Ông Phan Hoàng Nam: "Ngay cả hợp đồng còn không có!"
Liên quan đến sự vụ 51 nhà đầu tư uỷ thác bị thiệt hại gần 53 tỷ đồng khi ủy thác đầu tư chứng khoán phái sinh cho ông Phan Hoàng Nam - Giám đốc (đồng thời là người đại diện theo pháp luật) Công ty TNHH Nobel Global, ông Nam đã có tiếp xúc và phản hồi với báo giới về lời tố cáo từ nhóm nhà đầu tư, trong đó ông Nam phủ nhận tất cả những quan điểm của nhóm nhà đầu tư và cho rằng mối quan hệ này là tự nguyện.
Chi tiết, ông Nam nói: "Việc uỷ thác ở đây là hoàn toàn tự nguyện không có ép buột một chút nào cả, và cũng không có cam kết gì hết.
Ngay cả hợp đồng còn không có! Vậy, nếu nhà đầu tư nói như thế hãy cho Nam thấy rằng có một văn bản nào đó được ký kết giữa người uỷ thác là nhà đầu tư và người nhận uỷ thác là Nam".
Ông Nam cũng xác nhận tổng số tiền được các nhà đầu tư ủy thác từ tháng 10/2018 đến hết tháng 12/2019 từ 51 người vào khoảng 70 tỷ đồng. Ông Nam cho rằng mình có chia lãi đúng theo thỏa thuận, thậm chí nhấn mạnh là "chia lãi" chứ không phải là "trả lãi.
Đồng thời, ông Nam cho rằng bản thân không cam kết mức lợi nhuận 4%/tháng mà chỉ là con số kỳ vọng. Trong đầu tư, theo ông Nam lời chia lãi chịu, bản thân ông Nam cũng bị thua lỗ.
"Khi nhắc đến hợp đồng thường ông Nam thoái thoát và đưa ra những vấn đề khác"
Ngược lại, phía nhà đầu tư cho hay khi nhắc đến hợp đồng thường ông Nam thường đưa ra những vấn đề khác. Một nhà đầu tư nói: "Cái hợp đồng là phải hai bên nhưng nói đến hợp đồng là Nam thoái thoát, đưa ra những vấn đề khác".
Đáng chú ý, trên thực tế tất cả những dẫn chứng, trình bày của nhóm nhà đầu tư đều không có văn bản chính thức, chủ yếu là những đoạn ‘chat’ từ các group đầu tư của ông Nam, giấy cam kết trả nợ sau Tết cũng như đề nghị được tiếp tục đứng lớp, chạy Grab để có tiền cũng là giấy viết tay giữa hai bên.
Tuy nhiên, sau đó ông Nam vẫn không thực hiện cam kết hoàn trả tiền. Trước tình hình này, nhóm nhà đầu tư đã gửi đơn tố cáo yêu cầu ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản (tiền tài khoản, nhà đất bất động sản và xe hơi…) và việc vợ chồng ông Nam chạy trốn ra nước ngoài. Hiện Phòng cảnh sát kinh tế Công an Tp.HCM đã tiếp nhận hồ sơ vụ việc và đang tiến hành điều tra.
Luật sư: Việc một cá nhân nhận uỷ thác đầu tư phái sinh là không đúng quy định
Theo quan điểm Luật sư, cần xác định chỉ có công ty quản lý quỹ do UBCKNN cấp phép và quản lý mới được thực hiện nghiệp vụ uỷ thác đầu tư. Do đó, việc ông Nam nhận uỷ thác để đầu tư chứng khoán phái sinh và đưa ra mức lợi nhuận kỳ vọng là không đúng quy định.
Qua mô hình như vậy cho thấy rằng các bên đã lách qua giới hạn hành lang pháp lý và tiến hành hoạt động chuyên nghiệp không khác gì một công ty quản lý quỹ. Đây là một dấu hiệu không thể nói là đúng pháp luật được. Theo đó, cần phải làm rõ cam kết giữa hai bên để xác minh đây là vụ án dân sự hay hình sự, dựa vào việc có động cơ và thủ đoạn trong việc dẫn dụ để chiếm đoạt tiền từ nhà đầu tư hay không?.
Điểm lại sự vụ, vào tháng 9/2018, thông qua lớp học tập về đầu tư chứng khoán, ông Nam liên tục mời gọi nhà đầu tư tham gia hội đầu tư chứng khoán phái sinh với tên gọi "Phái sinh hội".
