Tập 12 "Cơ hội cho ai" là cuộc đối đầu của cặp đôi ứng viên: Võ Minh Nghi, 26 tuổi, Thạc sĩ Quản lý Dự án, Kỹ sư xây dựng loại giỏi tại trường Đại học Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Anh có 5 năm kinh nghiệm trong quản lý dự án và phát triển các dự án đầu tư và xây dựng, quản lý các dự án xây dựng với ngân sách từ 2 - 10 triệu đô.
Cao Thụy Diệu Hiền, 32 tuổi, Cử nhân Quản trị Kinh doanh trường Đại học Ngoại thương TP.HCM. Hiện tại, nữ ứng viên đang tham gia chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, chuyên ngành Quản lý Dự án của trường đại học Nam Columbia (Hoa Kỳ). Cô có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Truyền thông – Marketing tại Việt Nam và một số nước khu vực Đông Nam Á.
Tình huống phản biện đặt ra cho 2 ứng viên là: "Lý do người quản lý mà bạn rất thần tượng đi phỏng vấn ở công ty khác là để "định giá bản thân", "cập nhật thị trường lao động", "mở rộng mối quan hệ" và "củng cố tình yêu với công ty". Bạn có đồng ý với quan điểm này của quản lý hay không?"
Hoàn toàn không tán thành với tình huống mà ban tổ chức đưa ra, Minh Nghi cho biết: "Chúng ta phải sống với đam mê, nhiệt huyết của mình. Khi chúng ta làm việc cho một công ty, thì chúng ta phải cống hiến hết mình cho công ty đó". Nam ứng viên cho rằng trong môi trường làm việc tại công ty vốn đã hiện diện những thước đo từ cấp trên, đồng nghiệp, không nhất thiết phải dùng cách đi phỏng vấn ở công ty khác để "định giá bản thân" và làm hiệu suất công việc bị ảnh hưởng.
Đồng tình với quan điểm của đối thủ, Diệu Hiền khẳng định khi gia nhập một công ty nào đó, bạn cần xác định rõ mình muốn có được gì tại doanh nghiệp này và cố gắng cho mục tiêu đó.
Sếp Dũng đặt câu hỏi cho Minh Nghi: "Tại sao em lên đây tìm việc mà không tiếp tục start-up?"
Nam ứng viên chia sẻ anh chọn học xây dựng khi chưa định hướng được sự nghiệp lúc còn ngồi ghế nhà trường. Tuy nhiên, sau đó, anh phát hiện bản thân phù hợp với kinh doanh hơn. Trong lúc tham gia xây nhà xưởng cho công ty thực phẩm đông lạnh, anh có kiến thức về lĩnh vực này nên đã quyết định start-up. Lý do Minh Nghi vẫn đi tìm việc mà không tập trung cho kinh doanh, anh giải thích vì bản thân còn trẻ, muốn học hỏi nhiều hơn, rồi mới tiếp tục kinh doanh.
Sếp Dũng hỏi xoáy: "Thế nghĩa là em học hỏi các sếp để về làm việc của em. Vậy em đâu có gắn bó lâu dài?"
Nam ứng viên lập tức giải thích: "Em chỉ bỏ vốn một phần và quản lý một phần chứ chưa hoàn toàn tập trung vào đó, nên mục tiêu của em vẫn là thay đổi và nâng cao bản thân".
Sếp Dũng quay sang đặt câu hỏi cho Diệu Hiền: "Em có kinh nghiệm làm Marketing 10 năm. Vậy em hãy trả lời ngắn gọn Marketing là gì?"
Nữ ứng viên tự tin chia sẻ: "Marketing là truyền đạt thông tin sản phẩm, dịch vụ đến với càng nhiều nhóm khách hàng mục tiêu, đảm bảo thông tin đúng, thể hiện rõ thông điệp của sản phẩm, dịch vụ".
Sếp Dh Foods tiếp tục hỏi xoáy: "Thế nếu chưa có sản phẩm thì có làm Marketing được không?"
Diệu Hiền khẳng định hoàn toàn có thể dựa trên ý tưởng và tình yêu đối với ý tưởng đó để làm marketing. Marketing theo nữ ứng viên là khảo sát thị trường, cần biết thị trường có cần sản phẩm đó hay không. Nếu thị trường không cần sản phẩm đó, thì mình có thể cải tiến, điều chỉnh cho phù hợp.
Nhận xét về câu trả lời của Diệu Hiền, sếp Dũng cho hay: "Đơn giản Marketing là bạn đi tìm nhu cầu của thị trường, rồi tìm nguyên liệu và nơi sản xuất. Khi sản xuất ra rồi mới truyền bá và xây dựng hệ thống phân phối. Sau đấy mới thu thập thông tin và cải tiến. Bạn đang đi hơi lộn xộn, cải tiến rồi mới đưa ra thị trường rồi lại cải tiến. Marketing là một vòng tròn. Bạn hiểu chưa đủ và giải thích chưa đúng".
Sếp Thuấn đặt thử thách cho Diệu Hiền: "Em hãy kể 7P trong Marketing?"
"4P truyền thống gồm price, place, people, promotion. 3P phát triển theo em đúc kết trong quá trình làm việc là thời điểm đưa ra sản phẩm, khách hàng và kênh phân phối", ứng viên 8x cho biết.
