Họ được gọi là những headhunter (một khái niệm được tạm dịch là “săn đầu người”). Theo những người trong nghề, công việc hấp dẫn nhưng để trụ được với nghề là không hề đơn giản khi có tới trên 50% người tham gia đã phải chuyển việc.
Cũng theo những người trong ngành tuyển dụng nhân sự, mức lương của người làm nghề “săn đầu người” có thể lên tới 1.000 đô la Mỹ/tháng, chưa kể các khoản thưởng từ những thương vụ “mai mối” thành công giữa ứng viên và khách hàng, thường chiếm từ 8-15% tổng chi phí khách hàng phải bỏ ra. Do đó, càng “chốt” được nhiều hợp đồng thì thu nhập của các thợ săn đầu người càng cao, và mức này không bị giới hạn mỗi tháng. Tuy nhiên, các headhunter, dù là những người có kinh nghiệm, cũng vẫn thường bị “bầm dập” với những thương vụ bất thành.
Trầy trật với nghề
Chị Hiền, hiện đang làm trưởng nhóm tuyển dụng cho một công ty “săn đầu người” có tiếng, kể câu chuyện dở khóc dở cười mà mỗi lần nghĩ lại chị thấy vừa hài hước nhưng cũng không kém phần tiếc nuối vì công sức cả năm trời theo đuổi.
Trước đó chị nhận được yêu cầu tìm kiếm vị trí quản lý cho một tập đoàn thép đa quốc gia có trụ sở ở Hà Tĩnh. Sau thời gian dài tìm kiếm ứng viên, chị Hiền tìm được ứng viên đang làm việc tại Hà Nội phù hợp với các tiêu chí tuyển dụng của khách hàng, từ trình độ, kinh nghiệm, động lực chuyển đổi, thậm chí ứng viên này và bạn gái cùng quê Hà Tĩnh.
Sau gần một năm thương thảo với cả khách hàng và ứng viên, đặt vé máy bay ba, bốn lần cho ứng viên sang Thái Lan gặp người quản lý cấp cao của công ty để phỏng vấn, hai bên đã tiến tới ký kết thư mời làm việc. Rồi khi sắp đến ngày đi làm thì bỗng ứng viên đó... “xin lỗi” là không thể nhận công việc.
Hỏi nguyên nhân thì do bạn gái của ứng viên “lỡ” có bầu và người bạn gái đó mong muốn một cuộc sống độc lập cùng chồng tại Hà Nội thay vì về quê hương sống cùng gia đình nhà chồng. Chị Hiền cho hay: “Khi gặp phải tình huống đó, mình chỉ biết chúc phúc cho đôi bạn trẻ mặc dù về phía mình thì phải hủy bỏ thư mời nhận việc, công sức theo đuổi yêu cầu tuyển dụng hơn năm trời đành đổ sông đổ biển”.
Hay như trường hợp của chị Vân Lê, người đã có chín năm kinh nghiệm trong nghề tuyển dụng nhưng cũng không lường hết được những tình huống trớ trêu của nghề.
Chị Lê kể, khách hàng của chị là một công ty lớn trong ngành tiêu dùng nhanh (FMCG), cần tìm ứng viên cho vị trí phó tổng giám đốc. Vị trí này cần ứng viên vừa có năng lực, vừa phải có kinh nghiệm làm việc tại các công ty đa quốc gia mà vẫn phải thích nghi tốt với văn hóa trong công ty Việt Nam.
Theo chị Lê, việc tìm kiếm ứng viên cho vị trí này là không dễ. Cuối cùng, sau những nỗ lực để “săn” các ứng viên từ các mối quan hệ và mạng lưới riêng của mình, chị đã có được một ứng viên khá phù hợp. Khách hàng cũng hài lòng với ứng viên. Mọi việc tưởng êm xuôi, bất ngờ chị Lê lại nhận được thông báo từ khách hàng rằng ứng viên đó là người thuộc công ty đối tác - mà đối tác này hiện đang là cổ đông lớn của công ty khách hàng. Vì thế, trường hợp ứng viên trên được coi như “người nhà” của khách hàng và không được tính phí tuyển dụng cho công ty của chị được. Sau khi cân nhắc, chị Lê đã đồng ý với đề nghị của khách hàng dù chấp nhận phần thiệt thuộc về mình và cũng vì mối quan hệ lâu dài với khách hàng.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều sự cố mà những người làm trong ngành headhunt gặp phải.
Theo bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc miền Bắc của Navigos Search, đặc điểm của nghề “mai mối” này là phải tư vấn đồng thời cho cả khách hàng lẫn cho ứng viên. Và cái khó là các headhunter luôn bị động với những quyết định của họ. Nhiều khi tưởng đã kết nối thành công giữa hai bên nhưng cuối cùng tan rã. “Nhà tư vấn tuyển dụng đã cùng với ứng viên trải qua tất cả công đoạn tuyển dụng khắt khe mà vẫn luôn có những rủi ro tiềm ẩn”, bà Lan nói về trường hợp vừa phải tìm người mới khác cho khách hàng, vừa áy náy với ứng viên khi họ đã nghỉ việc chỗ cũ và phải hỗ trợ ứng viên tìm một công việc mới.
