Khi các nhà đầu tư hoảng loạn và giẫm đạp lên nhau để tháo chạy, trở thành người đầu tiên có thể thoát ra là điều rất quan trọng.
Đó là những gì đã xảy ra khi cổ phiếu của ViacomCBS lao dốc cuối tuần trước và kích hoạt lên làn sóng bán tháo lớn nhất trong lịch sử. Tổng cộng khoảng 20 tỷ USD cổ phiếu đã được các ngân hàng trên phố Wall bán ra để cắt lỗ khỏi Archegos Capital Management, quỹ đầu tư của Bill Hwang.
Đầu giờ sáng hôm qua (29/3), Credit Suisse và Nomura, hai ngân hàng môi giới hàng đầu của Archegos, thông báo nguy cơ đối mặt với những khoản lỗ lớn. Nomura ước tính sẽ lỗ 2 tỷ USD chỉ trong 1 tuần, trong khi Credit Suisse cho rằng kết quả kinh doanh quý I sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy nhiên trong lúc đó thì 2 ngân hàng sừng sỏ khác là Goldman Sachs và Morgan Stanley đã hoàn tất việc thoát vị thế, theo những nguồn tin thân cận cho hay.
Goldman đã xoay xở được và bán ra phần lớn các cổ phiếu có liên quan đến vụ Archegos bị margin call hôm thứ 6 tuần trước. Morgan Stanley cũng bán tổng cộng 15 tỷ USD cổ phiếu chỉ trong vài ngày và tránh được khoản lỗ lớn, theo phóng viên Leslie Picker của CNBC.
Kết quả là nhà đầu tư đã trừng phạt 2 ngân hàng đến từ Thụy Sĩ và Nhật Bản. Chốt phiên hôm qua, cổ phiếu Nomura giảm 14% trong khi Credit Suisse mất 11,5%. Cổ phiếu Morgan Stanley chỉ giảm 2,6% còn Goldman Sachs cũng giảm rất nhẹ - 0,5%.
"Trong môi trường này, khi thông tin truyền đi rất nhanh và bạn phải nhanh đóng hành động, sự việc vừa qua cho thấy sự yếu kém của bộ phận quản lý rủi ro ở Nomura", Mark Williams, giảng viên ĐH Boston và từng là 1 thanh tra tại Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhận xét. "Liệu họ có hiểu mình đang bước vào rủi ro như thế nào không, hay họ đã phớt lờ chúng bởi vì quá khao khát tăng trưởng?"
Morgan Stanley, Goldman và JPMorgan Chase hiện là 3 nhà môi giới hàng đầu thế giới. Credit Suisse xếp thứ 7, trong khi Nomura đứng ngoài top 10.
Đôi lúc các công ty nhỏ hơn sẽ phải chấp nhận hạ thấp yêu cầu về tài sản đảm bảo hoặc đưa ra mức giá rẻ hơn để giành giật khách hàng trong môi trường cạnh tranh đầy khốc liệt. Chiến lược này hiệu quả khi thị trường đang tăng điểm nhưng có thể dẫn đến những nỗi đau lớn khi thị trường lao dốc và các cú đặt cược lạm dụng đòn bẩy sụp đổ.
Tại thị trường Mỹ, Nomura và Credit Suisse cũng có phạm vi hoạt động hẹp hơn và do đó bị hạn chế khả năng bán cổ phiếu lô lớn so với các ngân hàng Mỹ khi câu chuyện đã trở nên rõ ràng.
Vụ đổ vỡ của Archegos – thực thể có nhiều yếu tố bí ẩn trước khi sụp đổ cuối tuần trước – cũng đặt ra câu hỏi liệu có còn những rủi ro nào khác đang ẩn chứa trong các khách hàng của những ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới hay không.
Tham khảo Bloomberg