Tờ Wall Street Journal đưa ra một số câu hỏi và giải đáp để giải thích những gì vừa diễn ra.
Vì đâu nên nỗi?
SVB Financial là công ty mẹ của Silion Valley Bank (SVB), ngân hàng phục vụ rất nhiều startup và các công ty đầu tư mạo hiểm ở thung lũng Silicon. SVB được thành lập năm 1983 và ngay từ khi ra đời đã chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính cho những công ty khởi nghiệp công nghệ.
Trong đại dịch, các khách hàng này đã thu về rất nhiều tiền mặt, dẫn đến bùng nổ lượng tiền gửi tại SVB. Cuối quý I/2020, ngân hàng này chỉ có tổng cộng hơn 60 tỷ USD tiền gửi nhưng đến cuối quý I/2022 con số đã tăng vọt lên 200 tỷ USD.
Trong 5 năm qua, quy mô của SVB đã tăng gấp 4. Cuối năm ngoái giá trị vốn hóa đạt hơn 40 tỷ USD.
SVB đã làm gì với số tiền gửi đó?
SVB Financial đã bỏ ra hàng chục tỷ USD để mua loại 2 loại tài sản vẫn được coi là an toàn nhất: trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn dài và các chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp được chính phủ hậu thuẫn. Quy mô danh mục chứng khoán của SVB tăng từ 27 tỷ USD trong quý I/2020 lên khoảng 128 tỷ USD tính đến cuối năm 2021.
Tại sao điều này là rắc rối lớn?
Các chứng khoán kể trên gần như không có rủi ro vỡ nợ. Tuy nhiên, chúng chi trả lãi suất cố định trong thời gian rất dài, lên đến nhiều năm. Đây cũng không phải là 1 vấn đề lớn trừ khi ngân hàng đột ngột phải bán ra số chứng khoán đó. Nhưng điều đó đã xảy ra.
Bởi vì lãi suất trên thị trường tăng quá mạnh, giá trị của số trái phiếu này đột ngột lao dốc mạnh trên thị trường mở so với giá trị được ghi trên sổ sách của ngân hàng. Kết quả là ngân hàng phải bán ra càng nhanh càng tốt nếu không muốn khoản lỗ phình to.
Đến cuối năm 2022, số lỗ chưa thực hiện trên danh mục chứng khoán của SVB – tức khoản chênh lệch giữa số tiền đã đem đi đầu tư và giá trị hợp lý của chúng (fair value) – lên đến hơn 17 tỷ USD.
Ngoài ra còn vấn đề gì nữa không?
Cùng lúc đó, dòng tiền gửi đổ vào SVB đã đảo chiều do các khách hàng cạn tiền. Chúng ta đều biết rằng sau khi bùng nổ trong đại dịch, rất nhiều công ty công nghệ đã rơi vào cảnh cạn kiệt tiền mặt do kinh doanh khó khăn và cũng rất khó để huy động vốn mới dù theo hình thức phát hành cổ phiếu hay gọi vốn đầu tư mạo hiểm.
Hơn nữa lãi suất huy động cũng tăng mạnh theo những đợt tăng lãi suất của Fed, khiến chi phí huy động tiền gửi ngày càng trở nên đắt đỏ. Lượng tiền gửi tại SVB giảm mạnh từ gần 200 tỷ USD ở thời điểm cuối tháng 3/2022 xuống còn 173 tỷ USD vào cuối năm 2022.
Bước sang năm 2023, tình hình còn tệ hơn. Ngày 19/1, SVB dự báo tiền gửi sẽ giảm khoảng 5% trong năm 2023. Nhưng đến 8/3 họ đã phải điều chỉnh dự báo lên mức 2 con số.
Dự định ban đầu của SVB là gì?
