Chánh Thanh tra “hứa” gì?
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, cuộc thanh tra tại huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) nằm trong kế hoạch thanh tra của Bộ Xây dựng năm 2019 . “Thanh tra Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để theo dõi, nắm bắt tình hình. Sau khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng, Thanh tra Bộ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không bao che những cá nhân để xảy ra vi phạm”, ông Tuấn khẳng định.
Chia sẻ thêm về giải pháp để chấn chỉnh đội ngũ Thanh tra Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn nói: “Thời gian tới, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ có giải pháp tiếp tục chấn chỉnh các hoạt động, đảm bảo nâng cao hơn nữa chất lượng thanh tra và kiểm soát chặt chẽ hơn nữa khi thực hiện công vụ của các cán bộ thanh tra, đảm bảo không xảy ra vi phạm”.
Tuy nhiên, một lãnh đạo Bộ Xây dựng đã nghỉ hưu chia sẻ, quy định đoàn thanh tra theo kế hoạch hàng năm (Bộ trưởng Bộ Xây dựng thông qua) do Chánh Thanh tra phê duyệt danh sách chọn trưởng đoàn và các thành viên. Trưởng đoàn phải là người có uy tín, có kinh nghiệm trong việc thanh tra. “Trước đây, trưởng đoàn thường giao cho Phó Chánh thanh tra hoặc ít nhất là trưởng phòng. Vụ việc xảy ra ở Vĩnh Phúc lại do phó phòng làm trưởng đoàn mới được bổ nhiệm, không biết năng lực ra sao?”, vị này nói.
Liên quan đến việc 2 năm trở lại đây, Bộ Xây dựng không cập nhật kết quả thanh tra trên trang thông tin của Bộ và công khai cho báo chí, vị lãnh đạo này cho rằng, việc công khai kết luận thanh tra cho báo chí đều do quan điểm của lãnh đạo thanh tra.
Cần sửa luật để công khai kết luận thanh tra
Nhìn lại kế hoạch thanh tra của Bộ Xây dựng qua các năm thấy rằng, 2 năm gần đây, năm nào Bộ Xây dựng cũng công bố kế hoạch thanh tra vào thời điểm gần Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, sau 1 năm trôi qua, các kết luận này chưa lần nào được công bố rộng rãi với báo chí.
Luật sư Trần Anh Tuấn (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: “Lĩnh vực xây dựng đang phát triển nóng nên xuất hiện nhiều vi phạm, việc lên kế hoạch thanh tra, kiểm tra là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần quan tâm hơn kết quả cuộc thanh tra, có phát hiện được sai phạm hay không?”.
Theo luật sư Anh Tuấn, thực tế, trên địa bàn Hà Nội, có nhiều dự án sai phạm liên quan tới trật tự xây dựng, quy hoạch nhưng các dự án đó lại không bị thanh tra, thậm chí có bị thanh tra nhưng không phát hiện sai phạm kịp thời, dẫn đến hậu quả phá vỡ quy hoạch, gây áp lực hạ tầng như hiện nay. “Dư luận có quyền đặt vấn đề về nội dung kết luận thanh tra và hiệu quả của những đoàn thanh tra. Có những doanh nghiệp hoạt động rất chỉn chu nhưng liên tục bị thanh tra. Có nhiều sai phạm cả xã hội biết, nhưng thanh tra có biết?”, luật sư Anh Tuấn nói.
Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong bối cảnh về trật tự xây dựng tại các dự án, khu đô thị vi phạm nhiều, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. “Có những vụ, chúng tôi kiến nghị thanh tra nhưng khi thanh tra xong cũng không thấy công bố, thông báo, không cung cấp thông tin cho người kiến nghị. Thực tế việc quản lý trong lĩnh vực xây dựng, chấp hành tôi cho rằng đang có vấn đề”, luật sư Trương Anh Tú nói.
Theo luật sư Tú, cần phải sửa luật để viêc công bố thông tin kết luận thanh tra được minh bạch và người dân được biết để giám sát. Cần quy định chế tài xử lý cụ thể đối với người có trách nhiệm không thực hiện việc công khai hoặc công khai không đúng, không đủ nội dung của kết luận thanh tra theo đúng quy định pháp luật.