Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam:
Rà soát để đơn giản thủ tục hơn
Trong đợt dịch Covid-19 đầu năm nay, Chính phủ đã rất nhanh chóng tung ra các chính sách hỗ trợ DN một cách toàn diện. Tuy nhiên, chính sách có đủ mà doanh nghiệp (DN) không tiếp cận được vì vướng mắc nằm chính ở khâu thủ tục hành chính, hướng dẫn phức tạp và các điều kiện chưa phù hợp. Do vậy, quan trọng nhất là tổng kết tỉ trọng DN tiếp cận được gói hỗ trợ, rà soát nguyên nhân, xem xét lại các thủ tục, cải tổ theo hướng đơn giản hơn, vì DN hơn.
DN trong hiệp hội cũng kiến nghị nhà nước điều chỉnh tiêu chí tiếp cận các gói hỗ trợ sao cho sát với thực tế hơn, giúp họ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn. Trong đó, không nên quy định cứng nhắc DN có 50% người lao động mất việc mới được hỗ trợ mà hạ quy định xuống mức 10%-20% bởi chính những DN này mới cần tiếp sức để cầm cự và chờ đợi cơ hội hồi phục. Bản thân người lao động cũng chấp nhận giãn ca, giảm lương thay vì mất việc nên DN luôn nỗ lực để bảo đảm được quyền lợi của người lao động.
Hầu hết các doanh nghiệp đều phản ánh rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ.Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội:
Cần chính sách hỗ trợ thiết thực hơn
Các gói hỗ trợ tuy mục đích rất tích cực nhưng điều kiện tiếp cận phi thực tế thì DN không thể tiếp cận được. Bởi vậy, thay vì tiếp tục xem xét các gói hỗ trợ tương tự, nhà nước nên đi vào chính sách hỗ trợ thiết thực hơn, giúp DN dễ dàng thụ hưởng hơn như ưu đãi thêm về thuế, phí, lệ phí. Chẳng hạn, giảm thuế thu nhập DN đối với DN có phát sinh doanh thu giúp họ có phần chi phí để lại để duy trì dòng tiền, quay vòng sản xuất. Việc này có ý nghĩa nhiều hơn đối với các giải pháp khoanh nợ, giãn nợ. Riêng thuế GTGT được thu trực tiếp, các DN mong muốn được giãn đến hết năm 2020 hoặc lâu hơn nữa.
Đặc biệt, chính sách không chỉ dừng ở hỗ trợ về tiền mà còn cần hỗ trợ mạnh mẽ về mặt thị trường để DN tiêu thụ được sản phẩm, duy trì sản xuất ở mức tối thiểu. Hiện tại, nhiều DN không xuất khẩu được hàng hóa do tình hình dịch bệnh trên thế giới chưa khống chế được. Trong khi đó, tiêu thụ trong nước không được nhiều do dung lượng thị trường vốn nhỏ bé, người dân đang trong giai đoạn thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là có tới 1/3 dân số đã lâm vào tình trạng thất nghiệp do hậu quả của Covid-19. Những ngành gặp khó khăn nhất là bất động sản, cơ khí, dệt may, da giày, làm đẹp… Khu vực khởi nghiệp cũng đang rất lao đao. Như vậy, khoanh vùng DN, tập trung hỗ trợ thúc đẩy thị trường đầu ra cho sản phẩm là thiết yếu nhất hiện nay để DN có thể sống chung với dịch.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN KCX-KCN TP HCM:
Hỗ trợ điều kiện kinh doanh
Trao đổi với chúng tôi, rất nhiều DN đầu tư hạ tầng lẫn DN đang hoạt động tại các KCX-KCN, Khu Công nghệ cao cho rằng các gói hỗ trợ của Chính phủ mang tính chất "cấp cứu" là cần thiết với một bộ phận DN đang rất khó khăn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà DN mong muốn là được điều kiện thuận lợi để đầu tư, hoạt động.
Hiện nay, các thủ tục giấy tờ được thực hiện theo chế độ 1 cửa liên thông, tưởng là thông thoáng nhưng "có rất nhiều ổ khóa", DN mất rất nhiều thời gian mới có được đầy đủ 5 loại giấy phép này để triển khai dự án. Vì vậy, rất mong Chính phủ, các bộ ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chánh, có chính sách cho phép các KCX-KCN, Khu Công nghệ cao trở lại áp dụng cơ chế một cửa một dấu như trước đây để thu hút và đón nhận đầu tư, qua đó tạo công ăn việc làm cho người lao động và sức bật cho nền kinh tế.