Ngày 8/3, ngân hàng cho biết đã bán ra một lượng lớn trái phiếu, trị giá 21 tỷ USD ở thời điểm bán ra, và lỗ khoảng 1,8 tỷ USD (sau thuế). Mục đích là để “thiết lập lại” mặt bằng lãi suất thu được trong bối cảnh lợi suất trái phiếu tăng, đồng thời tăng cường sức khỏe bảng cân đối kế đoán để đáp ứng nhu cầu rút tiền gửi cũng như tài trợ cho các khoản vay mới.
Ngoài ra SVB cũng huy động thêm 2,25 tỷ USD vốn mới.
Tại sao kế hoạch đổ bể?
Sau khi đưa ra thông báo vào tối 8/3, cổ phiếu SVB đã lao dốc mạnh, khiến việc huy động vốn mới càng trở nên khó khăn hơn và cuối cùng ngân hàng buộc phải hoãn kế hoạch phát hành cổ phiếu. Một số công ty đầu tư mạo hiểm bắt đầu khuyên các công ty trong danh mục hãy rút tiền gửi khỏi SVB.
Điều gì xảy ra với tiền gửi của khách hàng?
Rất nhiều khoản tiền gửi đủ lớn để không thuộc diện được Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) bảo lãnh. Theo thông báo của SVB, tính đến cuối năm 2022, tổng cộng có tới 151,5 tỷ USD tiền gửi thuộc về các khoản có quy mô vượt quá giới hạn bảo hiểm của FDIC.
Hôm qua (10/3), FDIC thông báo chậm nhất là đến sáng thứ hai tuần sau khách hàng của SVB sẽ được tiếp cận đầy đủ các khoản tiền gửi được bảo hiểm. Cơ quan này vẫn chưa thống kê được lượng tiền gửi không được bảo hiểm là bao nhiêu. Tuy nhiên, trong tuần tới những người gửi tiền không được bảo hiểm sẽ nhận được 1 khoản trả trước. Đối với các trường hợp còn lại sẽ nhận được 1 loại giấy xác nhận họ là người được chia tiền sau khi FDIC thanh lý các tài sản của SVB.
Cổ phiếu một loạt ngân hàng lao dốc mạnh.
Tại sao nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu ngân hàng?
Trước đó niềm tin của nhà đầu tư vào nhóm cổ phiếu ngân hàng đã bị lung lay dữ dội sau vụ sụp đổ của Sivergate Capital. Những rắc rối của ngân hàng này bắt nguồn từ tiền số nhưng cũng phản ánh việc danh mục đầu tư trái phiếu thua lỗ vì áp lực tăng lãi suất.
Phiên hôm qua, cổ phiếu của một số ngân hàng cỡ trung như First Republic Bank và Signature Bank đã bị tạm ngừng giao dịch vì giảm giá quá sâu.
Tác động của lãi suất tăng lên danh mục đầu tư chứng khoán của các ngân hàng không chỉ giới hạn trong SVB. Tại toàn bộ các ngân hàng được FDIC bảo lãnh, tính đến quý IV năm ngoái, tổng số lỗ chưa thực hiện trên danh mục đầu tư chứng khoán lên đến 620 tỷ USD.
Bài học rút ra ở đây là gì?
Một trong những câu hỏi lớn nhất được đặt ra sau sự kiện lần này là có những ngân hàng nào đã mắc phải sai lầm tương tự, tức đánh giá sai về sự tương xứng giữa 1 bên là chi phí và “tuổi thọ” của lượng tiền gửi mà họ huy động được và 1 bên là lợi suất và kỳ hạn của tài sản mà họ có. Đây là điều khác biệt cốt lõi so với những câu hỏi về núi nợ xấu đã thổi bùng lên khủng hoảng tài chính 2008.
Khi tiền ồ ạt chảy vào các ngân hàng trong đại dịch, mua trái phiếu ngắn hạn hoặc giữ tiền mặt sẽ giúp họ phòng vệ tốt trước những rủi ro từ lãi suất tăng. Tuy nhiên điều đó đồng nghĩa thu nhập của ngân hàng giảm xuống. Lần này chính công cuộc đi tìm “lợi suất an toàn” đã gây rắc rối lớn cho họ.
Tham khảo Wall Street Jounal