Nhóm nhà đầu tư cho hay, lúc bấy giờ ông Nam trên danh nghĩa là Giám đốc Công ty TNHH Nobel Global: ngành nghề chính là hoạt động tư vấn quản lý đầu tư, tư vấn du học - trừ tư vấn tài chính, kế toán, pháp luật đứng ra tổ chức khoá học về chứng khoán với mức học phí 22 triệu đồng/khoá.
Sau khi tham gia "Phái sinh hội", thành viên sẽ ủy thác tiền cho ông Nam đầu tư chứng khoán phái sinh. Trong đó, theo hợp đồng ủy thác, nhà đầu tư sẽ nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản của ông Nam.
Thậm chí, ông Nam còn thử nghiệp một "Phái sinh hội 2" (tên gọi được ghi nhận theo nhóm nhà đầu tư) - nơi chuyên đánh Forex & CFD. Do 2 hội hoạt động song song nhau nên nhà đầu tư chuyển tiền vào hội nào phải ghi rõ nội dung chuyển tiền, ví dụ nộp vào "Phái sinh hội 2" thì ghi nội dung " nộp x suất PS2 (hoặc PSH2)".
Nhóm nhà đầu tư: Ban đầu ông Nam chia lãi đều để tạo niềm tin, mọi người theo đó tăng dần tiền uỷ thác
Theo lời tường thuật, ông Nam thông tin cho nhóm nhà đầu tư rằng bản thân ‘đánh’ phái sinh mỗi ngày; đồng thời có trình bày cho nhóm nhà đầu tư biết là hôm nay lời bao nhiêu, ngày mai lời bao nhiêu, ngày mốt lời bao nhiêu…
"Mỗi ngày ông Nam đều show ra con số cho thấy ngày nào cũng có lời. Sau 3 tuần ông Nam sẽ tổng kết lại là lợi nhuận của mỗi người bao nhiêu, Nam sẽ chuyển khoản cho từng người như vậy.
Ngay từ đầu hành động của ông Nam làm nhóm nhà đầu tư có lòng tin, tuy nhiên thời gian đầu chỉ có vài người tham gia, ví dụ 1 người chỉ tham gia chừng 10-20 hợp đồng. Tuy nhiên, từ từ ông Nam đã tạo dần niềm tin và thời gian dài sau mọi người tiếp tục nộp thêm tiền vào", nhà đầu tư nói.
Uỷ thác gần 72 tỷ đồng (tính đến ngày 12/1/2020) với mục tiêu đầu tư đạt tỷ suất lợi nhuận khoảng 4%/tháng, tỷ lệ chia lỗ (cắt lỗ) là 20% trên tổng vốn, quá 20% thì ngừng giao dịch; nhóm nhà đầu tư cho biết số tiền lợi nhuận từ đầu tư nhận được theo báo cáo của ông Nam là gần 12 tỷ (tương đương mức lãi trả định kỳ cho phần uỷ thác); tổng cộng ký 3.984 hợp đồng lớn nhỏ.
Mặc dù xác nhận từ tháng 10/2018 đến 12/2019 ông Nam có cung cấp dữ liệu xuất từ máy vi tính, nhưng nhóm nhà đầu tư cho rằng ông Nam ngụy tạo số liệu thiếu trung thực nhằm che dấu sai phạm của mình.
Ông Nam đã thông báo thông tin lãi sai sự thật trong các các ngày giao dịch và các kỳ trả lợi nhuận, mà thực chất là tài khoản giao dịch đang thua lỗ. Bản chất là ông Nam đã lấy số tiền người góp vốn sau để trả cho các khoản lợi nhuận.
Chưa kể, thực tế theo nhóm nhà đầu tư thì ông Nam đã thực hiện trái thỏa thuận hợp đồng ủy thác đầu tư, chỉ chuyển khoản và đầu tư vào chứng khoán phái sinh khoảng 18% số tiền vốn góp tương đương gần 13 tỷ đồng. Khoảng hơn 80% số tiền vốn còn lại ông Nam tự ý (không thông báo với nhà đầu tư) chuyển khoản và đầu tư vào thị trường Ngoại hối Forex.
Ngoài ra, khi tài khoản phái sinh thua lỗ quá 20%, ông Nam cũng không ngừng giao dịch và thông báo cho các nhà đầu tư để đưa ra quyết định, dẫn đến tài khoản giao dịch phái sinh thua lỗ gần như toàn bộ số tiền nộp vào.