Ngày 4/12/2018, TAND Tp.HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ thất thoát 3.608 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DongABank, DAB), liên quan đến bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm), Trần Phương Bình (Nguyên Tổng Giám đốc DAB) và 24 bị cáo khác.
Phiên sáng nay, trong phần trả lời thẩm vấn làm rõ vấn đề liên quan đến việc Vũ Nhôm kêu oan, bị cáo Trần Phương Bình cho biết, tuy không bàn bạc nội dung cụ thể về số tiền đó với Vũ Nhôm, nhưng khi trao đổi với Vinh về việc thu khống 200 tỷ là muốn gián tiếp cho Vũ biết tình hình DAB có tình trạng treo quỹ. Như vậy, theo bị cáo Bình, Vũ Nhôm có biết việc thu khống này.
Ngược lại về phía Vũ Nhôm, tại Cơ quan điều tra và tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, Vũ Nhôm luôn khẳng định số tiền 200 tỷ đồng mà bị cáo Bình cho vay là vay cá nhân, vay dân sự. Tức là "bị cáo nghĩ là tiền cá nhân của Trần Phương Bình chứ không liên quan tới DAB, chỉ nghe Bình chỉ đạo hạch toán bán 10 triệu USD để giao cho mình 200 tỷ, chứ không hề được nghe ứng quỹ 200 tỷ đồng của DAB", Vũ Nhôm trả lời tại tòa.
Đáng chú ý, HĐXX đã đồng ý cho gia đình Vũ Nhôm nộp thêm hơn 30 tỷ ngay trong phiên hôm nay 4/12. Chiều cùng ngày, trong khi phiên tòa tiếp tục xét xử thì gia đình Vũ Nhôm đã đến Cục Thi hành án dân sự Tp.HCM nộp hơn 30 tỷ đồng, nội dung là khắc phục hậu quả theo yêu cầu thu TAND Tp.HCM.
Trước đó, gia đình Vũ Nhôm cũng đã nộp 173 tỷ đồng trong tổng số 203 tỷ mà Vũ Nhôm bị cáo buộc chiếm đoạt của DAB. Như vậy đến phiên xét xử 4/12/2018, Vũ Nhôm đã nộp khắc phục hậu quả xong khoản tiền bị cáo buộc đã chiếm đoạt của DAB.
Tiếp tục "kêu oan", Vũ Nhôm nói rằng hơn 30 tỷ gia đình mình vừa nộp không phải là khắc phục hậu quả mà là trả cho bị cáo Bình. Bởi, số tiền hơn 200 tỷ đồng này Vũ Nhôm một mực khẳng định là "mượn của bị cáo Bình và có trách nhiệm trả số tiền này cùng 13,4 triệu USD cũng là tiền vay cá nhân bị cáo Bình".
Theo ghi nhận từ cáo trạng, liên quan đến vụ xét xử tại DAB, Vũ Nhôm bị cáo buộc đã lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng và Trần Phương Bình chiếm đoạt gần 295 tỷ đồng của DAB.
Cụ thể, năm 2013, DAB bị thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng lớn tiền, vàng trong kho quỹ, bị cáo Bình có chủ trương tăng vốn điều lệ DAB từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng để thu hút vốn đầu tư, mong muốn doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, quan hệ đầu tư vào DAB để có tiền xử lý khó khăn tại DAB và để nâng cao thương hiệu, vị thế của DAB.
Do quen biết nhau từ trước, bị cáo Bình và Vũ Nhôm bàn bạc và thống nhất cho Vũ Nhôm mua 60 triệu cổ phần DAB với giá 600 tỷ đồng khi DAB tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng vào năm 2014, mục đích để Vũ Nhôm trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại DAB.
Nguồn tiền mua cổ phần DAB gồm (1) Vũ Nhôm thế chấp 220 lô đất tại thành phố Đà Nẵng vay 400 tỷ đồng của DAB; (2) đối với 200 tỷ đồng còn lại, bị cáo Bình chỉ đạo nhân viên DAB xuất quỹ cho Vũ Nhôm, sau đó Vũ Nhôm ký khống chứng từ nộp 200 tỷ vào DAB để Vũ có được 200 tỷ đồng tham gia mua cổ phần của DAB.
Sau này, việc tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng không thành công, ngày 8/4/2014, bị cáo Bình chỉ đạo DAB chuyển trả 600 tỷ đồng và hơn 9,5 tỷ đồng tiền lãi của 600 tỷ đồng vào tài khoản của CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 (do Vũ Nhôm làm Chủ tịch HĐQT) tại DAB Chi nhánh Đà Nẵng.
Như vậy, Vũ Nhôm chỉ nộp 400 tỷ đồng nhưng lại nhận 600 tỷ đồng và hơn 9,5 tỷ đồng tiền lãi, tức là đã chiếm đoạt của DAB 200 tỷ đồng gốc do ký chứng từ nộp khống mà có và gần 3,2 tỷ đồng tiền lãi của số tiền khống này, cáo trạng cho biết.