Trong phiên xử ngày 21/5, bị cáo Bùi Thị Kim Loan, cựu kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ, được biết đến là thư ký của bà Hứa Thị Phấn, cựu cố vấn cao cấp Ngân hàng Đại Tín liên tiếp nói "không nhớ" và từ chối trả lời các câu hỏi của luật sư.
Theo đó, luật sư Phan Trung Hoài, bảo vệ quyền lợi cho Công ty Phương Trang tiến hành hỏi bị cáo Loan, liên quan đến hành vi lập chứng từ thu chi khống, đẩy dư nợ khống cho Phương Trang, theo cáo trạng xác định là hơn 5.000 tỷ đồng.
Luật sư Hoài trở lại của thời điểm 2012, lúc đó chưa bị khởi tố bị can. Theo đó, luật sư hỏi vào năm 2012, bị cáo Loan có được làm việc với CQĐT Công an TP.HCM không và Loan trả lời "không nhớ".
“Vào ngày làm việc 27/12/2012 tại CA TP.HCM, riêng hồ sơ 200 tỷ đồng của Võ Thị Thu Hồng bị cáo Loan trả lời là bà Phấn chỉ đạo bị cáo thực hiện bút toán cấn trừ số tiền này và sử dụng số tiền này, thậm chí là viết cả giấy biên nhận nợ là Bùi Thị Kim Loan mượn tiền của công ty Phú Mỹ số tiền 200 tỷ đồng, bị cáo có nhớ không?”, luật sư hỏi và bà Loan nói nội dung này đã trả lời luật sư khác rồi nên không trả lời lại nữa.
Luật sư tiếp: “Vậy bị cáo đã bao giờ trả lời với CQĐT về số tiền 200 tỷ đồng này bị cáo phát hành séc cho bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh để nhận vốn góp từ Thu Hồng cho mục đích cá nhân và bị cáo sử dụng số tiền này theo chỉ đạo của bà Hứa Thị Phấn. Bị cáo có nhớ không?”. Bị cáo Loan tiếp tục cho rằng có trả lời với luật sư Thảo rồi.
“Ngày 27/3/2017, cũng trước khi khởi tố bị can và bắt tạm giam, liên quan đến khoản tiền 4.944 tỷ đồng hạch toán thu chi khống và ghi nợ cho công ty Phương Trang và các công ty liên quan, bị cáo nhớ mình đã trả lời với CQĐT như thế nào không?” luật sư hỏi, bị cáo Loan nói "không nhớ".
Luật sư hỏi tiếp: “Tại biên bản ghi lời khai của bị cáo, bị cáo khẳng định những lời khai đã khai trước đây với CQĐT liên quan đến việc hạch toán thu chi do NH Đại Tín tự làm. Tôi xin hỏi tiếp, là bà Hứa Thị Phấn có bao giờ chỉ đạo cho bị cáo nếu trong ngày có khoản tiền của công ty Phương Trang trả thì bị cáo đến nhờ ngân hàng lập các phiếu thu, bảng kê thu nợ của công ty Phương Trang không?” Bị cáo Loan cho biết, bà Phấn có nói là trong ngày nếu có khoản tiền Phương Trang trả thì kế toán thu giúp những khoản nợ của bên bà Phấn tới hạn, không yêu cầu lập bảng thu, bảng kê thu.
“Vậy khi lập bảng kê để thu nợ của công ty Phương Trang, hay các công ty có quan hệ hợp tác thì bị cáo có nhận tiền mặt của Công ty Phương Trang không?” luật sư hỏi và bà Loan trả lời là "không".
Luật sư hỏi: “Vậy khi đến ngân hàng và đề nghị các nhân viên của ngân hàng lập các phiếu thu, chi để tất toán các khoản vay nêu trên, thì bị cáo có nói với các nhân viên của ngân hàng điều gì không?”. Bà Loan cho biết, chỉ là nhờ nhân viên ngân hàng thu những khoản nợ của bên cô Phấn tới hạn, khi mà Phương Trang trả.
“Khi nói với các nhân viên ngân hàng lập các phiếu thu, bảng kê thu tiền của các công ty, cá nhân liên quan đến công ty Phương Trang, những người đến và thể hiện trên chứng từ họ có mặt tại ngân hàng để ký trên các phiếu thu này không?”, luật sư hỏi, bị cáo Loan xin phép không trả lời.
