Theo đó, trang Facebook này kêu gọi xâm nhập Vùng 51 – một căn cứ quân sự tối mật của Mỹ tại sa mạc Nevada, vào lúc 3 giờ (giờ địa phương) ngày 20-9 để "săn" người ngoài hành tinh. Đến thời điểm hiện tại, đã có 1,9 triệu người tuyên bố họ sẽ tham gia lời kêu gọi nêu trên và 1,4 triệu người khác khẳng định họ cân nhắc tham gia sự kiện này.
Liệu quân đội Mỹ có che giấu người ngoài hành tinh tại Vùng 51 hay không là một trong những câu hỏi được những người tin vào thuyết âm mưu quan tâm nhất. Họ cho rằng vụ nổ mà chính phủ Mỹ khẳng định là xuất phát từ một khinh khí cầu thời tiết gần TP Roswell, bang New Mexico, thực chất là xuất phát từ phi thuyền của người ngoài hành tinh gặp nạn vào năm 1947 và kể từ đó, con tàu này bị che giấu tại một căn cứ không quân gần đó.
Vùng 51 được cho là nơi quân đội Mỹ che giấu sự tồn tại của người ngoài hành tinh. Ảnh: Time Magazine
ƯVì sao những thuyết âm mưu xoay quanh Vùng 51 lại có sức hút đến vậy?
Hầu hết mọi thuyết âm mưu đều cần một sự kiện khơi mào: Sẽ không có những người nghi ngờ quốc tịch của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nếu ông không tranh cử; sẽ không có phong trào đòi sự thật về sự kiện 11-9 nếu vụ tấn công khủng bố này không xảy ra. Trong khi đó, những giả thuyết xoay quanh người ngoài hành tinh đã tồn tại và phổ biến suốt nhiều thập kỷ.
Theo một cách nào đó, những đồn đoán quanh Vùng 51 có nhiều điểm tương đồng với những thuyết âm mưu khác xuyên suốt lịch sử. Theo nhà tâm lý học Karen Douglas và các đồng nghiệp của bà tại Trường ĐH Kent (Anh), hầu hết mọi thuyết âm mưu phổ biến đều đáp ứng được 3 yếu tố cơ bản: Cung cấp thông tin và sự chắc chắn, mang lại cảm giác kiểm soát và giúp cải thiện hình ảnh cá nhân của những người tin chúng, tức chúng mang lại cho họ cảm giác rằng họ thuộc nhóm số ít đặc biệt, nắm giữ những thông tin tuyệt mật.
Vùng 51: Căn cứ quân sự tuyệt mật của chính phủ Mỹ. Ảnh: Reuters
Về cơ bản, con người không thể chấp nhận sự thiếu chắc chắn dai dẳng vì thế, bất cứ lời giải thích nào cho một sự kiện bí ẩn, kể cả nghe có vẻ thái quá, cũng tốt hơn là không có lời giải thích nào. Chưa kể, khi nhắc đến thuyết âm mưu Vùng 51, luôn có một mức độ đáng tin nhất định với những người hoài nghi: Đây là một khu vực tuyệt mật và chính phủ Mỹ đang làm một điều gì đó mà họ không muốn người khác biết.
Ngay cả khi lời kêu gọi xâm nhập Vùng 51 nêu trên nhận được sự chú ý của đông đảo người dùng mạng, quân đội Mỹ vẫn không lên tiếng bác bỏ những đồn đoán xoay quay khu vực này.
"Vùng 51 là khu vực huấn luyện của Không quân Mỹ và chúng tôi khuyến cáo không ai được xâm nhập vào khu vực này. Không quân Mỹ luôn sẵn sàng bảo vệ quốc gia và tài sản quốc gia" - người phát ngôn của Không quân Mỹ, bà Laura McAndrews, tuyên bố hôm 12-7.
Ảnh chụp tại một thi trấn nhỏ gần Vùng 51. Ảnh: Reuters
Lời cảnh báo này có thể sẽ khiến một số người "chùn chân", từ bỏ ý định tham gia lời kêu gọi xâm nhập Vùng 51 vào ngày 20-9. Dù vậy, nó lại làm gia tăng sự hoài nghi của những ai tin vào thuyết âm mưu, đặc biệt là khi những câu chuyện xoay quanh người ngoài hành tinh không còn xa lạ với chúng ta.
"Những giả thuyết về người ngoài hành tinh đã tồn tại và phổ biến suốt nhiều thập kỷ. Chúng được đưa vào phim ảnh, chương trình truyền hình và sách vở. Thậm chí, một số tờ báo lớn thời gian qua cũng đã đăng tải nhiều bài viết bóng gió về việc chính phủ Mỹ thực chất đang cố che giấu sự tồn tại của người ngoài hành tinh" – ông Joseph Uscinski, từ Trường ĐH Miami (Mỹ), chia sẻ.