Quốc Cường Gia Lai (QCG) phải hoàn trả hơn 2.880 tỷ đồng nhận từ bà Trương Mỹ Lan
Chiều 11/4, TAND TPHCM đã tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng với 85 bị cáo khác trong vụ án.
Đối với trách nhiệm dân sự, xử lý tài sản và vật chứng trong vụ án, Hội đồng xét xử đã quyết định bắt bị cáo Trương Mỹ Lan bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với 1.243 khoản vay còn dư nợ tại SCB, sau khi khấu trừ số tiền các bị cáo đã trả, tổng số tiền bồi thường của bị cáo là hơn 673.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, để thu hồi tài sản cho Nhà nước, Hội đồng xét xử tiếp tục quyết định tạm giữ số tiền hơn 116 tỷ đồng mà ông Tạ Hùng Quốc Việt và gia đình đã tự nguyện nộp; 190.000 USD mà ông Trần Văn Hùng đã nộp để đảm bảo nghĩa vụ của bị cáo Trương Mỹ Lan; 50 tỷ đồng từ ông Nguyễn Phú Tiên, Giám đốc Công ty TNHH MTV An Nhựt Tân Long An; hơn 414 tỷ đồng từ CTCP Sài Gòn Kim Cương.
Để đảm bảo việc thi hành án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, Hội đồng xét xử buộc CTCP Quốc Cường Gia Lai phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền hơn 2.882,8 tỷ đồng đã nhận từ bị cáo Trương Thị Mỹ Lan; CTCP Địa ốc Hồng Phát phải hoàn trả số tiền hơn 2.300 tỷ đồng; Công ty Phú An và bà Phan Thị Phương Thảo phải hoàn trả số tiền 145,2 tỷ đồng cùng 1.000 lượng vàng SJC; bà Mai Ngọc Ngà phải hoàn trả số tiền 19,3 tỷ đồng; CTCP T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc phải hoàn trả số tiền hơn 6.000 tỷ đồng.
Hội đồng xét xử cũng đã đồng ý tiếp tục kê biên và tạm giữ các tài sản như bất động sản, cổ phần, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm và các tài sản khác thuộc sở hữu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc giao cho các cá nhân, để đảm bảo việc thi hành án.
Trong đó, sẽ tiếp tục kê biên đối với 16 bất động sản tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM (diện tích khoảng 1ha thuộc Dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển), giao cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ công an tiếp tục điều tra để giải quyết trong giai đoạn 2 của vụ án.
Nguồn gốc số tiền 2.882,3 tỷ đồng
Nhắc đến khoản tiền 2.882,3 tỷ đồng và Quốc Cường Gia Lai, không thể không nhớ đến vụ kiện kéo dài nhiều năm giữa Quốc Cường Gia Lai và CTCP Đầu tư Sunny Island. Cuối cùng, sau một thời gian dài tranh chấp, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã ra phán quyết với các quyết định có lợi cho Quốc Cường Gia Lai.
Vụ tranh chấp chính thức bắt đầu vào cuối năm 2021 khi Sunny Island tố cáo Quốc Cường Gia Lai về hành vi gian lận và chiếm đoạt số tiền lên đến 2.882 tỷ đồng thông qua thỏa thuận chuyển nhượng dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Bắc Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) với diện tích 90,65ha.
Cụ thể, vào tháng 8/2017, Quốc Cường Gia Lai được UBND TP.HCM chấp thuận làm chủ đầu tư cho dự án nói trên.
Trước đó, vào tháng 3/2017, Quốc Cường Gia Lai đã thỏa thuận chuyển nhượng dự án này cho Sunny Island thông qua một hợp đồng hứa mua bán.
Tuy nhiên, Sunny Island đã khẳng định rằng mặc dù đã thanh toán số tiền 2.882 tỷ đồng cho Quốc Cường Gia Lai, dự án không được triển khai như cam kết. Vụ tranh chấp này đã được giải quyết tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế tại Việt Nam (VIAC).
Vào tháng 5/2023, Quốc Cường Gia Lai đã thông báo về quyết định của VIAC. Theo đó, VIAC đã tuyên bố rằng Quốc Cường Gia Lai đã chấm dứt hợp đồng đúng theo quy định và yêu cầu Sunny Island phải hoàn trả cho Quốc Cường Gia Lai toàn bộ hồ sơ đền bù đất và giải phóng mặt bằng mà Sunny Island đã nhận theo biên bản giao nhận từ năm 2017.
Nguyên nhân do Sunny Island giao hồ sơ đền bù đất, giải phóng mặt bằng khoảng 65ha đất từ QCG cho SCB mà không có sự đồng ý bằng văn bản hoặc ủy quyền của QCG.