Ngày 8/8, ngọn lửa Olympic đã tắt, khép lại một kỳ Thế vận hội đặc biệt bậc nhất trong lịch sử khi diễn ra trong bối cảnh đại dịch. Sau khi bị trì hoãn hồi năm 2020, các nhà tổ chức hy vọng Olympic Tokyo sẽ trở thành biểu tượng cho cách loài người vượt qua được đại dịch. Tuy nhiên, tuyên bố này đã được chứng minh là còn quá sớm.
Nhìn vào thực tế, Thế vận hội diễn ra giữa những phản đối của người dân và các sân thi đấu thì vắng bóng khán giả. Olympic Tokyo 2020 dường như trở thành một ví dụ điển hình về những tác động của Covid-19.
Đối với Nhật Bản, Olympic Tokyo 2020 sẽ để lại những dấu ấn vui buồn lẫn lộn. Quốc gia này đã thiết lập được một số những kỷ lục đáng nhớ như giành được 27 HCV trên tổng số 58 huy chương. Hai con số này đều là số huy chương nhiều nhất trong các kỳ tham gia Thế vận hội của Nhật Bản.
Nhật Bản cũng có một vận động viên đoạt HCV trẻ tuổi nhất từ trước đến nay là Nishiya Momiji, vận động viên trượt ván 13 tuổi. Song, Nhật Bản cũng ghi nhận con số cao kỷ lục về ca nhiễm Covid-19 là 15.700 ca một ngày, ngay trước lễ bế mạc.
Số người phản đối các cuộc thi đấu đã giảm, nhưng không hoàn toàn được thay thế bằng sự cổ vũ nồng nhiệt. Mặc dù bị cấm vào sân xem trực tiếp các cuộc thi đấu, những người hâm mộ thể thao đã tụ tập tại các địa điểm ngoài trời để cố gắng nhìn thoáng qua các vận động viên xe đạp, điền kinh hoặc trượt ván. Tuy nhiên, sự nồng nhiệt đó không đủ lan tỏa đến toàn bộ sự kiện như các nhà lãnh đạo Nhật Bản hy vọng.
Vào đêm khai mạc, một hàng dài người biểu tình đã diễu hành đến sân vận động. Trong những khoảnh khắc yên tĩnh của buổi lễ, trong sân vận động vắng khán giả có thể thoáng nghe thấy tiếng hô "Dừng Thế vận hội!".
Cùng một con phố đó, ở xa hơn, những người yêu thích sự kiện tụ tập, phát trực tiếp về buổi lễ bằng điện thoại của họ, xem pháo hoa và màn biểu diễn bằng thiết bị bay không người lái trên bầu trời.
Các quan chức đã vui mừng vì Thế vận hội đã không trở thành một sự kiện siêu lây nhiễm như một số lo ngại trước đó. Trong số 50.000 người từ hơn 200 quốc gia đến Nhật Bản tham dự Olympic, có 436 người dương tính với Covid-19, và phần lớn là công dân Nhật Bản. Mặc dù một vài vận động viên, trong đó có đội bơi nghệ thuật của Hy Lạp, bị dương tính với Covid-19 và phải rút lui, thì các cuộc thi đấu khác đã diễn ra suôn sẻ.
Một số ít vận động viên và nhân viên đã bị phạt vì vi phạm quy định về phòng chống Covid-19, nhưng không có bằng chứng về những vi phạm này là nguyên nhân gây ra lây nhiễm cho số đông.
Mặc dù tình hình của Thế vận hội được kiểm soát, bên ngoài bong bóng Olympic, sự lây lan của biến thể Delta đã khiến các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Tuần trước, chính phủ đã ra quyết định rằng những bệnh nhân nặng hoặc có nguy cơ tử vong cao mới được đưa vào bệnh viện (tỷ lệ tử vong tương đối thấp). Những người khác phục hồi tại nhà. Vào ngày 2/8, tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và Okinawa đã được mở rộng để bao gồm thêm bốn quận nữa. Đây là lần thứ tư Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp.
"Hơi vắng vẻ", đó là cảm nhận của anh Iizuka Masaki, người sưu tầm đồ lưu niệm thể thao. Khi đội bóng chày Nhật Bản và Mỹ đối đầu vào ngày 3/8 tại Yokohama, những tiếng động ồn ào gần sân vận động chỉ là tiếng ve kêu. Một Thế vận hội vắng bóng khán giả sẽ là một trong những hình ảnh đáng nhớ nhất của lịch sử Olympic, một hình ảnh lưu giữ nhiều vui buồn của nước chủ nhà Nhật Bản.
Tham khảo The Economist