Căng thẳng giữa Iran và Mỹ tại eo Hormuz đang đe dọa vượt ra khỏi lĩnh vực năng lượng lan sang nhiều sản phẩm khác như nhôm hay chất hóa học, điều này tiềm ẩn khả năng gây ra nhiều tác động lên những nước có mối quan hệ làm ăn kinh doanh phụ thuộc vào khu vực này.
Gần đây, các nước khu vực Trung Đông đã không ngừng giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm năng lượng trong bối cảnh ngành sản xuất dầu đá phiến Mỹ phát triển phình to và giá dầu thô giảm.
Để đánh giá tác động tiềm ẩn từ căng thẳng ngoại giao vốn ngày một xấu đi, Nikkei đã tính toán đến tỷ lệ phần trăm của xuất khẩu hàng hóa toàn cầu của 7 nước quanh khu vực eo Hormuz dựa trên số liệu cung cấp của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC).
Tỷ lệ xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu của khu vực đã tăng lên mức 30% của xuất khẩu toàn cầu, nhôm hiện ở mức 16%. Nhiều công ty Nhật đã trở nên đặc biệt phụ thuộc vào các loại hàng hóa được sản xuất tại Trung Đông. Ngoài ra nhiều ngành phi năng lượng có thể phải chịu tác động tiêu cực nếu căng thẳng giữa Mỹ và Iran không hạ nhiệt.
7 nước trong khu vực Trung Đông, đặc biệt quanh khu vực vịnh Ba Tư, là những nước sản xuất nhiều sản phẩm hóa dầu, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nhựa. Sản phẩm sản xuất trong khu vực đóng góp khoảng từ 20-30% xuất khẩu toàn cầu năm 2018, tỷ lệ đóng góp vào tổng sản lượng xuất khẩu này của toàn cầu đã tăng từ 2 đến 5 lần trong 10 năm qua.
Nhiều nước Trung Đông đã chuyển từ tập trung vào dầu thô sang nhiều loại sản phẩm khác có giá trị gia tăng cao hơn, ví như chất hóa học hoặc kim loại màu.
Các nước Trung Đông hưởng lợi từ nguồn điện rẻ nhờ năng lượng dồi dào cũng như đầu tư mạnh vào thiết bị hiện đại thông qua hàng loạt chương trình đầu tư lớn. Giờ đây họ sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng cao ở mức giá thấp, đồng thời họ mở rộng được thị trường xuất khẩu sang nhiều nước bao gồm Trung Quốc, Nhật, các nước khu vực Đông Nam Á, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Tỷ lệ đóng góp của dầu thô vào GDP nói chung đã giảm xuống mức khoảng 40% tại Saudi Arabia và 30% tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Các nước gần eo Hormuz hiện đang giữ vai trò kinh tế ngày một quan trọng với châu Á. Năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu 9,4 tỷ USD ethylene từ các nước ven biển thuộc eo Hormuz, tỷ lệ tăng 6,6 lần so với năm 2008. Phần lớn nhập khẩu tăng do các nước tăng cường mua hàng từ Saudi Arabia, Iran và UAE. Tỷ lệ nhập khẩu ethylene của Trung Quốc từ các nước quanh eo Hormuz tăng lên mức 18,4% vào năm 2008 lên 45,7% vào năm 2018.
Nhiều nước thành viên thuộc Đông Nam Á cũng phụ thuộc nhiều vào ethylene của khu vực Trung Đông. Đối với Singapore, 75% ethylene nhập khẩu của nước này đến từ Saudi Arabia. Khoảng hơn nữa ethylene nhập khẩu của Malaysia đến từ Trung Đông.
Với ammonia, 5 nước gần eo Hormuz thuộc nhóm 10 nhà cung cấp lớn nhất cho Ấn Độ, chiếm khoảng từ 70-80% lượng nhập khẩu ammonia. Với nhiều loại hàng hóa khác, trong đó có bao gồm dây đồng, các nước châu Á hiện giữ vai trò khách hàng lớn nhất của khu vực Trung Đông.