Luật sư tiếp: “Có bao giờ bị cáo khai trước CQĐT là các chứng từ theo chỉ đạo của bà Phấn, gọi con cháu của bà Phấn đến để ký hoàn thiện vào các hồ sơ này không?”, bà Loan xin không trả lời.
Luật sư hỏi việc đóng lãi vay của các khoản vay liên quan đến công ty Phương trang có thật không, bị cáo Loan khai là có thật.
“Vậy thì bị cáo giải thích thế nào tại bút lục 52641, tập 201, việc đóng lãi vay của các khoản vay của công ty Phương Trang đa phần là hạch toán cấn trừ, không có việc rút tiền mặt để đóng lãi thực tế, bị cáo nghĩ gì về lời khai này?”, luật sư hỏi, Loan cho biết đó là tiền trong tài khoản của bà Phấn có sẵn rồi, chỉ việc rút ra.
Luật sư nêu, như vậy được hiểu là, phần đóng lãi đó thật ra là tiền nằm trong tài khoản của bà Hứa Thị Phấn có sẵn rồi, cho nên lập các chứng từ để đóng lãi cho các công ty và cá nhân liên quan đến các khoản vay của Phương Trang. Bị cáo Loan cho biết, lúc đó là bà Phấn nói là phải cho bên Phương Trang mượn tiền để đóng lãi.
“Nhân bị cáo nói về công ty Phương Trang mượn tiền với bà Phấn, bị cáo có biết là giữa ông Nguyễn Hữu Luận với bà Phấn cho vay mượn tiền cá nhân với nhau như thế nào không?”, luật sư hỏi. Bà Loan cho biết, việc vay mượn thì có biết nhưng thỏa thuận như thế nào thì không biết. Việc vay mượn này thực tế là có xảy ra, anh Quan (TGĐ), anh Luận (Chủ tịch) hàng ngày có qua bên chỗ bà Phấn.
Luật sư hỏi: “Có bao giờ chị khai là để hợp thức hóa các chứng từ nộp lãi, tôi yêu cầu các giao dịch viên của Ngân hàng Đại Tín CN Lam Giang, CN Sài Gòn in sẵn chứng từ để người của Công ty Phương Trang ký hoàn thiện sau. Thực tế người của công ty Phương Trang không phải là người đóng lãi. Có đúng như vậy không?”. Bị cáo Loan không trả lời.
“Vậy thì thực chất khi lập các chứng từ thu để tất toán gốc và lãi của các khoản vay (khi đến hạn và nộp tiền vào tài khoản của các công ty), thì bản thân bị cáo có nộp tiền mặt thực tế không?”, luật sư hỏi, Loan trả lời tiền mặt thực tế là có.
Luật sư hỏi: “Thế bị cáo giải thích như thế nào vào ngày 19/1/2015, tại lời khai ở bút lục 52647, 52648 tập 201, bị cáo nói rất rõ ngay cả việc đối trừ các khoản nợ của công ty Phú Mỹ, nhóm Phú Mỹ với công ty Phương Trang thì các công ty cá nhân của Phú Mỹ cũng không nộp tiền thực tế đối với các chứng từ thu trên, mà chỉ ký tên trên chứng từ để cấn trừ khoản tiền của công ty Phương Trang trả cho bà Phấn. có đúng bị cáo trả lời như vậy không?”, bà Loan xin phép không trả lời.
“Trước khi bị khởi tố có bao giờ khai rằng đã yêu cầu Ngân hàng Đại Tín CN Sài Gòn lập 26 chứng từ thu, liệt kê từng ngày bao gồm giấy nộp tiền và phiếu thu với tổng số tiền lên đến 928 tỷ đồng không?”, luật sư hỏi, bà Loan xin phép không trả lời.
Luật sư tiếp tục: “Có bao giờ bị cáo khai đã yêu cầu Ngân hàng Đại Tín CN Sài Gòn lập tổng cộng 68 chứng từ thu với số tiền 1.215 tỷ đồng và toàn bộ 68 chứng từ thu đều không có nộp tiền thực tế vào ngân hàng mà bị cáo đề nghị Ngân hàng Đại Tín lập theo chỉ đạo của bà Phấn?”. Bị cáo Loan tiếp tục xin phép không trả lời.