Đồng lúa bát ngát chạy dài qua kinh Đứng đến kinh xáng Thốt Nốt - Cờ Đỏ, lác đác nhiều thửa ruộng lúa thu đông (TĐ) bắt đầu thu hoạch sớm. Từ thị trấn băng qua đồng thuộc các xã Thới Xuân, Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, ghe chở lúa đậu dọc dài theo bờ kinh.
Thu hoạch lúa thu đông ở Cần Thơ
Anh Võ Văn Khánh ở xã Thới Đông, nói: Bà con gặt lúa sớm thấy kém vui vì lúa tuy được giá nhưng năng suất giảm, xem như mất phần lời. Không lo thị trường tiêu thụ, khi lúa mới ngả vàng đồng đã có thương lái tìm tới đặt cọc trước. Vùng này trồng nhiều lúa OM5451, giá lúa tươi 5.100-5.200 đ/kg. Tuy nhiên, vụ TĐ năm nay bà con nông dân bất ngờ trước con nước lớn về sớm. Dù chưa bị thiệt hại do nước chụp nhưng sâu bệnh tăng, nặng nhất là lúa bệnh cháy bìa lá nên năng suất thấp, 700 kg/công, ruộng nào chăm sóc khá lắm vẫn chưa tới 800 kg/công. So với vụ TĐ năm trước giảm 100 kg/công.
Thông thường vào mùa thu hoạch khó bán lúa được giá tốt. Còn vụ TĐ năm nay ngược lại, lúa bán được giá, chỉ tiếc năng suất lúa giảm nên trừ chi phí vẫn không còn lời bao nhiêu. Anh Hòa, nông dân xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, nói: Thấy mấy năm trước lúa IR50404 dễ trồng, ít sâu bệnh, bà con gieo liên tiếp mấy vụ trên cùng cánh đồng lớn. Ngặt nỗi là nếu lúa mất giá IR50404 giảm trước tiên. Do vậy vụ TĐ năm nay lúa IR50404 giảm khá nhiều và chuyển sang giống lúa xuất khẩu đang chuộng OM5451. Song trồng lúa xuất khẩu khó đoán, như hiện nay thương lái mua lúa IR giá bằng với OM, tính ra lại không hiệu quả.
Con nước trên rằm tháng tám âm lịch đang mấp mé lên đồng. Vùng nào lúa gặt sớm nông dân thả nước vào đồng, ai có ao trữ thả nuôi cá ruộng kiếm thêm thu nhập. Còn một số vùng lúa chín sắp thu hoạch nông dân đang lo, nhất là vùng nội đồng Cờ Đỏ nếu nước lên thêm trên 2 tấc (20cm) sẽ tràn đê bao. Do vậy một số đoạn đê bao thấp, nông dân phòng xa. Vì lúa chưa tới ngày gặt sợ bị nước chụp, nay buộc phải tốn tiền thêm thuê máy cuốc đắp đê bao lên cao.
Mấy năm gần đây đón lúa vụ TĐ nông dân trông chờ cơ hội gạo mùa giáp hạt nhắm vào thị trường xuất khẩu, làm lúa giống, gạo chạy chợ cuối năm. Giá lúa gạo thường ổn định mức khá trước khi bước vào vụ ĐX sau tết. Do đó một số địa phương ở Nam bộ quen gọi lúa vụ 3 và có khoanh vùng sản xuất thuận lợi, ăn chắc, lên kế hoạch khuyến khích nông dân sản xuất.
Đến nay, dù dự báo thị trường xuất khẩu cuối năm lạc quan nhưng nguồn cung lúa gạo mùa giáp hạt trong vùng chưa tăng. Dân thương lái mua bán gạo nội địa cho biết: Mặt hàng gạo chợ nội địa đang dao động. Trong những ngày qua ngoại trừ gạo trắng Jasmine 85 giảm từ 11.900 đ/kg xuống 10.900 đ/kg, mất 1.000 đ/kg. Đó là lúa gạo cũ trữ lại từ vụ trước nhưng hiện thời không có nhiều khách đặt hàng. Còn lại các loại gạo thơm chất lượng cao, gạo xuất khẩu đang nhóng giá.
Hiện ở Sóc Trăng gạo thơm ST giá tăng vọt, đứng đầu. Do vụ HT chi phí sản xuất cao, giá một số vùng bao tiêu lúa 6.500 đ/kg, do đó giá thành sản xuất gạo thơm ST tăng trên 23.000 đ/kg. Trong khi đó các mặt hàng gạo phổ thông khác cũng rục rịch tăng theo sau tin XK gạo sang một số nước có nhu cầu dự trữ gạo đã lên kế hoạch thu mua.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Cty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho rằng: Từ đầu năm đến nay xuất khẩu gạo trên đà trôi chảy, mức tăng khoảng 30% về lượng. Gạo xuất khẩu đa dạng, trong đó thị trường đang có nhu cầu cao chiếm phần nhiều là nhóm gạo thơm cao cấp, gạo chất lượng cao. Lúa TĐ một số địa phương đang vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất là bất lợi do thời tiết. Mùa nước năm nay lớn, dịch hại, sâu bệnh nhiều nên năng suất lúa thấp. Thông tin gạo xuất khẩu nhưng chưa tăng đáng kể thì thị trường nội địa giá lúa tăng lên trước. Điều này làm cho các nhà kinh doanh xuất khẩu gạo khó chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh.
|