Ngày 6/10, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Hải quan TP. HCM và Báo Hải quan phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức tọa đàm "Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh và doanh nghiệp đồng hành thực hiện EVFTA".
Phát biểu tại buổi lễ, Cục trưởng Cục Hải quan TP. HCM, ông Đinh Ngọc Thắng cho biết, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa các ưu đãi mà EVFTA đem lại, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trước và sau khi hiệp định có hiệu lực.
Theo đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. HCM, ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, hiện thành phố có 909 dự án của các doanh nghiệp EU được cấp phép chứng nhận đầu tư, với tổng vốn 3,17 tỷ USD (không bao gồm nước Anh). EU là thị trường xuất siêu truyền thống của TP. HCM, đồng thời là đối tác xuất khẩu thứ 3 và đối tác nhập khẩu thứ 2 của thành phố, với kim ngạch song phương đạt 15,44 tỷ USD. Hiệp định EVFTA sẽ mở ra cánh cửa rộng lớn hơn cho hàng hóa TP. HCM tiếp cận thị trường trên 500 triệu dân của EU.
Cũng tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải quan Mai Xuân Thành nêu rõ, để hiệp định EVFTA thực sự đi vào cuộc sống, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đã soạn thảo dự thảo Nghị định, Thông tư, biểu thuế ưu đãi trình Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA.
Đối với các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, ông Mai Xuân Thành nhấn mạnh, Tổng cục Hải quan sẽ có văn bản hướng dẫn kịp thời hoặc trao đổi với Bộ Công Thương, đối tác châu Âu để thống nhất thực hiện.
Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), ông Johnathan Hạnh Nguyễn chỉ ra hiệp định EVFTA mở ra cơ hội rất lớn cho ngành hàng tiêu dùng và cho người tiêu dùng tại Việt Nam, bởi các biểu thuế được giảm ít nhất 30%-40%. Thời gian tới, khi các khu miễn thuế mọc lên, Việt Nam có thể thu hút 100 triệu du khách đến đây mua đồ hiệu miễn thuế. Ước tính các khu kinh tế như Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Đà Nẵng sẽ tiêu thụ 3-5 tỷ USD/năm hàng hóa từ EU.
"Trước đây cứ nhập 100 triệu USD hàng thời trang xa xỉ về Việt Nam, nếu bán được 50 triệu USD thì 50 triệu USD còn lại công ty tìm cách xuất ngược đi nước ngoài vì thuế suất quá cao. Xuất ra để được hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế nhập khẩu,... Bởi vì hàng thời trang châu Âu nhập vào Việt Nam phải chịu thuế 30%, chưa gồm VAT, trong khi các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Pháp,... là 0%.
Do vậy, không ít du khách, ngay cả người Việt Nam cũng tìm cách đến các nước ưu đãi thuế để mua hàng hiệu với giá mềm. Đồng thời, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội mua hàng hiệu giá mềm ngay trên chính quê hương mình", ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn kết luận: "Tuy nhiên, châu Âu không chấp nhận kiểu làm ăn 'sáng nắng chiều mưa'. Đối với họ, chất lượng sản phẩm, giá cả ổn định và lòng tin là rất quan trọng. Đặc biệt, người châu Âu quan tâm đến trách nhiệm cộng đồng xã hội, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp với người lao động chứ không chỉ chú trọng hàng hóa. Vì vậy làm ăn lâu dài với họ đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải giữ chữ tín".