạnh.
Phiên toàn xét xử vụ Navibank được chính thức mở vào ngày 28/2/2018, dự kiến sẽ kéo dài 18 phiên và kết thúc vào ngày 15/3/2018. Tuy nhiên, do phải thu thập thêm tài liệu chứng cứ, phiên tòa trước đó đã có quyết định hoãn xử 2 phiên ngày 8-9/32018.