Sự vào cuộc của pháp luật bảo vệ thị trường phim có bản quyền
Ngày 19/8 vừa qua, Công an TP.HCM đã chính thức khởi tố hình sự vụ án xâm phạm quyền tác giả liên quan đến website phimmoi.net, trang web phim lậu có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam. Đồng thời, người đứng đằng sau website phim lậu này đã được tìm ra.
Theo thống kê từ Alexa, công ty phân tích truy cập website tại Mỹ, phimmoi.net là một trang phim lậu có lượng truy cập đạt top 14 trong năm 2019 và top 25 trong năm 2020 tại Việt Nam. Trong khi đó, các trang phim có bản quyền thì lại có lượt truy cập thấp hơn nhiều so với các trang phim lậu.
Trong thống kê của Cục Phát thanh Truyền hình, những quảng cáo trên các website phim lậu thì có đến 72% là của các nhãn hàng lớn, 28% còn lại là những quảng cáo độc hại. Trong đó bảng giá banner của phimmoi.net có giá dao động từ 150 triệu đồng/tuần đến 2 tỷ đồng/tuần.
Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu và động lực phát triển cho thị trường Video theo yêu cầu (Video on Demand -VOD) tại Việt Nam. Vốn dĩ thị trường này được nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá là vô cùng tiềm năng và có lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, bước đi mới từ phía Công an TP.HCM đã đánh một “hồi chuông” bắt đầu sự vào cuộc của pháp luật để trừng phạt mạnh tay những hành vi vi phạm bản quyền tác giả phim ảnh. Điều đó có thể tạo cơ hội cho các “ông lớn” cung cấp các dịch vụ phim ảnh có bản quyền tại Việt Nam.
Thị trường VOD tiềm năng tại Việt Nam
Theo báo cáo Ngành Truyền thông Đông Nam Á của Akamai, thị trường VOD của Việt Nam ước tính có giá trị 105 triệu USD trong năm 2020, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm đạt 9.4%.Hơn nữa, lượt truy cập Internet tại Việt Nam trong quý 1/2020 tăng 71% và trong quý 2/2020 tăng 106%.
Theo nghiên cứu của Kadence International, khi được hỏi về thiết bị thường sử dụng để xem video trên Internet, 76% khán giả Việt Nam trả lời là điện thoại và 73% thường sử dụng các TV thông minh để trải nghiệm phim ảnh. Đáng chú ý, 42% số người trả lời khảo sát cho biết họ dùng trên 2 tiếng mỗi ngày để xem các nội dung định dạng video.
Top 5 dịch vụ xem phim có bản quyền theo số người xem đăng ký. Nguồn Statista
Trong số các nội dung được ưa thích trên Internet, 60% số người bình chọn họ thích các series truyền hình, phim ảnh. Ngoài ra, 48% số người thích xem các game show truyền hình thực tế. Theo báo cáo Global Video-on-Demand của Nielsen, 90% người Việt trả lời họ thường sử dụng dịch vụ VOD để xem phim.
Theo ông Filippo Giachi, phó chủ tịch DOCOMO Digital tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi, khoảng 59% người từ 16 đến 64 tuổi ở Việt Nam đã mua hàng trực tuyến qua thiết bị di động của họ. Điều đó, kết hợp với mức độ sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam tạo cơ hội đáng kể cho các nhà cung cấp dịch vụ phim trực tuyến để ký thêm khách hàng bằng cách cung cấp các gói đăng ký và mua nội dung thông qua các mối quan hệ thanh toán trực tiếp cho nhà cung cấp dịch vụ (DCB) với nhiều nhà viễn thông.
Tiềm năng tăng trưởng dài hạn trong mảng này là vô cùng hấp dẫn. Statista ước tính rằng tỷ lệ đăng ký trả tiền VOD như Netflix, FPT Play tại Việt Nam là 4,5% dân số vào năm 2019, dự kiến sẽ đạt 5,6% vào năm 2024. Hơn nữa, doanh thu trung bình trên mỗi người dùng (ARPU) sẽ tăng từ 15,90 USD lên 21,24 USD.
Cuộc cạnh tranh của các “ông lớn” trong ngạch streaming phim có bản quyền
Trong ngạch streaming phim có bản quyền hiện nay, hàng loạt các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước đang đầu tư thêm vào các website, app xem phim trong vài năm đổ lại gần đây. Khán giả có thể dễ dàng bắt gặp các dịch vụ xem phim có trả tiền như Keeng Movies, Viettel TV hay FPT Play.
Nghiên cứu của Kadence International cho biết 84% số người tham gia phỏng vấn có nhu cầu đăng ký dịch vụ xem phim có bản quyền. Đáng chú ý, 43% số người trả lời họ sẽ đăng ký thêm ít nhất một tài khoản xem phim mới dù đang sở hữu một tài khoản ở dịch vụ khác.
Với xu hướng sử dụng dịch vụ có bản quyền đang tăng, đặc biệt là ở thế hệ GenZ , các ông lớn trong nước như FPT Play hay VTVcab ON cũng đầu tư nhiều vào việc mua các phim nước ngoài hay sản xuất các phim độc quyền để phục vụ nhu cầu đa dạng của khán giả. Cũng trong báo cáo của Kadence International, có đến 63% số khán giả lựa chọn đăng ký một dịch vụ xem phim mới để tiếp cận với phim mà họ yêu thích. 40-42% sẽ đăng ký một dịch vụ xem phim vì nội dung đặc biệt hoặc không có ở chỗ khác.
Bảng giá top 5 dịch vụ xem phim có bản quyền phổ biến nhất tại Việt Nam. Nguồn: Kadence International
Hiện nay, “ông lớn” Netflix cũng đầu tư mạnh vào thị trường Việt Nam để tiếp cận với lượng lớn khán giả tiềm năng, đặc biệt là các GenZ. Theo Campaign Asia, kể từ đầu năm 2020 đến nay, số người đăng ký Netflix tại Việt Nam tăng hơn 60%, cán mốc 1 triệu người sử dụng có trả phí.
Đối đầu với Netflix, FPT Play cũng không ngừng đưa ra các chiến lược mới để có thể tiếp cận với nhiều khán giả hơn nữa. FPT Play cũng đã mua bản quyền của nhiều phim Nhật, Hàn đặc biệt là các anime để có thể “hút” lượng khán giả trẻ. Nhờ vậy, trong nửa đầu năm 2021 đến nay, FPT Play đã cán mốc 1,35 triệu lượt tải app trên các thiết bị di động. Trong đó, lượng người xem có trả tiền của FPT cũng cao nhất trên thị trường Việt Nam, theo sau là Netflix.
Xếp hạng các dịch vụ xem phim có lượng người dùng trả tiền cao nhất tại Việt Nam. Nguồn: Decision Lab.
Với giá thành rẻ hơn, khoảng 100.000 đồng/ tháng, FPT Play đã cạnh tranh về giá với Netflix khi nhiều khán giả trẻ Việt còn còn đắn đo trong việc bỏ 180.000-360.000 đồng/ tháng cho Netflix, theo Decision Lab.
Khán giả trẻ Việt Nam hiện nay cũng sẵn sàng bỏ tiền cho các nội dung cao cấp và độc quyền mà Netflix cung cấp. Trong báo cáo quý 1 năm 2021, Decision Lab chỉ ra 12% khán giả GenZ tham gia cho biết đã sử dụng các dịch vụ trong nước như FPT Play, Zing TV để xem phim, giảm đi nhiều so với con số 31% của cùng kỳ năm ngoái.