Sau 5 năm lên "núi thiêng M'drak thiền định", ngày 16/6 vừa qua, ông Đặng Lê Nguyên Vũ bất ngờ xuất hiện trong buổi lễ ra mắt thương hiệu mới của Tập đoàn: Trung Nguyên Legend, cà phê năng lượng, cà phê đổi đời.
Vận chiếc áo khoác dài đen, quần vải trắng rộng thùng thình, cổ quấn khăn rằn, chắp hai tay sau lưng, ông Vũ tươi cười bước lên phía trước giơ tay vẫy mọi người không phải cúi nữa và bước lên sân khấu. Trong khoảng 10 phút, ông nói về sự tái xuất của mình sau 5 năm với một phong thái đĩnh đạc, lời lẽ vẫn chau chuốt, nhưng nội dung trình bày của ông mang lại sự ngạc nhiên sâu sắc.
Ông tự xưng là "Qua" khi nói chuyện với tất cả "những người anh em" trong khán phòng. Ông khẳng định sau 5 năm thiền định, ông đã có lời giải cho tất cả mọi câu hỏi trên thế giới này, đồng thời sẽ đưa Trung Nguyên trở thành tập đoàn thống lĩnh toàn cầu, khác biệt và duy nhất toàn cầu.
Liên quan tới sự kiện này, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết, bà không nhận được bất cứ thông tin cũng như lời mời tới sự kiện tối 16/6 của Trung Nguyên. Tất cả những thông tin bà biết về chồng là qua các hình ảnh các nhà phân phối và các phương tiện truyền thông đại chúng cung cấp.
Ngay sau đó, bà Thảo đã có những dòng chia sẻ trên trang cá nhân: "Tối nay, Trung Nguyên ra mắt thương hiệu Trung Nguyên Legend và sản phẩm mới. Tôi không nhận được thông tin và cũng không được mời đến sự kiện này, mà chỉ được thấy anh qua hình ảnh mà các nhà phân phối của tôi gửi lại, cũng như từ các phương tiện truyền thông đại chúng.
Trong sự kiện tối nay, chồng tôi đã xuất hiện trước công chúng với 5 phút ngắn ngủi. Từ những giây phút đầu tiên, khi nghe anh nói: "Lâu quá rồi, hôm nay Qua mới gặp lại những người anh em của mình. Cũng gần 5 năm rồi. 5 năm, Qua ở trên núi...", tôi thấy rất buồn và lo cho sức khỏe của anh.
5 năm rồi, anh đã yếu đi nhiều so với lần cuối tôi gặp. Dù không được đến sự kiện này và chỉ được "gặp" một cách gián tiếp, nhưng tôi vẫn dõi theo anh, mong anh mạnh khỏe và bình an.
5 năm anh ở trên núi, gia đình đã trải qua bao khổ nạn, thị phi. Giờ anh chịu xuất hiện, tôi và các con vừa mừng vừa thương. Các con đều gởi gắm ước ao, mong mẹ sớm tìm cách đưa ba trở lại như ngày xưa. Gia đình luôn đợi anh, sẵn sàng chăm sóc anh. Bà Thảo khẳng định: "Chúng tôi tuyệt đối không thể bỏ rơi nhau!"
Một ngày sau là Ngày của Cha (Father's day), bà Thảo tiếp tục chia sẻ nỗi buồn của mình: "Father's Day. Hôm qua, mọi người đều nhìn thấy anh đã xuống núi, đã xuất hiện và nói đôi điều với nhân viên, với đối tác, với khách hàng, với báo chí.... Trừ gia đình. Hôm nay, các con nhờ mẹ gửi lời chúc tới ba nhân Ngày của Cha. Các con xem hình ba trên mạng rồi hỏi mẹ: trong clip này, ba nói ba "đã có mọi giải pháp, mọi câu trả lời, mọi thứ sau 5 năm lên núi". Vậy ba có giải pháp, có câu trả lời gì cho gia đình ta không mẹ? Mẹ khóc".
Không biết ông Vũ có đọc được những dòng chia sẻ của bà Thảo hay không. Hoặc chăng, giữa vợ chồng ông có khúc mắc quá lớn, đến nỗi ông không muốn nhìn mặt người vợ từng vì ông mà chung lưng đấu cật, cùng trải qua những năm tháng gừng cay muối mặn, NHƯNg, ít nhất, ông còn có 4 người con chung với bà Thảo. Giận vợ, không muốn đối thoại với vợ (có thể vì liên quan tới số tài sản tranh chấp giữa hai người xoay quanh tập đoàn Trung Nguyên), âu cũng là điều ít nhiều dễ hiểu, nhưng sự xa cách của ông Vũ dành cho các con của mình, hẳn khiến người ngoài quá đỗi lạ lùng.
Chẳng phải vị vua cà phê Việt ấy vẫn hô hào khẩu hiệu với những "người anh em" của mình rằng: "Đi cùng nhau – không gì là không thể", vậy người phụ nữ đã đồng hành, sóng bước cùng ông đi qua những ngày gian khó kia có vị trí như thế nào? Ông có thể hiệu triệu hàng trăm, nghìn những người anh em cùng tiến bước chinh phục những đỉnh cao, những chân mời mới, vậy sao chỉ là một tín hiệu nhỏ, một lời nhắn nhủ, đáp hồi người phụ nữ từng cùng ông thề nguyện dưới bàn thờ gia tiên, từng gắn bó với ông mấy chục năm ròng... khó khăn đến thế sao? Ông Vũ mang tráng chí, khát vọng đưa Trung Nguyên thống lĩnh toàn cầu, nhưng giải pháp "tề gia" của ông thì có vẻ chưa có? Sự im lặng khốc liệt ấy hẳn không dễ chịu đối với một gia đình.
Giống như một bài phỏng vấn trước đó, bà Thảo vẫn sau trước một lời: "Chưa một ngày nào, thậm chí trong từng giấc ngủ, tôi ngừng nuôi hy vọng chồng tôi sẽ trở lại một người như xưa. Đến lúc đó, tôi sẽ sẵn sàng giao lại Trung Nguyên cho anh ấy, và lui về phía sau như tôi đã từng làm bao năm qua - một nội tướng thực sự, luôn tự hào vì đã tin tưởng chồng mình...
Tôi và các con sẽ luôn chờ anh ấy quay về, kể cả khi anh Vũ ốm đau, kể cả nếu đến một ngày chồng tôi tay trắng trở về như những ngày đầu chúng tôi gặp nhau, tôi sẽ vẫn chờ đón anh ấy. Tôi đã từng yêu Đặng Lê Nguyên Vũ lúc anh ấy nghèo khó nhất, cơ hàn nhất, thì không lý do gì tôi lại không yêu thương người cha của 4 đứa con của mình thêm một vài lần nữa.
Kể cả nếu anh Vũ không còn yêu tôi nữa, tôi vẫn mong anh ấy quay về, để làm một cha tuyệt vời của lũ nhỏ. Dù có thế nào, tôi và các con vẫn mãi mãi là gia đình của anh ấy. Chúng tôi tuyệt đối không thể bỏ rơi nhau!"
Chiếu theo câu nói của Khổng Tử: "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", có vẻ như, ông Vũ đã "nhảy cóc", ôm tham vọng lớn lao, chinh phục thế giới rộng lớn ngoài kia, trong khi sự nghiệp "tề gia" vẫn chưa thực sự toàn vẹn?
Đặng Lê Nguyên Vũ, ông sẽ có giải pháp gì cho gia đình của mình? Chắc hẳn, bà Thảo và 4 người con của ông đã và đang mong chờ câu trả lời của ông từ rất lâu rồi.