Theo đó, dùng hàm Goal Seek, một người đã tính ra được lãi suất trung bình là 87,94%/năm, tương ứng xấp xỉ 7,33%/tháng.
Trong khi đó, trên diễn đàn khác, một tài khoản sau khi tính toán cho rằng, trong vụ nợ 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng lên tới gần 100%/năm. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, lãi suất vào khoảng 90%/năm, tức là 7,5%/năm.
Một tính toán khác lại cho thấy, lãi suất của khoản vay quá hạn này tính ra là 105%/năm.
Thậm chí, một tài khoản trên mạng xã hội còn rất "bức xúc" vì cho rằng lãi suất lên tới hơn 900%/năm. Cụ thể, người này tính theo phương pháp cơ học (không cộng dồn dư nợ), dư nợ gốc là 8,5 triệu đồng, nợ lãi là 8,83 tỷ đồng, tức là lãi suất bình quân xấp xỉ 909%/năm - một con số "khủng".
Trong khi đó chia sẻ với PV Dân Việt, một giảng viên về lĩnh vực ngân hàng cho biết, trong vụ nợ 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng, với mức dư nợ và lãi suất như trên, lãi suất bình quân của khoản vay này vào khoảng 5,57% - 5,58%/tháng, tương ứng khoảng gần 67%/năm – thấp hơn nhiều so với tính toán nêu trên.
Bà này phân tích, khách hàng mở thẻ vào tháng 3/2013. Tháng 9/2013 khoản nợ chuyển thành nợ xấu (sau 91 ngày), như vậy khoản dư nợ phát sinh trong tháng 5 – 6/2013. Giả sử dư nợ của khoản nợ quá hạn này phát sinh từ tháng 5/2013 với giá trị 8554625 đồng. Tính đến thời điểm ra công văn vào tháng 11/2023 (tức là 127 tháng). Thử áp dụng mức lãi suất bình quân 5,573%/tháng (kỳ tính lãi của thẻ tín dụng theo tháng), Dân Việt có được sơ đồ lãi như sau:
Khảo sát của Dân Việt cho thấy, nếu chưa tính đến lãi quá hạn, phí phạt chậm trả, lãi suất thẻ tín dụng trong hạn của Eximbankkhông phải là lãi suất cao nhất thị trường hiện nay.
Chẳng hạn như HSBC, lãi suất niêm yết trên website là 36%/năm với thẻ Tín Dụng Premier World Mastercard; MBBank lãi suất 27% với MB Mastercard Hi Green. LPBank lãi suất thẻ tín dụng 28%/năm. ACB lãi suất thẻ tín dụng lên tới 32%.
Tại Vpbank, biểu lãi suất dao động từ 2,7% - 3,99%/tháng. Trong khi đó, lãi suất thẻ tín dụng của HDBank dao động từ 28% - 36%/năm.
Dù niêm yết là vậy, song theo phản ánh của khách hàng cho biết, đang phải chịu lãi suất trong hạn trên 40%, thậm chí có trường hợp khách hàng lên tới 55%/năm (tùy mức độ rủi ro của khách hàng). Như vậy, nếu tính thêm lãi, phí trả chậm thì con số lãi suất sẽ đội lên không nhỏ.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, thẻ tín dụng có nhiều lợi ích, miễn lãi tới 45 ngày, nhưng khách hàng cần tìm hiểu kỹ khi sử dụng, tránh phát sinh nợ xấu.
Riêng về lãi suất, ông cho biết theo Luật, Ngân hàng Nhà nước không được quy định bất cứ một loại lãi suất nào giữa ngân hàng và khách hàng vì đó là quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, lãi suất do khách hàng và ngân hàng thỏa thuận và ông khẳng định, dù nợ 1.000 đồng thì ngân hàng vẫn tính lãi trên số tiền đó. Tuy nhiên, việc tính lãi kép từ việc nợ 8,5 triệu đồng tính lãi thành 8,8 tỷ đồng là đúng hay sai thì vị này chưa đưa ra bình luận.
"Bao giờ khi mở thẻ tại các ngân hàng đều có những điều khoản hợp đồng, khách hàng phải đọc kỹ hợp đồng để nắm được lãi suất bao nhiêu, trách nhiệm của mình là gì khi sử dụng thẻ,…và mình phải quản trị được tài chính của mình, mình có khả năng chi trả hay không trước khi mình chi tiêu", ông này khuyến nghị người dùng thẻ.