TS Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM (HFIC):Kích cầu đầu tư côngCác gói hỗ trợ hiện hữu chủ yếu cung cấp vốn lưu động để cho DN cầm cự, giải quyết những vấn đề cấp bách và hỗ trợ an sinh xã hội cho người gặp khó khăn. Dịch Covid-19 đang trở lại và giáng thêm đòn nặng nề lên toàn bộ nền kinh tế. Ngay cả ở thành phố năng động nhất nước là TP HCM thì thương mại - dịch vụ cũng đang co cụm lại, tiêu dùng sụt giảm do tác động của dịch bệnh.
Hơn lúc nào hết, bây giờ là thời điểm các DN cần công ăn việc làm để duy trì hoạt động, chăm lo cho người lao động. Vì vậy, giải pháp hỗ trợ cần thiết nhất lúc này là kích cầu đầu tư công để tạo công ăn việc làm cho DN. Làm một con đường, một dự án công có thể kéo theo công ăn việc làm cho rất nhiều DN sản xuất, cung ứng vật liệu, thiết bị lẫn DN thi công, từ đó tạo lực đẩy cho tiêu dùng các lĩnh vực khác. Có thể nói đây là giải pháp cơ bản nhất, nằm trong tầm tay và chúng ta có thể chủ động được. Cùng với đó là tập trung khuyến khích phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong nước lẫn xuất khẩu đối với những mặt hàng thiết yếu, nông sản thực phẩm… đồng thời có bước chuẩn bị cho hậu Covid-19 bằng tái cơ cấu sản phẩm, có chính sách hỗ trợ dài hạn để khuyến khích DN đầu tư các sản phẩm công nghệ, thân thiện môi trường, sản phẩm phục vụ y tế.
TS Lê Đạt Chí, Trường Đại học Kinh tế TP HCM:
Giải pháp phải mạnh và đồng bộChính phủ và Quốc hội cần có sự phối hợp mạnh mẽ hơn để xây dựng các gói hỗ trợ đủ mạnh để khôi phục lại hoạt động của nền kinh tế, như các quốc gia khác đang triển khai.Chẳng hạn, Ngân hàng Nhà nước ngoài việc bơm thanh khoản hay chậm thực hiện các quy định theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017 (thông tư 22/2019/TT), thì đã hết các công cụ điều hành nên kêu gọi các ngân hàng thương mại giảm lãi suất để hỗ trợ DN và nền kinh tế. Nhưng thực chất, việc giảm lãi suất là dựa trên khả năng của từng ngân hàng - mà nguồn lực này có hạn và phụ thuộc vào tình hình hoạt động, tiềm lực của từng ngân hàng.Trong khi đó, một giải pháp là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước có thể phối hợp để lãi suất giảm mạnh hơn với công cụ tái cấp vốn.
Trái phiếu Chính phủ hiện đang được phát hành ra thị trường với lãi suất chỉ khoảng 2%-3%/năm, thay vì vậy, Bộ Tài chính có thể dùng lượng trái phiếu này đưa qua Ngân hàng Nhà nước để tái cấp vốn. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước bơm lượng vốn này ra thị trường với mức lãi suất thấp và nhờ vậy, lãi suất cho vay sẽ có dư địa giảm mạnh mẽ hơn nhằm hỗ trợ DN và nền kinh tế…
Ngay cả việc triển khai các gói hỗ trợ, có tâm lý của cơ quan quản lý là sợ không đúng đối tượng, sợ dòng vốn đi lạc hướng nên phải quản chặt và siết điều kiện để hưởng quá chặt. Nhưng DN đang rất khó khăn và họ cần được "cấp cứu" lúc này, rồi sau đó tiến hành hậu kiểm, cơ quan quản lý có đủ công cụ để kiểm tra.
Có như vậy, DN mới được hỗ trợ kịp thời để có cơ hội duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn khi dịch bệnh kéo dài.
Ngân hàng tung nhiều gói hỗ trợ
Ngày 4-8, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, cho biết sẽ cung cấp các khoản vay cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) để giúp 2 ngân hàng này tăng cường hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là những DN vừa và nhỏ gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19.Với nguồn tài trợ từ IFC, VPBank và OCB sẽ cấp vốn vay bổ sung để những DN trong nước bị gián đoạn về dòng tiền có thể duy trì hoạt động.
Hiện VPBank và OCB đang thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ của các khách hàng DN vừa và nhỏ gặp khó khăn cần hỗ trợ.Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng triển khai liên tiếp các gói tín dụng ưu đãi giúp khách hàng vượt khó. Mới nhất, từ đầu tháng 8, SHB triển khai chương trình tiếp sức khách hàng tại Đà Nẵng, Quảng Nam chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với gói tín dụng 2.500 tỉ đồng, bên cạnh gói tín dụng 25.000 tỉ đồng đã và đang triển khai trên toàn quốc.
T.Phương