Sau khi nhận được câu hỏi từ sếp Dũng và sếp Thuấn, Diệu Hiền tự đánh giá bản thân còn thiếu sót, cô sẽ củng cố về mặt kiến thức lý thuyết và cảm ơn 2 sếp đã đóng góp để biết bản thân thiếu gì, cần bổ sung gì.
Kết thúc vòng Đối mặt, Minh Nghi giành chiến thắng áp đảo trước đàn chị với điểm số 6/7.
Ở vòng Chinh phục, sếp Thông là người đầu tiên tìm hiểu ứng viên: "Anh nghe em chia sẻ vừa muốn đi làm vừa muốn start-up. Anh cảm nhận cái bếp của em lửa còn nhỏ, nhưng em lại bắt lên trên đó nhiều nồi quá, thì không món nào nó chín hết. 10 năm nữa, khi lửa em to, thì em có thể nấu chín nhiều món hơn. Giờ em chỉ được chọn một trong 2 con đường, một là đi làm để phát triển chuyên môn, hai là tập trung start-up. Em chọn hướng nào?"
Không do dự, ứng viên lập tức chọn đi làm để phát triển chuyên môn.
Câu hỏi thứ hai sếp Thông dành cho Minh Nghi là: "Em nói có hứng thú với ngành bán lẻ, vậy cụ thể là em muốn biết điều gì trong ngành này?"
Ứng viên 9x cho hay: "Ngành bán lẻ không thể tách rời với xây dựng hệ thống và cần người quản lý để hoạch định chiến lược, kế hoạch. Em mong rằng mình sẽ trở thành một chiến binh như thế cho doanh nghiệp của các sếp".
Tiếp lời đồng đội ghế "nóng", sếp Trí đặt câu hỏi: "Em nghĩ em sẽ đóng góp cho chuỗi bán lẻ. Vậy theo em, trong đó cái gì là quan trọng nhất? Nếu để nói một hệ thống bán lẻ đó tốt hay không thì top 5 dữ liệu mà em cần thu thập là gì?"
Minh Nghi trả lời: "Người ta nói ‘an cư lạc nghiệp’, nên đầu tiên phải xây dựng hệ thống. Và điều cốt lõi vẫn là doanh thu, làm sao vừa làm hài lòng khách hàng, vừa mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Top 5 biến số độc lập mà em sẽ phân tích là lợi nhuận của chuỗi bán lẻ đó dựa trên những số liệu trước đây, địa điểm, giá cả, mức độ hài lòng của khách hàng".
Câu trả lời của Minh Nghi không nhận được sự hài lòng từ sếp Trí: "Anh nói vầy cho dễ hiểu. Em bước vào một điểm bán lẻ, thì phải thu nhập dữ liệu của điểm bán đó. Rồi từ đó em mới phân tích ra lợi nhuận. Chứ ở đâu ra mà vào điểm bán lẻ là có lợi nhuận liền. Thế thì 5 cái dữ liệu thô em cần để phân tích là gì?"
Ứng viên 9x sau đó chưa đưa ra được câu trả lời thỏa đáng.
Sếp Dũng nhận xét câu hỏi của sếp Trí quá khó đối với một ứng viên chưa nhiều kinh nghiệm trong ngành bán lẻ như Minh Nghi. Đồng thời, sếp Dh Foods cũng khuyên ứng viên: "Em không biết thì cứ nói là không biết".
Kết thúc vòng Chinh phục, Minh Nghi nhận được 2 đèn xanh từ sếp Nga và sếp Thông.
Nói về lý do nhấn đèn xanh cho Minh Nghi, sếp Thông cho hay: "Cái mà tôi thấy ở em là sự chân thành. Em chưa biết đường đi nhưng tố chất của em, giai đoạn em khó khăn trong công việc em đã phấn đấu là có. Tư duy của em, cách em trả lời anh Trí, anh Dũng còn rất tay mơ. Lúc nãy anh có nói lửa em còn rất nhỏ, nên em cần phải làm sao để lửa em thật to để bắt nhiều nồi trên đó. Anh nghĩ rằng anh nên cho em một cơ hội".
Mức lương kỳ vọng của Minh Nghi là 22 triệu đồng. Anh được mời về làm việc tại: Elise cho vị trí Trợ lý phòng Kinh doanh với mức lương 15 triệu đồng, PNJ cho vị trí Team Lead Phát triển hệ thống bán lẻ với mức lương 26.181.818 đồng.
Chia sẻ về vị trí công việc offer cho Minh Nghi, sếp PNJ cho biết: "Anh offer cho em vị trí Team Lead, là một team lo phát triển hệ thống bán lẻ. Nó chỉ là một team nhỏ trong đội lớn hơn là đội vận hành bán lẻ. Team này phụ trách kết nối, quy hoạch, phát triển hệ thống bán lẻ của PNJ. Việc thứ hai là quản lý các dự án xây dựng, sửa sang các cửa hàng của mạng lưới bán lẻ và tối ưu hóa nó không chỉ là số điểm bán mà cả hiệu quả kinh doanh. Còn câu hỏi của anh Trí lúc này, khi em vào sẽ có người hướng dẫn cho em. Anh tin em là kỹ sư sẽ đủ giỏi về số để học nó. Em sẽ học hỏi thêm được về vận hành bán lẻ, customer insight (Thấu hiểu khách hàng), customer behavior (Hành vi khách hàng)".
Cuối cùng, Minh Nghi quyết định đầu quân về PNJ cho vị trí Team Lead Phát triển hệ thống bán lẻ với mức lương 26.181.818 đồng.