Là chủ doanh nghiệp top đầu trong mảng xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam nhưng tập đoàn Minh Phú cũng không thể nào tránh khỏi thế khó trong mảng logistics.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Minh Phú trần tình tại hội nghị Cắt giảm chi phí logistics - Giải pháp tối ưu nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt" như sau: Một container tôm từ Việt Nam sang Mỹ chỉ hết 41 triệu đồng, từ Việt Nam sang cảng Hamburg (Đức, PV) hết 41 triệu đồng, sang Nhật Bản là 16 triệu đồng, nhưng từ TP.HCM ra Hà Nội mất 80 triệu đồng, gấp nhiều lần so với vận chuyển quốc tế".
Tương tự như vậy, một container tôm từ TPHCM đến biên giới Trung Quốc mất 100 triệu đồng, trong khi Ecuador cũng vận chuyển sang Trung Quốc nhưng chi phí chỉ bằng một nửa dù quãng đường của Ecuador xa hơn Việt Nam.
"Vua tôm" Lê Văn Quang lý giải nguyên nhân đẩy chi phí vận chuyển nội địa cao là do Việt Nam có quá nhiều trạm thu phí đường bộ từ Nam ra Bắc. Trong khi đó, hệ thống đường biển, đường sông của nước ta rất thuận lợi để lưu thông hàng hóa nhưng lại không phát huy tác dụng do không có cảng nội địa.
"Vận chuyển đường sông chi phí chỉ bằng 1/10 đường bộ nhưng không có quy hoạch. Nếu có thì hàng hóa đi từ TPHCM, Cần Thơ ra tới Hải Phòng, xong từ đó vận chuyển đi tiếp sẽ rất nhanh, và giá rẻ hơn nhiều".
Theo khảo sát của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), chi phí logistics chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí các mặt hàng nông sản. Đối với vải thiều, chi phí logistics chiếm 30-45% tổng chi phí; mít tươi chiếm 17%, phân bón 12-25%; thanh long đông lạnh 10-20%; nước ép trái cây chiếm 20%; quế hồi, gia vị trên dưới 10%; nông sản khác từ 10-45%...
Nhận định thêm về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng lĩnh vực nông sản là nhóm ngành nổi bật với giá trị thấp nhưng chi phí bảo quản, vận chuyển… đang quá cao. Nguyên nhân một phần do áp lực về mặt thời gian, đòi hỏi các yêu cầu vận chuyển chuyên nghiệp hơn những hàng hóa thông thường như cần có kho lạnh, kho mát,…
Mặt khác là do hạ tầng còn yếu và phân bổ không đều. "Có doanh nghiệp chia sẻ, nhìn ra miền Trung họ thấy thèm bởi miền Trung hàng hóa ít nhưng cảng nhiều, ngược lại đồng bằng sông Cửu Long nông sản hàng hóa dồi dào nhưng cảng lại có rất ít", ông Trần Thanh Hải chia sẻ.
Một trong những giải pháp để tháo gỡ vấn đề logistics trong lĩnh vực nông sản được ông đưa ra là tích cực đầu tư các trung tâm logistics nông sản quy mô lớn, tập trung, phục vụ cho cả một vùng giúp hàng hóa nông sản đảm bảo yếu tố lưu trữ, thời gian bảo quản dài, từ đó mới phân phối về các siêu thị, cửa hàng. Bên cạnh đó, cần nhìn nhận vai trò của hình thức vận chuyển bằng đường biển và đường sông để có sự đầu tư phù hợp.