Cơn sốt giá cà phê hiện nay chưa biết sẽ kéo dài đến đâu khi nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng so với nhu cầu. Nếu như năm ngoái, phải tới tháng 6, tháng 7, hiện tượng "hết hàng" cà phê mới xảy ra thì năm nay xảy ra sớm hơn.
Theo thống kê, xuất khẩu cà phê có dấu hiện giảm từ tháng 3-2024. Cụ thể, trong tháng này, các doanh nghiệp xuất khẩu được khoảng 185.281 tấn cà phê , kim ngạch xuất khẩu khoảng 680,86 triệu USD - giảm 11,9% về lượng nhưng tăng 41,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 579.449 tấn cà phê , kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,93 tỉ USD - tăng 4,9% về lượng và tăng 57,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, cà phê Robusta nhiều nhất với 515.164 tấn, kim ngạch trên 1,57 tỉ USD; còn cà phê nhân Arabica chỉ xuất khẩu 16,474 tấn, kim ngạch trên 69,27 triệu USD.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, 10 doanh nghiệp dẫn đầu về khối lượng xuất khẩu cà phê nhân sống là: Vĩnh Hiệp, Simexco Daklak, Louis Dreyfus Company Việt Nam, Tuấn Lộc Commodities, Intimex Group, Intimex Mỹ Phước, NKG Việt Nam, Phúc Sinh, Olam Việt Nam và Mascopex.
Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân sống hàng đầu, thừa nhận lượng hàng trong kho của doanh nghiệp chỉ đủ bán đến khoảng tháng 5, trong khi phải đến tháng 10-2024 mới đến vụ thu hoạch cà phê mới.
"Năm nay, chúng tôi dự kiến "nghỉ" xuất khẩu sớm vì hết hàng. Đây là điều chưa từng có vì những năm trước, lượng hàng của doanh nghiệp đủ để bán đến cuối vụ là tháng 8, tháng 9" – ông Hiệp nói.
Ông Hiệp cho rằng đây là minh chứng cà phê 2023-2024 thực sự mất mùa dù nhiều người vẫn chưa tin điều này vì cho rằng cà phê vẫn đang còn được trữđâu đó. Theo ông Hiệp, sản lượng cà phê Việt Nam vụ 2023-2024 bị hụt từ 17%-20% do năng suất giảm và nhiều diện tích trồng cà phê đã bị chuyển đổi sang cây trồng khác.
Lãnh đạo Công ty Simexco Daklak cũng cho biết lượng hàng của doanh nghiệp chỉ đủ để bán đến tháng 6-2024.
Các chuyên gia dự báo giá cà phê vẫn tiếp tục ở mặt bằng cao khi nguồn cung chưa thể cải thiện trong vài năm tới.