Ngày 4/9, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020, trả lời câu hỏi liên quan đến vụ nâng khống thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, kết quả điều tra bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác định có một số cá nhân của CTCP Công nghệ y tế BMS và CTCP Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội có thủ đoạn gian dối, câu kết, hợp thức các thủ tục để nâng khống nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế.
"Giá hệ thống robot 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy mỗi ca bệnh hơn 4 triệu đồng. Tuy nhiên, với giá họ khai 39 tỷ đồng thì người bệnh phải trả chi phí khấu hao máy là 23 triệu đồng/ca, chênh lệch hơn 18 triệu đồng/ca", Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết.
Trước đó vào ngày 31/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Đức Tuấn (sinh năm 1979), Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc CTCP Công nghệ y tế BMS và Ngô Thị Thu Huyền (sinh năm 1983), Phó Giám đốc Công ty BMS; Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Lê Hoàng (sinh năm 1978), Thẩm định viên CTCP Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội.
Các bị can nêu trên đều bị khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo dữ liệu chúng tôi, BMS được thành lập từ năm 2005 và đến 16/6/2020 đã đổi tên thành CTCP Công nghệ năng lượng và Giá trị cuộc sống (E&LV).
Doanh thu của công ty tăng liên tục từ năm 2016 đến nay: cụ thể năm 2016 đạt 505 tỷ, sang năm 2017 tăng lên 685 tỷ và 2 năm gần nhất đạt 733 tỷ và 752 tỷ đồng. Tuy vậy, BMS lại báo cáo mức lợi nhuận thấp đến mức khó tin, chỉ hơn 100 triệu đồng mỗi năm: năm 2016 và 2017 đạt 130 triệu đồng, năm 2018 đạt 150 triệu và 2019 đạt 180 triệu đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2019, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của BMS đạt lần lượt là 419 tỷ và 92 tỷ đồng (vốn điều lệ 80 tỷ).
Trên sàn chứng khoán hiện có 2 doanh nghiệp kinh doanh thiết bị y tế, liên kết đầu tư với bệnh viện tương tự BMS là CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) và CTCP Sản xuất kinh doanh dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ (AMV).
JVC từng có kết quả kinh doanh rất tốt cho đến khi xảy ra biến cố với cựu chủ tịch HĐQT Lê Văn Hướng. Trong khi đó, AMV sau khi được tái cấu trúc hướng vào hoạt động kinh doanh thiết bị y tế 2 năm gần đây đã ghi nhận kết quả rất ấn tượng.
Năm 2018, AMV ghi nhận 461 tỷ doanh thu và 219 tỷ lợi nhuận; con số tương ứng của năm 2019 là 518 tỷ và 223 tỷ - tức tỷ suất lợi nhuận ròng lên đến 40-50%.