Ngày 24/11, hãng hàng không nổi tiếng nước Đức - Lufthansa Cargo AG công bố mở đường bay vận chuyển hàng hóa tới Hà Nội. Chuyến bay khai trương đường bay mới cất cánh vào ngày 2/11/2022. Sau khi quá cảnh ở Mumbai, chuyên cơ Boeing 777F đã đến Hà Nội theo đúng lịch trình vào ngày 3/11. Từ sau đó, Lufthansa Cargo đã thực hiện các chuyến bay tới Hà Nội với tần suất hai lần một tuần .
Đây là đường bay thứ hai mà hãng hàng không này mở tại Việt Nam, sau khi mở đường bay đầu tiên đến TP.HCM vào năm 2015. Cùng với hai chuyến bay mỗi tuần đến TP.HCM đã có từ trước, hãng đã tăng gấp đôi công suất vận tải đến Việt Nam và hiện là hãng hàng không vận chuyển hàng hóa duy nhất trên thị trường có đường bay trực tiếp từ thủ đô Hà Nội (Việt Nam) đến Frankfurt (Đức) - trung tâm trung chuyển hàng hóa bằng đường bộ và đường hàng không tới các nước trong khu vực Châu Âu và trên toàn thế giới.
"Việt Nam luôn nằm trong danh sách được quan tâm và ưu tiên mở rộng"
Nhận định về thị trường Việt Nam, các lãnh đạo Lufthansa Cargo cho biết, TP.HCM - trung tâm kinh tế ở phía Nam và thủ đô Hà Nội - ở phía Bắc là hai khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kể trong những năm gần đây. Là một trung tâm sản xuất, vai trò của Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng khi ghi nhận sự tăng trưởng nhanh chóng về khối lượng hàng hoá xuất khẩu sang các nước khác, bao gồm cả thị trường châu Âu. Điều này khiến cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tăng cao.
Cụ thể, tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng hàng không tại Việt Nam đã tăng đều 2,5 lần trong mỗi chu kỳ 10 năm. Con số này đã tăng từ 600.000 tấn vào năm 2011 lên 1,5 triệu tấn vào năm 2021. Theo dự kiến đến năm 2030, tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng hàng không tại Việt Nam sẽ tăng lên 4,1 triệu tấn. Trong đó, 80% là hàng hóa xuất đi.
Ngoài ra, theo dữ liệu năm 2021, 17% sản lượng hàng hóa xuất đi là điện thoại, 15% là máy tính , 11% là các máy móc thiết bị. Trong khi đó, thời trang may mặc chiếm 10% sản lượng, giày da chiếm 5%, thủy sản là 3%.
Riêng thị trường miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng mạnh, đặc biệt với các mặt hàng điện tử, công nghệ cao. Đây là nơi nhiều "ong chúa" trong ngành điện tử, công nghệ chọn làm nơi đầu tư như Panasonic (1971), LG Display (1995), Canon (2001), Foxconn (2007), Samsung (2008), Fuji Xerox (2013) và gần đây là các tập đoàn như Pegatron, Goertek, Jinko Solar.
Bà Đoàn Bích Thủy
" Việt Nam luôn nằm trong danh sách được quan tâm và ưu tiên mở rộng ngay khi có thể. Khi có máy bay Boeing 777F thứ 16 thì chúng tôi đã quyết định mở đường bay ở Hà Nội, vì điều này đã nằm trong kế hoạch từ khá lâu trước đó.
Vận tải hàng hóa bằng đường hàng không là mô hình kinh doanh mang tính ngắn hạn, phải đưa ra quyết định trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, để mở một đường bay, để đáp ứng được năng lực phục vụ cũng như bay đến điểm bay mới cũng khá mất thời gian. Thông thường là 6 tháng nhưng chúng tôi đã thực hiện được trong vòng 4 tháng ", bà Đoàn Bích Thủy - Giám đốc Quốc gia Lufthansa Cargo tại Việt Nam chia sẻ.
Kế hoạch gắn bó lâu dài, không mở tạm thời rồi đóng
Giám đốc Quốc gia của Lufthansa Cargo tại Việt Nam cho biết, hiện đồ điện tử, phụ tùng ô tô và quần áo là ba trong số những mặt hàng được vận chuyển từ Hà Nội thường xuyên nhất. Thậm chí, hãng hàng không này cũng đã vận chuyển xe ô tô của VinFast sang châu Âu.
"Hầu hết ô tô của VinFast được vận chuyển bằng đường biển bởi vận chuyển đường hàng không rất tốn kém. Tuy nhiên, chúng tôi có thể cung cấp cho khách hàng một giải pháp phù hợp, về cả thời gian và dịch vụ. Do đó, đã có những chuyến bay Lufthansa Cargo chở khoảng 5-6 chiếc xe VinFast/chuyến đi châu Âu" , bà Thủy nói với chúng tôi.
Tổng số bốn chuyến bay chở hàng hóa hàng tuần đến và đi từ Việt Nam sẽ mang lại công suất vận chuyển hàng hóa thường xuyên đạt 250 tấn mỗi tuần.
Dịch vụ vận chuyển hàng hóa đến Việt Nam của Lufthansa Cargo được vận hành bởi AeroLogic (doanh nghiệp liên doanh giữa DHL Express và Lufthansa Cargo
Các lãnh đạo Lufthansa Cargo cũng khẳng định, việc mở đường bay vận chuyển hàng hóa đến Hà Nội là một kế hoạch gắn bó lâu dài, không phải tạm thời mở rồi đóng lại sau một thời gian. Dù cũng chịu ảnh hưởng từ bối cảnh kinh tế toàn cầu đi xuống nhưng hãng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để vượt qua.
"Ngành vận chuyển hàng hóa bằng hàng không là một phần của thương mại thế giới và dĩ nhiên chúng tôi cũng bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái của nền kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn hoạt động chứ không dừng lại. Do đó điều quan trọng nhất là phải cung cấp được một giải pháp phù hợp, chính xác cho khách hàng của mình. Đó là lý do trong chiến lược của Lufthansa Cargo, chúng tôi muốn giúp khách hàng kinh doanh một cách thuận tiện và nhanh chóng, để họ làm tốt công việc kinh doanh của mình. Một yếu tố quan trọng là kiến thức và kinh nghiệm của Lufthansa Cargo trong việc vận chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau. Ví dụ như sản phẩm công nghệ cao hay các loại hàng hóa đặc biệt cần có dịch vụ vận chuyển, tháo dỡ và chăm sóc kỹ lưỡng trong suốt quá trình vận chuyển đó. Chúng tôi cung cấp giải pháp nhanh hơn, mang tính sáng tạo, đột phá với một chất lượng cao cho khách hàng" , ông Ashwin Bhat - Giám đốc Thương mại Lufthansan Cargo bày tỏ.