Bộ Tư pháp Mỹ thông báo rằng họ đã thực hiện vụ tịch thu tài chính lớn nhất trong lịch sử với 3,6 tỷ USD Bitcoin. Ilya Lichtenstein, 34 tuổi và vợ, Heather Morgan, 31 tuổi, bị cáo buộc âm mưu rửa 119.754 Bitcoin trong vụ hack sàn giao dịch tiền điện tử Bitfinex năm 2016. Song, họ không bị buộc tội thực hiện vụ hack.
Vụ bắt giữ và thu hồi tiền là một chiến thắng lớn của cơ quan thực thi pháp luật Mỹ trong bối cảnh hàng loạt vụ trộm cướp xảy ra trên các nền tảng tiền điện tử. Tin tặc trong những năm gần đây đã kiếm được hàng trăm triệu USD từ các cuộc tấn công sàn giao dịch tiền ảo.
Các công tố viên cho biết cặp đôi này đã rửa tiền dần dần, chuyển khoảng 25.000 Bitcoin sang các loại tiền mặt thông thường, vàng và các mã thông báo không thể thay thế (NFT). Cặp đôi này đã sử dụng nhiều cách để che giấu nguồn gốc số tiền bao gồm việc mở tài khoản bằng tên giả, chuyển tiền từ ví này sang ví khác trong các giao dịch nhỏ lẻ.
Theo Bloomberg, trước khi bị bắt giữ, cặp vợ chồng này khá nổi tiếng trên mạng xã hội. Lichtenstein với tên gọi là "Dutch" tự xưng mình là một "doanh nhân công nghệ". Người vợ Morgan thì tự gọi mình là "Cá sấu của Phố Wall" khi đưa ra các chiến lược đầu tư. Cô cũng là một hot TikToker và là một rapper từng ra mắt đĩa đơn và video âm nhạc trên YouTube.
Nhưng sự hào nhoáng của cặp vợ chồng này đã sụp đổ ngay trước mắt những người theo dõi họ. Giờ đây đôi vợ chồng này được ví như cặp đôi tội phạm khét tiếng nước Mỹ Bonnie và Clyde của thời đại tiền điện tử.
Theo các quan chức Bộ Tư pháp, cặp vợ chồng ở New York này bị buộc tội thông đồng rửa tiền với mức án lên đến 20 năm tù và tội danh lừa đảo với mức án lên đến 5 năm tù.
Các công tố viên cho biết không phải tất cả số Bitcoin bị đánh cắp trong vụ hack năm 2016 đều đã được thu hồi. Cuộc điều tra hiện vẫn đang được diễn ra. Khi vụ việc xảy ra, số Bitcoin có trị giá khoảng 75 triệu USD. Ngày nay, chúng có giá khoảng 4,5 tỷ USD.
Khi số lượng mã độc tống tiền (ransomware) và các vụ tấn công khác ngày càng gia tăng trên nền kinh tế, các cơ quan thực thi pháp luật đã tìm cách theo dõi và tịch thu số tiền điện tử mà các hacker tội phạm nắm giữ. Các quan chức Mỹ năm 2021 đã thu hồi được 2,3 triệu USD trong số 4,4 triệu USD tiền chuộc mà Colonial Pipeline phải trả cho một băng nhóm tội phạm nói tiếng Nga.
Tom Robinson, đồng sáng lập của công ty phân tích tiền điện tử Elliptic, cho biết: "Điều này cho thấy rằng ngay cả khi kỹ thuật rửa tiền tinh vi được sử dụng, các bản ghi blockchain không thể xoá thường cho phép các cơ quan thực thi pháp luật liên kết hoạt động tội phạm với các cá nhân".
Tham khảo CNN, Bloomberg