Sau khi định cư tại Los Angeles năm 1979, ông David Tran thành lập Huy Fong Foods (đặt tên theo con tàu đã đưa ông đến Mỹ) và bắt đầu sản xuất tương ớt cho các nhà hàng châu Á địa phương. Ông đã kiếm được 2.300 USD trong tháng đầu tiên bán hàng từ chiếc xe tải màu xanh được trang trí bằng tay với biểu tượng thương hiệu là chú gà trống (do David sinh năm con gà trống).
Theo một nhà nghiên cứu trong ngành, giờ đây sau gần bốn thập kỷ, Huy Fong đang kiểm soát 9,9% thị trường tương ớt trị giá 1,55 tỷ USD của Mỹ. Ông David chia sẻ: "Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng Sriracha lại nổi tiếng như vậy. Khi rời Việt Nam, tôi không biết trước được tương lai sẽ ra sao, bởi vậy đối với tôi sự thành công ngày hôm nay là một điều ban phước lành của Chúa".
Ông David Tran - người tạo ra sản phẩm tương ớt Sriracha "thần thánh".
Nhà máy Huy Fong ở Irwindale, California hoạt động tới 16 tiếng/ngày, hầu hết các ngày trong tuần và sử dụng khoảng 45 triệu tấn ớt mỗi năm.
Cách đó gần 13.000 km tại một vùng ngoại ô của Bangkok, công nhân của một nhà máy sản xuất đang đóng hộp những chai tương ớt tên là Sriraja Panich với nhãn hiệu màu đỏ và vàng kết hợp.
Đa số người Mỹ chưa từng nghe đến thương hiệu tương ớt Thái Lan tự nhận là đơn vị sở hữu công thức Sriracha nguyên bản này và đây là điều mà gia đình sở hữu thương hiệu hy vọng sẽ thay đổi trong tương lai gần.
Bancha Winyarat - Phó chủ tịch của Thaitheparos PCL.
Bancha Winyarat, Phó chủ tịch 33 tuổi của công ty Thaitheparos PCL sở hữu thương hiệu Sriraja Panich cho biết: "Nếu có thể chiếm được dù chỉ 1% thị phần ở Mỹ thì đó sẽ là một điều tuyệt vời với chúng tôi". Gia đình Winyarat sở hữu phần lớn nhà sản xuất tương ớt Sriraja Panich với giá trị thị trường khoảng 250 triệu USD.
Theo trang web của công ty, Sriracha được tạo ra lần đầu tiên cách đây 80 năm bởi Thanom Chakkapak, một phụ nữ sống tại thị trấn ven biển Si Racha cách Bangkok 117 km về phía nam. Sau đó, cha của Bancha đã mua công thức Sriraja Panich của Thanom vào năm 1984, một năm sau khi ông David sản xuất loại tương ớt của riêng mình tại Los Angeles. Bancha cho biết nước tương chiếm phần lớn doanh thu của Thaitheparos và tương ớt chỉ chiếm 5%, tuy nhiên đây vẫn là thương hiệu địa phương phổ biến nhất.
Trong khi ông vua tương ớt tại Mỹ Sriracha mở rộng tại thị trường châu Á thì Thaitheparos lại đang nhắm tới thị trường Mỹ và cả hai công ty đều phải đối diện với thị hiếu khác nhau cũng như lòng trung thành với thương hiệu của người tiêu dùng.
Suntaree Tantichula, một đầu bếp người Thái tại một nhà hàng ở Illinois cho biết mình thích tương ớt của Thái Lan nhưng người Mỹ có thể thích sản phẩm của Huy Fong hơn vì đó là hương vị mà họ đã quen thuộc từ lâu.
Từ một mặt hàng chủ lực trên bàn ăn của các nhà hàng châu Á tại Los Angeles, Sriracha đã trở thành một hiện tượng trên toàn nước Mỹ. Không nhiều người tin rằng một trong những bí quyết thành công của loại tương ớt này là nhờ chiến lược "không quảng cáo sản phẩm" của công ty. Đối với Huy Fong, chỉ cần tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, khách hàng sẽ quảng cáo "miễn phí" thay họ.
Doanh thu của Huy Fong đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2013 nhờ sự nổi tiếng ngày càng gia tăng của Sriracha.
Theo các nhà phân tích, việc mọi người truyền tai nhau về sản phẩm của Huy Fong đã đem lại lợi thế không hề nhỏ cho công ty trong một ngành mà quảng cáo đóng vai trò vô cùng quan trọng như ngành công nghiệp thực phẩm.
Ông David cho biết thêm Huy Fong và nhà cung cấp ớt độc quyền suốt 28 năm là Underwood Ranches đã chấm dứt quan hệ hợp tác do một số bất đồng và công ty này đã tự tạo ra sản phẩm tương ớt của riêng mình. Ngoài ra, một vài năm trở lại đây, hai công ty còn liên quan đến cuộc chiến pháp lý về các khoản thanh toán tạm ứng và thiết bị nhà máy.
Ông chủ của Huy Fong đã nhận được nhiều lời đề nghị mua lại công ty nhưng sau khi cân nhắc, ông quyết định truyền lại việc kinh doanh cho các con. Mặc dù ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh nhưng ông không cảm thấy quá lo ngại về vấn đề này: "Tôi không bao giờ lo lắng về việc họ bán được bao nhiêu bởi chúng tôi quá bận rộn. Tôi biết mình không thể sản xuất đủ để đáp ứng nhu cầu, vì vậy, hãy cứ để họ cùng tham gia và chúng tôi cùng nhau phục vụ người tiêu dùng".