Phiên tòa xử vụ thất thoát 3.608 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DAB) đã qua bốn ngày xét xử. Hôm nay, 3-12, phiên tòa tiếp tục với phần luật sư xét hỏi các bị cáo (có 26 bị cáo trong vụ án này).
10 năm thanh tra không ra dấu vết
Bị cáo Trần Phương Bình , 59 tuổi, cựu tổng giám đốc, phó chủ tịch HĐQT và chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB, bị truy tố hai tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Ông Bình bị cáo buộc là người có vai trò chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện 27 hành vi phạm tội. Còn sáu hành vi khác của ông đang được xác minh làm rõ ở giai đoạn 2 của vụ án. Cụ thể, ông Bình lạm dụng chức vụ, quyền hạn như chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi sai nguyên tắc để mua cổ phần DAB, mua ngoại tệ, chiếm đoạt của DAB 2.017 tỉ đồng. Ngoài ra, ông Bình còn chỉ đạo xuất quỹ chi sai nguyên tắc để chi lãi ngoài, để tất toán khoản vay của bạn mình là cựu trung tá Công an TP.HCM, tất toán khống và thu khống nhiều khoản tiền, xuất khẩu vàng trái phép, kinh doanh ngoại hối trái phép, gây thiệt hại 1.551 tỉ đồng.
Để che giấu các khoản tiền chênh lệch, trước mỗi đợt thanh tra, ông Bình làm việc với phòng Ngân quỹ điều chuyển các khoản âm quỹ đó đến các chi nhánh, phòng giao dịch nơi mà các cơ quan thanh tra không thanh tra nên không bị phát hiện. Sau cuộc kiểm tra khoảng 10 ngày, các chi nhánh, phòng giao dịch này sẽ chuyển khoản âm quỹ này lại hội sở. Cách che giấu này diễn ra được 10 năm thì bị phát hiện, trước đó dù thanh tra, kiểm tra đều đặn nhưng Ngân hàng Nhà nước không đặt nghi vấn gì.
Từ trái qua phải, từ trên xuống dưới: Vũ “nhôm”, Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Kim Xuyến và Nguyễn Thị Ái Lan . Ảnh: CTV
Người phụ nữ quyền lực một thời
Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, cựu phó tổng giám đốc, thành viên HĐQT DAB, được xác định là đồng phạm thực hành tích cực với ông Bình.
Bà Xuyến bị cáo buộc đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn để cho em vợ ông Bình vay 270 tỉ đồng. Bà Xuyến cũng là đồng phạm giúp sức cho Bình chiếm đoạt của DAB 486 tỉ đồng mua cổ phần DAB.
Ngoài ra, bà Xuyến còn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng về các hành vi như xuất khẩu vàng và kinh doanh vàng tài khoản trái phép, chi lãi suất ngoài và chi sai nguyên tắc, gây thiệt hại cho DAB 1.088 tỉ đồng...
Bị cáo nữ duy nhất kêu oan
Nguyễn Thị Ái Lan, nguyên trưởng phòng Nguồn vốn hội sở DAB, bị truy tố tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Theo cáo buộc, bà Lan có hai hành vi phạm tội là kinh doanh ngoại hối trái phép, chi lãi suất ngoài trái phép, tổng cộng gây thiệt hại cho DAB hơn 820 tỉ đồng. Tại CQĐT và tại tòa, bị cáo Lan kêu oan.
Về cáo buộc được phó tổng giám đốc DAB trực tiếp chỉ đạo và giao thực hiện việc chi lãi ngoài, bà Lan khai rằng không tham gia bàn bạc chủ trương, quyết định việc chi lãi ngoài. Bà Xuyến cũng khai tại tòa rằng bà chỉ đạo trực tiếp nhân viên phòng Nguồn vốn, không thông qua bà Lan. Thủ quỹ ngoại tệ hội sở là ông Trịnh Ngọc Bình (nhân viên phòng Ngân quỹ) khai tại tòa rằng được bà Lan chỉ đạo phát tiền mặt chi lãi ngoài 160 tỉ đồng cho 72 đơn vị kinh doanh khu vực TP.HCM. Tuy nhiên, theo lời khai tại tòa của bà Xuyến và ông trưởng phòng Ngân quỹ thì bà Lan không thể chỉ đạo được nhân viên phòng Ngân quỹ làm việc này.
Đối với nội dung kinh doanh ngoại hối, bà Lan cho rằng cáo trạng ghi chưa đầy đủ lời khai của bà, dễ gây hiểu nhầm. “Bị cáo lập phiếu thu không có nghĩa là bị cáo kinh doanh ngoại hối. Bị cáo cũng không chi lãi ngoài” - bà Lan trình bày.
