Trong phiên xét xử ngày 16/5, luật sư Lưu Văn Tám, người bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn đã có phần thẩm vấn đại diện Ngân hàng Xây Dựng – CB (trước đó là Ngân hàng Đại Tín và Ngân hàng VNCB ).
Luật sư nêu, theo cáo trạng có 82 khoản vay, 1 khoản nhận nợ bắt buộc 35 tỷ đồng và 1 khoản phát hành trái phiếu 2.000 tỷ đồng của Trường Vĩ. Luật sư Tám hỏi CB cụ thể của những đơn vị cá nhân nào? Đại diện CB cho biết, theo tổng kết bao gồm 23 tổ chức và 21 cá nhân, mỗi một tổ chức, cá nhân thì có thể phát sinh một hoặc nhiều giao dịch.
Luật sư hỏi toàn bộ hồ sơ mà CB đang quản lý đã được tất toán chưa? Phía CB trả lời hiện tại còn 46 khoản vay, 1 khoản bảo lãnh bắt buộc, 1 khoản phát hành trái phiếu, tổng dư nợ gốc là hơn 9.400 tỷ đồng, tổng cả gốc và lãi gốc là hơn 27.000 tỷ đồng (tính đến 7/5/2018).
Trong quá trình Ngân hàng CB tiếp nhận Ngân hàng VNCB và Đại Tín trước đây, phía Ngân hàng CB hiện nay đã thực hiện quyền đòi nợ đối với những người nhận nợ như thế nào? Đại diện CB cho biết, theo hồ sơ ngân hàng hiện tại CB đã thực hiện khởi kiện các cá nhân tổ chức liên quan tại các tòa án tại địa phương theo quy định, tổng số là 26 vụ kiện. Hầu hết đã thụ lý, một vài vụ đã nộp hồ sơ chưa được thụ lý.
Chủ tọa Phạm Lương Toản hỏi phía CB các tòa cụ thể nào đang xử lý các vụ kiện của CB. Đại diện CB cho biết, các tòa gồm TAND các quận 1, quận 3, quận 7, quận 11, quận Phú Nhuận, quận Thủ Đức, quận Gò Vấp, quận Tân Bình, huyện Bình Chánh, TAND huyện Bến Lức (tỉnh Long An), TAND TP. Đà Lạt (Tỉnh Lâm Đồng) và TAND quận Hải Châu (TP. Đà Nẵng). Trả lời chủ tọa, phía CB cho biết tất cả tòa án chưa có quyết định xử lý cuối cùng.
Theo đó, chủ tọa thông báo với tư cách nguyên đơn trong vụ án này, đề nghị Ngân hàng CB gửi ngay văn bản yêu cầu tất cả tòa án trên đình chỉ chờ kết quả cuối cùng của vụ án hình sự này. Nếu như trong trường hợp có tòa án nào đó giải quyết thì CB phải chịu trách nhiệm.
Tiếp đó, luật sư Tám hỏi CB ngoài 26 vụ kiện, trong tổng số 82 khoản dư nợ thì có khoản nào phía ngân hàng bán cho Công ty xử lý nợ VAMC không? Phía CB cho biết, việc này ngân hàng có đề nghị đang xem xét, đến nay chưa có hợp đồng nào được ký.
Trong tổng số khoản dư nợ hiện nay, phía 18 công ty nhóm Phương Trang và 22 cá nhân, khách hàng có bao giờ làm đơn gửi Đại Tín trước đây và CB bây giờ để xin miễn và giảm lãi không? Đại diện CB trả lời là có. Số lượng đơn cụ thể thì cần kiểm tra lại, trong đó một số khách hàng không có đơn.
Luật sư hỏi tổng tiền gốc và lãi bên CB đòi là bao nhiêu và ai là người phải trả số tiền này? Phía CB cho biết, như đã trình bày số tiền lãi phát sinh là hơn 17.783 tỷ đồng, tổng dư nợ gốc và lãi là hơn 27.000 tỷ đồng.
“Chúng tôi yêu cầu những tổ chức cá nhân có hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo lãnh bắt buộc, hợp đồng trái phiếu phải trả toàn bộ gốc và lãi cho ngân hàng và giao tài sản cho ngân hàng phát mãi”, đại diện CB nêu.
Phía CB cũng cho biết trong số hơn 16.000 tỷ đồng thì đã tất toán hơn 7.000 tỷ đồng cho nhóm Phương Trang. CB không hiểu hiện nay Phương Trang có công nhận đã tất toán 7.000 tỷ đồng hay không công nhận. Nếu Phương Trang không công nhận thì số liệu sẽ thay đổi hoàn toàn.
Luật sư tiếp tục đặt các câu hỏi liên quan đến số tiền 7.000 tỷ đồng. Theo đó, luật sư hỏi số liệu tất toán 7.000 tỷ đồng đã được hạch toán vào báo cáo tài chính hằng năm của ngân hàng chưa? CB cho biết đã đưa vào. "Nếu HĐXX yêu cầu thì phía CB bắt buộc chạy lại một chương trình nếu chưa tất toán 7.000 tỷ đồng thì các dư nợ trước đây chưa tất toán thì bây giờ phát sinh như nào?" luật sư hướng về đại diện CB, theo đó, vị đại diện cho hay, việc này liên quan đến nhiều con số và thời gian dài, nếu HĐXX yêu cầu thì CB sẽ chuẩn bị con số đó.
Chủ tọa nêu, theo cáo trạng của VKSND Tối cao, đây là một thủ đoạn của Hứa Thị Phấn và đồng phạm trong việc hợp thức hóa toàn bộ hồ sơ kế toán trong đó có việc tất toán 7.000 tỷ đồng.