Cuối chiều 6-7, phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Thị Lam (31 tuổi, nguyên nhân viên Phòng giao dịch Đô Lương, chi nhánh Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam Eximbank tại TP Vinh, Nghệ An) và 15 bị can trong vụ “rút ruột” hơn 50 tỷ đồng đã kết thúc phần lời nói sau cùng của các bị cáo.
Phiên tòa sơ thẩm.
Bị cáo Đặng Đình Hồng (45 tuổi, nguyên Giám đốc Phòng Giao dịch Eximbank Đô Lương) nói lời nói sau cùng và xin giảm nhẹ hình phạt.
Trước khi vào nghị án, ông Vi Văn Chắt- Chánh Tòa hình sự TAND tỉnh Nghệ An chủ tọa phiên tòa thay mặt HĐXX sơ thẩm nói: “Trong vụ án này qua thực hiện xét xử 5 ngày nay chỉ ra rất nhiều cái. Trong đó, HĐXX thấy Ngân hàng Eximbank cần chấn chỉnh lại việc ban hành các văn bản, đặc biệt là bộ phận pháp chế và luật sư tư vấn cho Eximbank nên có tư vấn với Hội đồng quản trị để có định hướng ghi cho rõ, đúng. Bởi vì không chỉ các bị cáo này mà còn có các thế hệ tiếp theo, ngân hàng phải chặt chẽ. Đôi lúc trong các văn bản quy phạm nó mang nhiều tính tùy nghi do đó không phải ai cũng hiểu được quy định thế này phải làm thế này, thực hiện không phải chỉ ra phải làm thế này mới hiệu quả được. Kể cả những người làm trách nhiệm quản lý phải thực hiện đúng nhiệm vụ, cạnh tranh lành mạnh.
Hội đồng xét xử, thẩm phán đã xét xử rất nhiều vụ án, nhưng vụ án này có đặc điểm riêng của nó, HĐXX phải nói, phải nhắc nhở, người thân gia đình của các bị cáo phải chia sẻ, phải thấu hiểu, việc xảy ra vụ án này. HĐXX chưa có xác định có tội hay không có tội, hiện đang xem xét theo truy tố của viện kiểm sát. Trong thời gian gần hai năm từ ngày xảy ra vụ án chờ cho đến khi có bản án tòa án là những cái rất nặng nề, vì không nghĩ rằng mình vướng vào vòng lao lý. Do đó gia đình, người thân đặc biệt là vợ, chồng, cha mẹ và cả các con cái phải chia sẻ cho các bị cáo. Kể cả bị cáo Lam, gia đình phải chia sẻ để vực dậy tinh thần, tư tưởng tâm lý.
Trong vụ án này các luật sư đã bào chữa hết trách nhiệm của mình, nếu viện kiểm sát truy tố không có căn cứ buộc tội thì Hội đồng xét xử sẽ xem xét đúng quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử bây giờ không như ngày xưa nữa, tất cả đã nghe toàn bộ tranh luận tại phiên tòa, án tại hồ sơ.
Trong vụ án này có cái khó của nó, nên luật sư của bị cáo Lam có ý kiến tranh luận gay gắt mà luật sư phải hiểu cho các cơ quan tiến hành tố tụng rằng để chứng minh được nguồn tiền đi trong thời đại công nghệ thông tin hiện đại như thế này là cả vấn đề rất khó, tùy thuộc vào quy định của tố tụng. Trong vụ án này có bốn bị cáo thuộc thế hệ 7x, còn lại các bị cáo thế hệ 8x, rất ít tuổi, chưa nhiều, do đó Ngân hàng Eximbank phải chia sẻ với các bị cáo để người ta cảm thấy được an ủi, không cảm thấy bị bỏ rơi…”.
Bị cáo Đặng Đình Hồng.
Ở phiên tòa này, Đại diện VKSND tỉnh Nghệ An đề nghị HĐXX sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Thị Lam án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời đề nghị tuyên buộc bị cáo Lam phải bồi thường cho ngân hàng Eximbank số tiền Lam đã chiếm đoạt và khoản tổn thất do Lam gây ra.
Cảnh sát dẫn giải bị cáo Nguyễn Thị Lam lên xe bịt thùng chở về Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An.
15 bị cáo khác bị đề nghị phạt tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, bị cáo bị đề nghị mức án nhẹ nhất từ 6 đến 9 tháng cải tạo không giam giữ là bị cáo Bùi Văn Trường (44 tuổi, nguyên kiểm soát viên Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương; trú phường Lê Mao, TP Vinh). Bị cáo Đặng Đình Hồng (45 tuổi, nguyên Giám đốc Phòng Giao dịch Eximbank Đô Lương; trú xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương) bị đề nghị từ 36 đến 39 tháng tù.
Nói lời nói sau cùng, các bị cáo đều khóc, hối hận, nói lời xin lỗi và đều xin được xem xét giảm nhẹ hình phạt.
HĐXX nghị án và đến 14 giờ chiều 13-7 mới tuyên án.