Vực dậy niềm tin vào trái phiếu doanh nghiệp

24/11/2022 08:39
Doanh nghiệp đang tích cực triển khai phương án xử lý trái phiếu đến hạn để cứu dòng tiền và góp phần ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Bên cạnh tăng cường huy động vốn trên thị trường quốc tế, nhiều doanh nghiệp (DN) còn chủ động triển khai phương án tái cấu trúc nợ, như: gia hạn kỳ hạn thanh toán nợ gốc với lãi suất mới, chuyển đổi thành hợp đồng cho vay dài hạn với lãi suất mới, chuyển đổi sang sản phẩm bất động sản...

Nhiều phương án tích cực

Dữ liệu tổng hợp của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy trong nửa đầu tháng 11-2022 có 2 đợt phát hành trái phiếu DN riêng lẻ với tổng khối lượng phát hành vỏn vẹn 150 tỉ đồng. Tính từ đầu năm tới nay, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là 10.599 tỉ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 240.955 tỉ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, nửa đầu tháng 11, các DN đã mua lại hơn 7.500 tỉ đồng trái phiếu trước hạn. Từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu trước hạn được DN mua lại là 159.401 tỉ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vực dậy niềm tin vào trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp bất động sản mong muốn Chính phủ đẩy nhanh phê duyệt các dự án mới để giảm bớt áp lực về thanh khoản, góp phần tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.Ảnh: TẤN THẠNH

Xu hướng mua lại trái phiếu trước hạn không chỉ diễn ra đối với các DN niêm yết mà cả các tổ chức tín dụng. Dự kiến ngày 24-11, Ngân hàng (NH) TMCP Bưu điện Liên Việt sẽ mua lại 1.814 tỉ đồng trái phiếu sau 2 năm phát hành theo quyền mua lại của tổ chức phát hành, mức giá mua lại chính là mệnh giá (10 triệu đồng/trái phiếu). Danh sách người sở hữu trái phiếu đã được NH này chốt vào ngày 15-11.

Ngày 21-11 vừa qua, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) thông báo vừa tất toán khoản vay vốn lưu động 120 tỉ đồng từ một tập đoàn tài chính đến từ Hàn Quốc, được bảo đảm bằng cổ phiếu PDR. PDR cũng đã tất toán một khoản vay tương tự trị giá 100 tỉ đồng cho tập đoàn tài chính này. Theo PDR, những khoản vay phát sinh lãi, bao gồm cả trái phiếu, hiện có tổng dư nợ chiếm khoảng 21% cơ cấu nguồn vốn tài trợ cho công ty. Việc thanh toán lãi và gốc của những khoản vay lâu nay vẫn đúng hạn. "Hết quý III/2022, dư nợ vay dài hạn và tổng dư nợ trái phiếu chiếm lần lượt 58% và 54% tổng dư nợ vay của DN. Các trái phiếu phát hành được bảo đảm bằng cổ phiếu PDR, ban lãnh đạo đã thông qua chủ trương bổ sung tài sản bảo đảm là cổ phiếu PDR và bất động sản" - thông cáo của PDR nêu.

Theo đơn vị xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, áp lực đáo hạn trái phiếu bất động sản đang là tâm điểm của thị trường. Tổng giá trị trái phiếu bất động sản đáo hạn sau ngày 15-11 đến 31-12 là 21.850 tỉ đồng. Tuy số dư này không lớn nhưng áp lực vẫn duy trì ở mức đáng kể trong các năm 2023 và 2024. FiinRatings kỳ vọng các biện pháp tái cấu trúc nợ sẽ được thực hiện sớm. Thực tế, nhiều phương án tái cấu trúc nợ đã được triển khai khá tích cực, như: gia hạn kỳ hạn thanh toán nợ gốc với lãi suất mới, chuyển đổi thành hợp đồng cho vay dài hạn với lãi suất mới, chuyển đổi sang sản phẩm bất động sản... FiinRatings đánh giá những phương án này giúp giải quyết áp lực dòng tiền trả nợ trong ngắn hạn trước yêu cầu tất toán trước hạn của nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu.

Thị trường gần đây còn ghi nhận diễn biến khá sôi động từ việc huy động vốn vay quốc tế. Tính riêng 10 giao dịch huy động vốn vay quốc tế thành công vừa qua từ các thương vụ của Masan, VPBank, SeABank, Novaland... đã có tổng giá trị 1,91 tỉ USD.

Bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư

Nhận định về thị trường chứng khoán, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích Công ty CP Chứng khoán VNDirect (VND), nêu rõ thị trường đang chịu không ít áp lực khi DN bất động sản khó tiếp cận nguồn vốn để tái cấu trúc bởi quy định về phát hành trái phiếu DN được thắt chặt và kênh vay vốn NH không còn nhiều dư địa. Điều này khiến thị trường chứng khoán suy giảm thanh khoản và điểm số.

Các chuyên gia của VND cho rằng một trong những đặc thù của thị trường cận biên và mới nổi như Việt Nam là sự tham gia rất lớn của nhóm nhà đầu tư cá nhân mới. Đây là nhóm năng động, hiểu biết về công nghệ, có khả năng tiếp cận, thích ứng và học hỏi nhanh nhưng thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chưa trải qua những giai đoạn khó khăn của thị trường. Đặc biệt, tâm lý nhà đầu tư mới thường bị dẫn dắt bởi yếu tố "tin đồn", ít quan tâm đến phương pháp đầu tư dài hạn, dẫn đến đà bán tháo lan rộng.

Để thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân trong nước, theo chuyên gia của VND, cơ quan quản lý cần thực hiện đồng bộ các giải pháp mang tính căn cơ, bền vững. Cụ thể, hoàn thiện, đưa vào vận hành Hệ thống giao dịch chứng khoán mới (KRX), thúc đẩy giao dịch T+2 (cổ phiếu về từ buổi sáng) thay vì T+2,5 (cổ phiếu về buổi chiều) như hiện tại, triển khai sản phẩm mới hấp dẫn và thúc đẩy lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi.

"Cần tăng cường giám sát, xử lý hành vi vi phạm, thao túng thị trường để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nâng cao chuẩn mực và chất lượng công bố thông tin của thành viên trên thị trường, tạo điều kiện cho mọi nhà đầu tư có quyền bình đẳng về tiếp nhận thông tin. Đồng thời, có chính sách thúc đẩy sự hình thành của tổ chức đầu tư, nhà đầu tư chuyên nghiệp nhằm nâng cao tính ổn định và bền vững của thị trường" - bà Trần Khánh Hiền góp ý.

Tại cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về giải pháp ổn định thị trường chứng khoán chiều 23-11, liên quan việc phát hành trái phiếu DN riêng lẻ, ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM, cho rằng các tổ chức phát hành phải là người chịu trách nhiệm trả nợ trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư chứ không phải trách nhiệm của nhà nước. "Dù dòng tiền của các DN đang gặp khó khăn nhưng phải tìm cách xoay xở để có nguồn tài chính thực hiện cam kết với nhà đầu tư trái phiếu. Chỉ khi thực hiện đúng cam kết với nhà đầu tư thì mới lấy lại được niềm tin của họ, từ đó vực dậy và giúp thị trường trái phiếu DN phát triển" - ông Bình nói.

Ông Lê Quốc Bình kiến nghị cơ quan quan lý nhà nước thúc đẩy giải quyết hồ sơ pháp lý cho các dự án, nhất là dự án bất động sản, để DN có thể đưa sản phẩm ra thị trường, thu hồi vốn và thực hiện nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi trái phiếu DN cho nhà đầu tư theo kỳ hạn cam kết.

Ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital, cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang phản ánh quá tiêu cực về tác động của việc kiểm soát tín dụng đối với DN bất động sản. Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản đóng góp chưa đến 10% GDP của Việt Nam, nhu cầu đối với nhà ở mới vẫn rất mạnh và giá vẫn ổn định. Mặt khác, đà tăng trưởng vẫn duy trì ở mức 8% vào năm 2022 và gần 6% vào năm 2023 trong khi lợi nhuận của DN bất động sản trong năm nay và năm sau dự báo khoảng 17%. "Chính phủ có thể đẩy nhanh phê duyệt các dự án mới để giảm bớt áp lực về thanh khoản cho DN bất động sản. Về cơ bản, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn lành mạnh dù phải đối mặt với nhiều vấn đề trước mắt" - ông Michael Kokalari nhìn nhận.

Kêu gọi doanh nghiệp "cùng cố gắng"

Tại cuộc họp vào chiều 23-11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận niềm tin của nhà đầu tư với trái phiếu và cổ phiếu đang rất thấp. Việc một số DN có sai phạm trên thị trường chứng khoán và trong hoạt động phát hành trái phiếu DN đã ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư, dẫn đến dòng tiền bị rút khỏi thị trường.

Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính vẫn khẳng định thị trường trái phiếu DN đã từng bước phát triển để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho DN và nền kinh tế. Trước diễn biến của thị trường, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc kêu gọi DN tham gia thị trường trái phiếu "cùng cố gắng để lấy lại niềm tin của thị trường, niềm tin của nhà đầu tư, chung tay thúc đẩy thị trường phát triển".

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết trên cơ sở kiến nghị của các DN, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ, Thủ tướng để đưa ra những giải pháp trước mắt và dài hạn nhằm củng cố niềm tin và đưa thị trường tiếp tục phát triển bền vững. Quan trọng hơn cả là bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư để họ sớm quay lại thị trường, qua đó giữ vững vai trò của thị trường trái phiếu là kênh huy động vốn quan trọng.

"Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ rà soát khung pháp lý, đề xuất sửa đổi Luật Chứng khoán, Nghị định 65/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế để góp phần giúp thị trường tiếp tục ổn định và phát triển" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cam kết.

Tin mới

"Gà đẻ trứng vàng" của VinFast đến tay khách Indonesia, hãng xe Việt chạy nước rút bàn giao 80.000 chiếc
6 giờ trước
Mở rộng và thu hút tại nhiều thị trường cùng với kỷ lục về doanh số trong các tháng cho thấy VinFast đang bứt tốc cho mục tiêu 80.000 xe bàn giao cho khách hàng đến cuối năm nay.
Phụ phẩm tôm lâu nay toàn bỏ đi hóa ra giá trị cả tỷ USD
4 giờ trước
Với sản lượng hàng trăm nghìn tấn mỗi năm, phụ phẩm tôm đem chế biến sâu sẽ cho ra những sản phẩm có giá trị cao gấp nhiều lần, mang về cả tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, thực tế hiện giá trị phụ phẩm tôm mang lại còn quá khiêm tốn, hiện 70% chỉ dành cho chăn nuôi.
Chủ xe Defender lái 7.000km xuyên Việt Nam - Thái Lan: ‘Chạy địa hình sướng, có đoạn vượt 4.000 khúc cua, vẫn còn điểm bất tiện’
4 giờ trước
Anh Nguyễn Hoàng Anh - Chủ nhân chiếc Porsche 911 Dakar đầu tiên Việt Nam, vừa hoàn thành chuyến đi từ Việt Nam qua Lào rồi Thái Lan bằng chiếc Defender.
Hiện tượng lạ thường về xuất khẩu cà phê Việt Nam
3 giờ trước
Hiện tượng khác thường là giá cà phê tăng cao nhưng sản lượng xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân vì sao?
Đại biểu Quốc hội đề xuất lùi thời gian đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với bia
2 giờ trước
Theo Đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp phải có thời gian nhất định để cơ cấu lại sản phẩm, nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia ngay từ 2026 thì không hợp lý.

Tin cùng chuyên mục

Nóng: Novaland đạt thỏa thuận gia hạn 2 lô trái phiếu đầu tiên
24/03/2023 12:39
Lần đầu tiên, Novaland đạt thỏa thuận với trái chủ trong việc gia hạn thời gian đáo hạn với 2 lô trái phiếu có tổng giá trị 1.750 tỷ đồng.
Startup xe đạp trợ lực Wiibike của nữ CEO xinh đẹp từng được Shark Phú "săn đón" hiện kinh doanh ra sao?
24/03/2023 10:47
Sau 1 năm lên sóng Shark Tank mùa 4, Startup Wiibike của nữ CEO xinh đẹp Thu Hằng đã tăng doanh thu hơn 6 lần. Công ty này cũng mở nhượng quyền mô hình cà phê xe đạp.
Cơn đau đầu của Starbucks: Khách hàng chỉ 'tự thưởng' ly cà phê giá 100.000 đồng 1 lần/tuần, chịu thua trước những chuỗi bán giá 17.000 đồng/ly
24/03/2023 09:39
Starbucks đang ở trong cuộc chiến giá khốc liệt khi cà phê của họ được liệt vào dạng "bán xa xỉ".
Con đường nào đưa Toshiba từ biểu tượng về thiết bị điện tử, năng lượng hạt nhân... đến bán mình, hủy niêm yết?
24/03/2023 09:02
Không chỉ tại Việt Nam mà ở nhiều nơi trên toàn thế giới, cái tên Toshiba là sự đảm bảo cho chất lượng của những sản phẩm điện máy. Với lịch sử gần 150 năm tuổi, Toshiba đã gây dựng được thương hiệu của mình ở khắp nơi.