Đại gia số 1 trên thị trường đá nhân tạo Hồ Xuân Năng (Năng Do Thái) đã có một cú lật cờ ngoạn mục trước sự cạnh tranh từ Trung Quốc. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu tới doanh nghiệp.
ĐHCĐ của CTCP Vicostone (VCS) của ông Hồ Xuân Năng vừa thông qua nghị quyết với 2 kịch bản kinh doanh với nội dung không tươi sáng như các năm trước đó do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Đại diện Vicostone cho hay, chắc chắn doanh thu quý 2/2020 thấp hơn quý 2 năm ngoái do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo kịch bản thận trọng, VCS đặt kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế hợp nhất lần lượt ở mức hơn 5,6 ngàn tỷ đồng và gần 1,67 ngàn tỷ đồng, gần như không thay đổi so với kết quả của năm 2019.
Tuy nhiên, ngay cả kế hoạch thận trọng này cũng được đại diện Vicostone cho là một thử thách của doanh nghiệp. Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT, cho biết dịch Covid-19 đã tác động đến tất cả mọi mặt của kinh tế và Vicostone cũng nằm trong số đó.
Trước đó, Vicostone đã đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng 2 con số. Như vậy, đây là một sự thụt lùi đáng kể nếu so với tốc độ tăng trưởng cao của doanh nghiệp này trong cả chục năm vừa qua.
Theo đánh giá của VCS, ngành xây dựng ở Mỹ đã chậm lại từ tháng 3. Nhưng kỳ vọng thị trường Mỹ sẽ mở cửa 80% từ cuối quý 2 và nửa cuối năm hoạt động xây dựng sẽ tốt hơn, dù vậy cũng không thể bằng năm trước được.
Ông Hồ Xuân Năng. |
Vicostone cũng thừa nhận sự cạnh tranh từ các đối thủ Trung Quốc ngay tại thị trường nội địa. Dù vậy, đại diện VCS cũng cho biết, công nghệ của Trung Quốc làm sản phẩm rẻ, nhưng về chất lượng không thể tương đương như Vicostone. Định hướng của Vicostone là không phải thương hiệu giá rẻ mà là thương hiệu chất lượng tốt và giá tương xứng.
Vicostone bắt đầu bị cạnh tranh mạnh từ cuối 2018. Theo VCS, một số nhà sản xuất có hành vi sao chép mẫu mã hoặc công nghệ sản xuất của đối thủ sẽ hưởng lợi từ việc không phải bỏ chi phí nghiên cứu, từ đó dễ dàng đưa ra một mức giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế của sản phẩm.
Hay việc các nhà sản xuất sử dụng công nghệ Trung Quốc với mức đầu tư thấp, mặc dù đưa ra các sản phẩm chất lượng thấp hơn cả về cơ lý tính và mẫu mã, nhưng có thể bán với mức giá rất thấp cũng là rủi ro ảnh hưởng trực tiếp tới thị phần của Vicostone, dẫn đến ảnh hưởng về doanh thu, lợi nhuận và hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tình hình đã ổn định trở lại từ giữa 2019 trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ vào đầu năm 2020. Cổ phiếu VCS lại một lần nữa giảm sau khi đã chinh phục thành công ngưỡng 100.000 đồng/cp. Hiện VCS ở mức khoảng 66.000 đồng/cp, chỉ bằng khoảng 50% thời kỳ đỉnh cao đầu 2018.
Hiện Vicostone vẫn có lợi thế tỏng hoạt động xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm, trong đó có Mỹ sau khi chính quyền ông Donald Trump áp thuế cao (25% thuế nhập khẩu, bên cạnh thuế chống trợ cấp từ vài chục cho tới gần 180%) đối với các sản phẩm đá nhân tạo gốc thạch anh đến từ Trung Quốc trong năm 2018.
Trên thị trường, hàng loạt doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh do chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Savimex (SAV) đã thống nhất điều chỉnh giảm chỉ tiêu doanh thu về còn 777 tỷ đồng, giảm hơn 15%. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế giảm xuống còn 25 tỷ đồng, giảm hơn 17% so với kế hoạch ban đầu.
Bóng đèn Điện Quang (DQC) cũng chia kế hoạch kinh doanh 2020 thành 2 kịch bản, doanh thu và lợi nhuận đều giảm mạnh, thậm chí lỗ, so với kế hoạch tăng trưởng doanh thu lợi nhuận 9% và 8% (so với thực hiện 2019) như trước đó.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 5/6, chỉ số VN-Index dao động quanh ngưỡng 885 điểm. Cổ phiếu ROS của ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục tăng trần sau thông tin sáp nhập với GAB theo tỷ lệ 1:15.
Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo tích cực.
Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục có diễn biến giằng co tại vùng kháng cự 880-888 điểm trong phiên kế tiếp. Áp lực giảm điểm của thị trường tại vùng kháng cự mạnh này vẫn đang hiện hữu, nhất là trong bối cảnh thị trường đang ở vào trạng thái quá mua theo hệ thống đo lường của BVSC. Trạng thái quá bán của thị trường đã có sự lan tỏa trên diện rộng nên việc xuất hiện các phiên rung lắc, điều chỉnh mạnh có thể sẽ sớm xuất hiện trong quá trình chỉ số di chuyển trong vùng kháng cự trên. Dòng tiền giai đoạn này sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ không tạo được sự đột biến khi hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs đang ở phía trước.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/6, VN-Index tăng 2,73 điểm lên 883,9 điểm; HNX-Index tăng 0,94 điểm lên 117,42 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 7,6 ngàn tỷ đồng.
V. Hà