Tuy nhiên, tại phiên tòa, công ty Cửu Long tiếp tục vắng mặt và chỉ gửi văn bản trả lời tới Hội đồng xét xử.
Nhận định về điều này, phía Grab tỏ ra ngạc nhiên khi Cửu Long lần thứ hai liên tiếp vắng mặt tại phiên xét xử sơ thẩm. Với việc tiếp tục vắng mặt, Grab cho rằng Cửu Long thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ báo cáo của mình cũng như chứng minh tính chính xác và đáng tin cậy đối với báo cáo do chính mình thực hiện. Nếu tòa án chấp nhận báo cáo dựa trên lời khai không được chứng thực của Cửu Long thì việc này rõ ràng sẽ gây bất lợi đến quyền được đối chất nhằm tự bảo vệ mình tại tòa của Grab.
Phiên tòa ngày hôm nay đã công bố thư giải thích dài 4 trang mà Cửu Long đã nộp cho tòa nhằm củng cố chứng thư mà Cửu Long đưa ra. Thư giải thích này đã thể hiện rõ rằng Cửu Long đơn thuần đưa ra đánh giá của mình dựa trên 3 báo cáo phân tích chứng khoán của 3 công ty gồm Chứng khoán Bản Việt; Chứng khoán Rồng Việt; và Chứng khoán MBS.
Theo Grab, với vai trò là đơn vị giám định độc lập được tòa chỉ định, Cửu Long lẽ ra phải nên có đủ năng lực cần thiết để tự bảo vệ các kết quả nghiên cứu và đưa ra kết luận độc lập của họ về việc có bất cứ quan hệ nhân quả nào giữa những thiệt hại (nếu có) của Vinasun và những cáo buộc của Vinasun đối với Grab. Thay vào đó, bên cạnh việc né tránh có mặt tại tòa để tham gia vào phần chất vấn, Cửu Long lại chỉ đơn thuần tìm kiếm thông tin và bản phân tích của các đơn vị nghiên cứu và phân tích thứ ba - những đơn vị không được tòa ủy quyền để trở thành một phần của quá trình thẩm định, và do đó, Grab cho rằng bất kỳ nội dung nào trong các báo cáo này mà Cửu Long sao chép đều không thể được thừa nhận là bằng chứng chính thức.
Hơn nữa, Grab còn cho rằng, báo cáo phân tích chứng khoán này được xây dựng chỉ phục vụ cho mục đích thông tin đến nhà đầu tư tham khảo khi xem xét quyết định đầu tư. Grab chỉ ra 3 vấn đề đối với giám định của Cửu Long.
Thứ nhất, tại sao Cửu Long lại chọn sử dụng ba báo cáo này thay vì những báo cáo khác trong ngành? Grab cho rằng điều này thể hiện sự thiếu khách quan của Cửu Long khi đưa ra nhận định của mình.
Thứ hai, thay vì trình bày toàn bộ các báo cáo nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện, khách quan, Cửu Long chỉ trích dẫn một số đoạn nhất định nhằm bảo vệ quan điểm một chiều được được ra trong báo cáo giám định thiệt hại, rằng thiệt hại của Vinasun bị gây ra bởi sự tham gia của các đối thủ mới, đặc biệt là các ứng dụng đặt xe công nghệ. Điều này về cơ bản đã tách ý ra khỏi bối cảnh báo cáo ban đầu, bao gồm các nhiều nguyên nhân khác có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Vinasun.
Thứ ba và quan trọng nhất, trong ba báo cáo này, Cửu Long cũng đã bỏ qua những điều được nêu rõ trong các cảnh báo rằng những xung đột lợi ích giữa các công ty chứng khoán có thể ảnh hưởng đến tính khách quan của nghiên cứu và họ không đảm bảo tính chính xác hoặc đầy đủ của các dữ liệu. Một điều nữa cũng cần lưu tâm rằng liệu Cửu Long đã có được sự chấp thuận cần thiết để sử dụng các báo cáo này và dẫn chiếu chọn lọc ngoài ngữ cảnh để làm bằng chứng phục vụ cho việc giám định thiệt hại trong một vụ kiện đang được tòa án xem xét.
Thêm vào đó, Grab còn nhận định rằng, thực tế chính các báo cáo phân tích chứng khoán được Cửu Long dẫn chiếu lại chứng minh rằng Grab không phải là nguyên nhân trực tiếp và duy nhất gây ra các thiệt hại nếu có của Vinasun. Báo cáo chỉ ra rằng Vinasun là hãng taxi lớn nhất và có thị phần chi phối tại TP.HCM với số lượng đông đảo khách hàng trung thành, rõ ràng có lợi thế cạnh tranh hơn so với các công ty cùng ngành của mình. Và, trong ngắn hạn, bất chấp sự cạnh tranh gay gắt, Vinasun vẫn đang phát triển và vượt trội so với các công ty cùng ngành.
Các báo cáo nhấn mạnh rằng sự cạnh tranh đầy sôi động từ cả doanh nghiệp cũ và mới, cùng với hiệu quả, tiện ích và chi phí cạnh tranh do các công ty công nghệ mang lại, đã thúc đẩy Vinasun điều chỉnh và chuyển đổi - từ đầu tư vào số lượng và chất lượng xe để cung cấp dịch vụ tốt hơn, đến phát triển ứng dụng Vinasun của riêng mình và dịch vụ V.CAR để cạnh tranh tốt hơn với các ứng dụng gọi xe công nghệ. Đây là những khoản đầu tư cần thiết mà Vinasun cần phải thực hiện để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng, và Vinasun không nên đánh tráo khái niệm gọi sự cạnh tranh cần thiết trên một thị trường đầy sôi động là "thiệt hại".
Có một kết luận rõ ràng từ các phân tích và khuyến nghị của các báo cáo nghiên cứu thị trường do Vinasun và Cửu Long đưa ra mà Vinasun dường như không hoặc từ chối thừa nhận. Đó là, Vinasun cần không ngừng đổi mới, phát triển và chuyển đổi sang môi trường cạnh tranh mới, đẩy mạnh đầu tư để phục vụ người dân Việt Nam tốt hơn và đem lại phúc lợi tốt hơn cho tài xế, thay vì cố gắng giảm tính cạnh tranh của thị trường và theo đuổi một vụ kiện nhằm ngăn cản các công ty sáng tạo tham gia thị trường nhằm mục đích duy trì vị trí thống lĩnh của mình.
Grab kết luận rằng, công ty đang cung cấp một nền tảng trực tuyến cho mọi doanh nghiệp vận tải và đang tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành, thể hiện qua việc Chính phủ công nhận thông qua việc đồng ý kéo dài thời gian thực hiện Đề án thí điểm. Theo Grab, Vinasun cũng được trao cơ hội ngang bằng trong việc ứng dụng công nghệ để cạnh tranh một cách công bằng và nâng cao hiệu quả hoạt động cho tài xế, mang đến lợi ích tốt hơn cho khách hàng..
Tuy nhiên, "Grab không thể chịu trách nhiệm cho năng lực cạnh tranh kém của ứng dụng Vinasun và dịch vụ V.Car trên thị trường. Các lập luận của Vinasun về việc các công ty xe công nghệ đưa ra dịch vụ giá rẻ, có chương trình khuyến mại cho hành khách, có chương trình thưởng cho tài xế… là rất vô lý, vì đây là những hoạt động hoàn toàn hợp pháp mà bất cứ công ty nào, bao gồm cả Vinasun, đểu có thể thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật để cạnh tranh tốt hơn.", Grab nói.