Theo bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc toàn quốc, Dịch vụ tuyển dụng và tư vấn nhân sự của ManpowerGroup Việt Nam, tố chất cần nhất đối với một headhunter là đam mê với nghề. Đây là công việc thú vị và luôn mới mẻ, được gặp gỡ nhiều người và có cơ hội phát triển các kỹ năng đa dạng, đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều áp lực, đặc biệt tuân thủ nghiêm ngặt về tính chuyên nghiệp.
Theo các công ty trong lĩnh vực headhunt, số người đáp ứng được những tiêu chí trong ngành tư vấn tuyển dụng này khá thấp, chưa kể tỷ lệ nghỉ việc cao vì những yêu cầu rất khó của nghề nghiệp mà sau một thời gian tham gia họ thấy rằng không đáp ứng nổi.
Cần giỏi nhiều kỹ năng
Theo các công ty tuyển dụng, mỗi công ty đều có một cơ sở dữ liệu ứng viên cho mình, đặc biệt các công ty đa quốc gia thì cơ sở dữ liệu càng phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, đây chỉ là một nguồn hỗ trợ nhỏ trong việc xác định và tìm kiếm ứng viên cho khách hàng. Các tư vấn viên, tức các headhunter, phải có khả năng tìm kiếm thông tin thị trường, thông tin ứng viên để tìm ra người phù hợp. Đồng thời, tư vấn viên còn phải có khả năng tiếp cận để trao đổi cơ hội việc làm với ứng viên. Các tư vấn viên cũng phải thường xuyên gặp gỡ các ứng viên tiềm năng để xây dựng mối quan hệ và qua đó có được các thông tin cần thiết về thị trường.
Đặc biệt, theo bà Ngọc Lan của Navigos Search, các tư vấn viên còn được đào tạo khả năng “xem tướng” ứng viên.
Ứng viên sẽ được chia thành bốn nhóm được gọi tắt là “DISC”. Nhóm D (Dominance) là nhóm những ứng viên có khả năng ứng xử rất nhanh và lấn át người khác. Nhóm I (Influence) là nhóm ứng viên có khả năng gây ảnh hưởng, thích ngoại giao. Nhóm S (Steadiness) là nhóm ứng viên gồm những người chắc chắn, chậm rãi, thích ổn định, trung thành. Nhóm C (Compliance) là nhóm người có tính tuân thủ cao, có đầu óc phân tích logic.
“Tùy theo mỗi nhóm ứng viên mà các headhunter có những ứng xử sao cho phù hợp”, bà Lan nói. Bà ví dụ, ứng viên thuộc nhóm D là những người hành động nhanh và hướng tới kết quả, vì vậy cách giao tiếp của tư vấn viên với những ứng viên này cũng phải tương tự như vậy.
Theo những người trong nghề, ứng viên ở vị trí cấp quản lý càng cao thì họ càng khiêm tốn, làm việc với họ “dễ chịu hơn”. Họ hiểu được giá trị của mình và hiểu được vai trò của tư vấn viên đối với sự lựa chọn công việc mới của họ. Đối với những ứng viên vào vị trí cấp thấp hơn, đôi khi làm việc với họ không dễ vì có thể họ ít tiếp xúc với các nhà tư vấn tuyển dụng trước đó và đôi khi họ cũng chưa nắm rõ lộ trình nghề nghiệp mong muốn.
Lương vị trí cấp cao bắt kịp các nước khu vực Bà Hoàn Trần, Phó giám đốc Navigos Search miền Bắc, cho hay chế độ lương thưởng phúc lợi của thị trường lao động Việt Nam ở những vị trí quản lý nay đã gần tương đương với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia... Mức lương thưởng tăng theo năm, có thời điểm tỷ lệ này đã tăng trên 12% trong những năm 2010-2012 và gần đây đã giảm xuống còn khoảng 9%.Cơ cấu chế độ phúc lợi cũng đã thay đổi. Nếu như trước kia lương có thể là yếu tố quan tâm hàng đầu đối với ứng viên, thì nay có rất nhiều yếu tố khác để họ lựa chọn công việc. Đối với các ứng viên cấp cao, ngoài chế độ lương rất cao, ở một số vị trí, họ còn được hưởng bảo hiểm y tế trong nước và quốc tế dành cho cả gia đình, có lái xe riêng... Hiện nay một số công ty cổ phần cũng áp dụng cơ chế ESOP (Employee Stock Option Plan), theo đó các nhân viên được sở hữu cổ phần của công ty. Cơ chế này được xem là một trong những biện pháp tốt để giữ chân nhân viên và khuyến khích họ cống hiến cho sự phát triển của doanh nghiệp. |