Chốt phiên 11/3, cổ phiếu GEE của CTCP Thiết bị điện Gelex (Gelex Electric) tăng 3,9% để đóng cửa tại mức 48.000 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch cũng giữ ở mức cao với gần 3 triệu đơn vị được khớp lệnh trong phiên. Đây cũng là phiên giao dịch thứ 4 của cổ phiếu này trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo đó, chào sàn UPCoM trong phiên 8/3, 300 triệu cổ phiếu GEE đã nhanh chóng tăng kịch trần 40%, từ 25.000 đồng/cổ phiếu lên 35.000 đồng/cổ phiếu. Hai phiên sau đó, cổ phiếu GEE tiếp tục đóng cửa trong "sắc tím" trước khi hạ nhiệt đôi chút trong phiên giao dịch cuối tuần. Với biên độ cho phép là 15% của sàn UPCoM, chỉ sau 4 phiên giao dịch, thị giá GEE đã tăng tới 92%, nổi bật giữa bối cảnh thị trường điều chỉnh và áp lực bán khiến nhiều cổ phiếu phải quay đầu giảm giá.
Gelex Electric tiền thân là Công ty TNHH MTV Thiết bị đo điện do Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (nay là CTCP Tập đoàn Gelex - GEX) sở hữu 100% vốn, được thành lập vào ngày 29/8/2016 với mục đích sản xuất kinh doanh các thiết bị đo điện. Đến năm 2020, công ty chuyển đổi thành công ty cổ phần, đổi tên thành CTCP Thiết bị điện Gelex.
Hiện, Gelex Electric đang có 7 công ty con hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thiết bị điện bao gồm CTCP Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi), CTCP Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM), CTCP Thiết bị điện (Thibidi), Công ty Dây đồng Việt Nam CFT, CTCP Thiết bị điện EMIC (Emic), CTCP Năng lượng Gelex Quảng Trị và Công ty TNHH Phát điện Gelex.
Vốn điều lệ ban đầu là 368 tỷ đồng, hiện đã tăng lên mức 3.000 tỷ. Tuy nhiên, với mức giá tham chiếu 25.000 đồng/cp, định giá công ty lên tới 7.500 tỷ đồng. Thậm chí, với mức giá cổ phiếu đạt 48.000 đồng, hiện vốn hoá thị trường của công ty đã tăng lên mức 14.400 tỷ đồng - cao hơn cả vốn hoá của hàng loạt doanh nghiệp lâu năm trên thị trường chứng khoán hiện tại.
Cơ cấu cổ đông của Gelex Electric có công ty mẹ Gelex đang sở hữu tới 80% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, Gelex Electric còn có hai cổ đông chiến lược là CTCP Máy tính – Truyền thông – Điều khiển 3C (3C Inc) sở hữu 5,5% cổ phần và CTCP GVI sở hữu 2,5% cổ phần khi 2 công ty trên lần lượt mua vào 16,5 triệu cổ phần và 7,5 triệu cổ phần của Gelex Electric từ cuối tháng 8/2021. Số cổ phần này bị hạn chế chuyển nhượng 2 năm.
Về kết quả kinh doanh, năm 2021 doanh thu thuần của GEE đạt 18.714 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2020. Trong cơ cấu doanh thu của công ty, doanh thu bán hàng hóa thành phẩm đạt 17.406 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ, trong khi doanh thu bán hàng hóa đạt 864 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ. Ngoài ra trong năm công ty còn phát sinh khoản doanh thu xây lắp 187 tỷ đồng và doanh thu bán điện 188 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Trong năm doanh thu tài chính đạt 395 tỷ đồng, tăng 162 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong khi đó chi phí tài chính tăng 123 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên 744 tỷ đồng (trong đó riêng chi phí lãi vay 516 tỷ đồng). Tính đến 31/12/2021 Gelex Electric còn 17.136 tỷ đồng nợ phải trả (tăng hơn 3.700 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm), trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 5.369 tỷ đồng (tăng 1.423 tỷ đồng so với đầu kỳ) và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 6.113 tỷ đồng (tăng hơn 4.400 tỷ đồng so với đầu năm).
Trừ chi phí bán hàng (360 tỷ đồng), chi phí quản lý doanh nghiệp (387 tỷ đồng) và các chi phí khác, năm 2021 Gelex Electric lãi sau thuế 655 tỷ đồng, đi ngang so với năm 2020, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 566 tỷ đồng. EPS đạt 2.280 đồng.
Đáng chú ý, tính đến hết năm 2021, tổng tài sản của Gelex Electric đạt 23.124 tỷ đồng, tăng 61% so với đầu năm.
Bước sang năm 2022, ban lãnh đạo Gelex Electric lên kế hoạch doanh thu thuần đạt 19.410 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.520 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và 132% so với thực hiện năm 2021.
Công ty cũng xây dựng kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 3.300 tỷ đồng, thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 10%.