Huy động mọi nguồn lực, phát triển bứt phá xây dựng vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) trở thành vùng dịch vụ, công nghiệp hiện đại; trọng điểm phát triển kinh tế biển, trở thành trung tâm dịch vụ logistics, trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ của cả nước. Đây là mục tiêu quan trọng đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) và 11 tỉnh, TP trong vùng thảo luận, lấy ý kiến để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cho vùng.
Thu hút FDI chất lượng cao
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ KH-ĐT), cho biết ĐBSH có hệ thống giao thông kết nối tốt nhất cả nước và ngày càng hoàn thiện. Yếu tố này đã tạo động lực liên kết phát triển và thúc đẩy chuyển dịch kinh tế của vùng ĐBSH, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng thủ đô và vùng Trung du - miền núi phía Bắc với cả nước. Trong đó, Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh tạo thành tam giác phát triển, là đầu mối kết nối vùng với các vùng trong nước, khu vực và thế giới.
Hạ tầng giao thông chất lượng là thế mạnh của vùng đồng bằng sông Hồng. Trong ảnh: Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn
Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong giai đoạn 2016-2020 của vùng ĐBSH vẫn còn những điểm hạn chế cần sớm khắc phục. Bộ KH-ĐT chỉ rõ vùng ĐBSH đã thu hút được nhiều dự án FDI quy mô lớn nhưng chủ yếu vào lĩnh vực, ngành tận dụng nhân công giá rẻ như dệt may, giày dép, lắp ráp thiết bị và bất động sản nên việc lôi kéo các doanh nghiệp (DN) trong nước tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, liên kết DN FDI và DN trong nước chưa cao.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, định hướng phát triển công nghiệp của vùng chưa rõ nét. Các địa phương đều định hướng phát triển công nghiệp điện tử nhưng chỉ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh thu hút được các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như Samsung, LG, Microsoft, Canon và cũng mới dừng lại ở gia công, lắp ráp phần cứng.
Để khắc phục các hạn chế trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng giai đoạn 2021-2025 phải xây dựng tiêu chí thu hút các dự án đầu tư, nhất là các dự án FDI theo hướng ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, thâm dụng vốn, sử dụng hiệu quả tài nguyên (sử dụng năng lượng ít và diện tích đất thấp) và có cam kết chuyển giao công nghệ, thúc đẩy liên kết các DN trong nước.
"Đã đến lúc không thu hút FDI bằng mọi giá mà phải có định hướng, gắn kết với doanh nghiệp, kinh tế trong nước để mang lại giá trị lớn hơn. Bộ KH-ĐT với vai trò của mình sẽ cùng các địa phương trong vùng đối thoại, đàm phán với các nhà đầu tư để lựa chọn các dự án lớn, có tính lan tỏa, mang lại giá trị cao" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Cần hơn 706.905 tỉ đồng
Giải pháp, định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 của vùng ĐBSH phải phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đó là một trong những nội dung quan trọng được Bộ KH-ĐT lưu ý khi xây dựng kế hoạch. Hiện nay, các tuyến cao tốc của vùng như Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai, Hạ Long - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên đã tạo nên điểm mạnh về hạ tầng giao thông. Do đó, vùng ĐBSH cần đầu tư phát triển nhanh các dịch vụ như cảng, vận tải biển, logistics, hàng không, tài chính - ngân hàng, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, y tế, để từ đó đưa vùng trở thành trung tâm dịch vụ logistics lớn của Việt Nam.
Để thực hiện giải pháp nêu trên, các địa phương cần huy động nguồn lực đầu tư lớn. Số liệu báo cáo của các địa phương cho thấy tổng nhu cầu nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 sẽ là hơn 706.905 tỉ đồng.
Ông Đào Quang Khải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, đề nghị Bộ KH-ĐT nghiên cứu, xem xét trình Chính phủ cho phép địa phương phát hành trái phiếu để huy động nguồn vốn đầu tư công, hỗ trợ đầu tư xây dựng một số công trình, bổ sung vốn cho các dự án còn thiếu như cầu Đại Đồng Thành, cầu Chì.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các địa phương trong vùng ĐBSH ưu tiên huy động nguồn lực để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng và liên vùng như kết nối cảng biển, sân bay. Phát triển hành lang giao thông thành các hành lang kinh tế để mở rộng không gian phát triển, tạo quỹ đất mới để xây dựng các khu đô thị, trung tâm thương mại, các khu công nghiệp tạo động lực cho toàn vùng.
Bộ KH-ĐT cũng lưu ý các địa phương trong vùng ĐBSH cần phát triển mạnh kinh tế tư nhân theo hướng hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đào tạo nhằm tạo nguồn nhân lực đủ khả năng tiếp cận kỹ thuật tiên tiến và công nghệ hiện đại, đủ sức cạnh tranh trên thị trường lao động khu vực và quốc tế.
Phát triển du lịch bền vững
Du lịch là thế mạnh của vùng ĐBSH. Hầu hết các tỉnh, TP đều có những điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nhiều ý kiến cho rằng vùng ĐBSH cần chú trọng phát triển du lịch bền vững, có tính chuyên nghiệp, chất lượng cao, đa dạng, thân thiện với môi trường, nhất là du lịch cao cấp, trong đó có phát triển du lịch và dịch vụ biển. "Kết hợp giữa truyền thống với hiện đại trong phát triển sản phẩm du lịch của vùng nhằm khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống gắn với văn minh sông Hồng" - ông Trần Duy Đông gợi ý.