Cựu tổng giám đốc Trần Phương Bình cũng khai mình cùng trưởng phòng kinh doanh trực tiếp kinh doanh ngoại tệ trên màn hình Reuter. Ông không biết việc kinh doanh ngoại hối tại thị trường nước ngoài phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước. Ông không biết nên nhân viên phòng kinh doanh như bà Ái Lan cũng không thể biết.
Vũ “nhôm” “thề độc” trước tòa
Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79) bị cáo buộc lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của DAB 203 tỉ đồng. Cáo trạng quy buộc Vũ phải bồi thường số tiền này. Ngoài ra, Vũ phải chịu trách nhiệm nộp lại 13,4 triệu USD và 90 tỉ đồng mua cổ phần DAB để khắc phục hậu quả. CQĐT tiếp tục điều tra làm rõ việc Vũ nhận số tiền này, nếu xác định có dấu hiệu hình sự thì sẽ xử lý.
Năm 2013, DAB thua lỗ kéo dài, thiếu hụt lượng tiền và vàng lớn trong kho quỹ. Trần Phương Bình mong muốn Vũ đầu tư để Bình xử lý khó khăn, đồng thời nâng cao thương hiệu, vị thế và ảnh hưởng của DAB. Ông Bình và Vũ thống nhất Vũ sẽ mua 60 triệu cổ phần với giá 600 tỉ đồng khi DAB tăng vốn điều lệ, mục đích để Vũ trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại DAB. Tuy nhiên, ông Bình chỉ chấp nhận cho Vũ vay 400 tỉ đồng, còn thiếu 200 tỉ đồng Vũ nhờ Bình giúp đỡ.
Ngày 17-1-20014, Bình chỉ đạo xuất quỹ chi 200 tỉ đồng cho Vũ bằng cách DAB lập chứng từ thu khống 200 tỉ đồng của Vũ để Vũ có đủ 600 tỉ đồng mua 60 triệu cổ phần. Vũ trực tiếp viết nội dung và ký giấy nộp tiền và bảng kê loại tiền.
Năm 2014, khi tăng vốn điều lệ không thành, DAB trả lại Vũ 600 tỉ đồng và 9,5 tỉ đồng tiền lãi. Vũ dùng 500 tỉ đồng mua 50 triệu cổ phần DAB của Bình. 200 tỉ đồng Vũ nộp vào DAB là nộp khống. 200 tỉ đồng DAB chuyển cho Vũ là thật, đã được dịch chuyển bất hợp pháp.
Còn 13,4 triệu USD Vũ bị cáo buộc đã nhận từ Bình là do Bình lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 283 tỉ đồng của DAB để mua và chuyển cho Vũ theo đề nghị của Vũ.
Tuy nhiên, tại CQĐT và tại tòa Vũ một mực kêu oan. Thừa nhận sự việc đã nhận 200 tỉ đồng và 13,4 triệu USD nhưng Vũ cho rằng Vũ vay của ông Bình chứ không phải chiếm đoạt của DAB. Sự việc xảy ra đã lâu, Vũ không nhớ cụ thể nhưng ngày 17-1-2014 này hai dòng tiền cùng vào. “Bị cáo không thể nhớ đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương, tiền chứ không phải nước mà hòa vào nhau”.
Vũ cũng cho biết từ khi bị khởi tố, Vũ mất ngủ bảy tháng 13 ngày. Vũ đem tính mạng bản thân, toàn bộ gia đình gồm vợ và sáu đứa con ra “đảm bảo lời khai hoàn toàn là sự thật”. Vũ cam kết hoàn trả trong vòng 30 ngày khi phiên tòa kết thúc. Đến nay Vũ đã trả được 173 tỉ đồng.
Thành khẩn khai báo
Trong tổng thiệt hại của vụ án (3.608 tỉ đồng), ông Bình phải chịu trách nhiệm 3.568 tỉ đồng. Ông Bình được đánh giá là thành khẩn khai báo và nhận trách nhiệm đối với thiệt hại gây ra. Từng là một nhà giáo trước khi chuyển sang kinh doanh lĩnh vực ngân hàng, tại tòa ông Bình giọng chậm rãi, lời lẽ chuẩn mực, rành mạch trả lời các câu hỏi và thừa nhận các hành vi bị cáo buộc.
Nhận nuôi con nuôi khi đã 57 tuổi
Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến tóc bạc phơ ngày ra tòa. Bà được cho ngồi vì chân đau do té khi lên xuống xe tù. Người phụ nữ quyền lực một thời của DAB được nhân viên dưới quyền nhận xét là một trong những lãnh đạo có tài, bản lĩnh, giỏi đối nhân xử thế và rất chăm lo cho thuộc cấp. Họ cho rằng tình cảm của những ai có dịp tiếp xúc với bà là không đổi: ấm áp, yêu thương, kính nể... Hiện bà Xuyến còn ba người con chưa thành niên, trong đó có người con mới ba tuổi do bà nhận nuôi khi đã 57 tuổi.