Vụ vú sữa năm 2018-2019 là năm thứ hai tỉnh Tiền Giang được Mỹ cấp phép nhập khẩu trái vú sữa tươi. Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 450ha vú sữa nhưng chỉ có 103ha ở các xã thuộc huyện Châu Thành, Cai Lậy và Cái Bè được ngành chuyên môn thẩm định và cấp mã code vùng trồng truy nguyên nguồn gốc xuất xứ vú sữa để xuất sang thị trường này.
Vú sữa Tiền Giang mất cơ hội vào thị trường Mỹ. Ảnh: T.C.L
Vú sữa mất mùa
Ông Huỳnh Hữu Hòa - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Châu Thành (Tiền Giang) cũng là một nông dân trồng vú sữa. Ông đang trồng 3.500m2 vú sữa hồng. Vụ năm ngoái, ông bán hơn 4 tấn vú sữa cho Công ty TNHH Đại Lâm Mộc để xuất đi Mỹ với giá cao hơn thị trường trong nước từ 7.000 - 10.000 đồng/kg. Vụ vú sữa năm nay, ông Hòa cho biết mình… trắng tay.
Lý do, thời tiết nắng mưa thất thường khiến chất lượng trái không đạt, trong khi trái non rụng khá nhiều. “Năm nay trồng vú sữa không vào vụ mùa gì, trái ra lưa thưa, không thể bao trái, chăm sóc cây” - ông Hòa than thở.
Tương tự, vườn vú sữa Lò Rèn 4.000m2 của ông Huỳnh Văn Thọ (xã Long Hưng, Châu Thành) đang bước vào vụ cho trái, đây là năm thứ 3 gia đình ông làm vú sữa xuất khẩu. Năm rồi, công ty xuất khẩu thu mua vú sữa của ông với giá cao hơn giá thị trường 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Ông Thọ cho biết, vụ năm ngoái vườn của ông được bao trái 100%, đáp ứng tất cả các tiêu chí khác mà công ty thu mua đưa ra để xuất khẩu. Nhưng năm nay, dù chăm sóc kỹ, cây vẫn không đạt trái.
“Chắc do thời tiết nắng mưa đỏng đảnh nên trái rụng khá nhiều” - ông Thọ dự đoán.
Điều mong mỏi nhất của ông Thọ là vụ này, công ty thu mua toàn bộ vú sữa trong vườn. Bởi, những mùa rồi ông phải mang ra chợ bán rất nhiều vú sữa mà doanh nghiệp thu mua loại ra. “Tính chung, nhà vườn bán vú sữa cho thương lái bên ngoài thu lãi cao hơn bán cho các công ty xuất khẩu” - ông Thọ khẳng định.
Mất vụ xuất khẩu
Hàng năm, vào thời điểm này, thương lái đã đến đặt hàng mua vú sữa. Nhưng năm nay, theo nhiều nông dân trồng vú sữa ở Tiền Giang, chưa thấy bóng dáng doanh nghiệp thu mua đâu. Theo ông Hòa, hiện doanh nghiệp chủ yếu mua vú sữa ở Cần Thơ để xuất khẩu. Sản lượng vú sữa trồng tại Tiền Giang giờ không đáng kể. Trong khi, vụ vú sữa năm 2018 - 2019, Tiền Giang xuất sang thị trường Mỹ 400 tấn vú sữa.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 3 doanh nghiệp thu mua vú sữa để xuất sang thị trường Mỹ. Để đạt được tiêu chuẩn nhập khẩu vào nước này, trong quá trình sản xuất, nông dân phải chấp hành nghiêm ngặt các quy định của Cơ quan kiểm dịch động vật Hoa Kỳ như sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh có nguồn gốc sinh học, ghi nhật ký sản xuất, nhất là phải thực hiện tốt việc bao trái nhằm ngăn ngừa triệt để tình trạng trái nhiễm côn trùng hoặc nhiễm vi sinh vật có hại… |
Đầu 2017, Tiền Giang khởi động Dự án khôi phục và phát triển vú sữa Lò Rèn với 27ha, tại tổ 17, 18 ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành. Mục tiêu của dự án là khôi phục lại trái vú sữa Lò Rèn danh tiếng một thời. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim Trần Thanh Hải, hiện dự án này xem như phá sản.
“Lý do là nông dân thích trồng cây ăn trái khác hiệu quả kinh tế cao hơn. Chưa kể là cây vú sữa chết rất nhiều do thối rễ” - ông Hải cho biết.
Cũng theo ông Hải, hiện tại ở huyện Châu Thành có 2 xã Long Hưng và Hữu Đạo là địa bàn chủ lực trồng vú sữa. Tuy nhiên, mỗi xã cũng chỉ còn 30 - 40ha trồng vú sữa.
Mới đây, HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (xã Vĩnh Kim) cũng thông báo mất khả năng đóng phí duy trì thương hiệu “vú sữa Lò Rèn”. Đây là HTX duy nhất của Tiền Giang làm vú sữa theo chuẩn Global GAP để xuất khẩu.
Một cán bộ Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang cho biết, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan hỗ trợ HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim nên duy trì thương hiệu.
“Vú sữa Lò Rèn mua tại Tiền Giang bây giờ phần lớn là vú sữa mang tới từ Cần Thơ. Thương lái lấy thương hiệu vú sữa Lò Rèn để bán” - ông Hòa bộc bạch.
Vừa qua, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh này. Điều bất ngờ là trong số các sản phẩm triển khai của chương trình này không thấy sản phẩm đặc sản nổi tiếng vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim.