Những ngày Hội nghị Trung ương 8 khóa XII của Đảng bàn bạc về phát triển kinh tế biển, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận luôn theo dõi sát sao. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh phải chú trọng phát triển kinh tế biển trên các lĩnh vực theo thứ tự ưu tiên: Phát triển du lịch biển, đảo; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản khác; nuôi trồng, khai thác thuỷ hải sản và phát triển hạ tầng nghề cá; phát triển công nghiệp đóng tàu; phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế mới. Tập trung đầu tư có hiệu quả các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị ven biển và hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối vùng đồng bộ làm nền tảng đột phá để phát triển vùng biển, ven biển trở thành điểm đến của thế giới đồng thời là cửa ngõ vươn ra thế giới.
Những thông tin đó khiến lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận rất vui mừng. Một đồng chí lãnh đạo tỉnh chia sẻ với chúng tôi: Sự ưu tiên số 1 cho phát triển du lịch biển đảo mà Hội nghị Trung ương 8 xác định cũng là điều Ninh Thuận ấp ủ lâu nay. Có lẽ thời điểm này đã hội tụ cả "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế du lịch biển.
Là một tỉnh Nam Trung Bộ xa trung tâm với nhiều đặc thù khó khăn cả về tự nhiên và khí hậu, từ lâu Ninh Thuận luôn trăn trở tìm ra sức bật. Biển – mặt tiền biển Đông gần đây đã là đích ngắm. Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tỉnh đã xác định những mục tiêu cụ thể: Xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến của Việt Nam trong tương lai, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng tránh thiên tai.
Phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững theo mô hình kinh tế "xanh, sạch"; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ gắn với việc giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GDP giai đoạn 2016-2020 đạt 19-20%/năm; GDP/người theo giá thực tế đến năm đến năm 2020 đạt khoảng 2.800 USD.
Nằm trong cụm du lịch quốc gia thuộc tam giác Đà Lạt - Nha Trang - Phan Rang, Ninh Thuận có bờ biển dài 105 km, đa dạng chủng loại hải sản và được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như bãi biển Ninh Chử - Bình Sơn, Cà Ná, Bình Tiên, vịnh Vĩnh Hy, Vườn quốc gia Núi Chúa, Phước Bình... Trong một phát biểu gần đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh mũi nhọn du lịch có thể mang về nhiều triệu USD thay cho bầu sữa dầu thô. Ở tầm nhìn địa phương, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cũng sớm nhận ra sức mạnh từ du lịch biển đảo.
Du lịch biển đảo là thế mạnh rất lớn của Ninh Thuận.
Đặc biệt, mới đây, vào cuối tháng 8, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho phép Ninh Thuận được hưởng một hưởng một loạt cơ chế đặc thù trong đó có việc đồng ý bổ sung các khu du lịch Bình Tiên - Vĩnh Hy, Cà Ná - Mũi Dinh vào các khu du lịch quốc gia thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Sự ưu tiên đó cùng với những định hướng chiến lược từ Hội nghị Trung ương 8 đã chắp thêm cánh cho những khát vọng, dự định ấp ủ của Ninh Thuận. Trước đó, theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 do Tập đoàn tư vấn Monitor thiết kế và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Ninh Thuận sẽ định hướng phát triển theo mô hình kinh tế "xanh và sạch", ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao như năng lượng tái tạo, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, nông nghiệp công nghệ cao...
Để làm được điều này, Ninh Thuận đã từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Ninh Thuận đã có chiến lược tập trung ưu tiên phát triển 6 nhóm ngành gồm: Năng lượng, du lịch, nông lâm, thủy sản, sản xuất chế biến và 2 nhóm ngành phụ trợ là giáo dục-đào tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản; phấn đấu đến năm 2020 mục tiêu phát triển 6 nhóm ngành đóng góp 91% GDP và giải quyết 85% lao động của toàn tỉnh.
Chiến lược trên cho thấy rõ tính khả thi trong mỗi mục tiêu phát triển. Đó là Phát triển nhóm ngành năng lượng với hầu hết các dự án là năng lượng sạch như thủy điện, phong điện, điện mặt trời, chế tạo thiết bị Turbin gió và các công nghiệp, dịch vụ phụ trợ ngành năng lượng hạt nhân, năng lượng gió…
Về Du lịch, phát triển du lịch Ninh Thuận theo hướng phát triển toàn diện để khai thác tiềm năng và lợi thế bao gồm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và dịch vụ phục vụ du lịch. Từng bước hình thành các khu du lịch trọng diểm của cả nước và khu vực Đông Nam Á với các loại hình du lịch độc đáo, có chất lượng dịch vụ tốt nhất, sản phẩm du lịch đa dạng. Phấn đấu đến năm 2020 cụm ngành này đóng góp 12% GDP của tỉnh và giải quyết 13% lao động xã hội.
Về kinh tế biển, tỉnh xác định lợi thế nằm ở ngã ba vùng trọng điểm du lịch quốc gia (Đà Lạt - Phan Rang - Nha Trang) nên Ninh Thuận sẽ tìm hướng đi trở thành một trong những trọng điểm trong chiến lược phát triển du lịch của cả nước. Ngư trường Ninh Thuận được xác định là một trong 4 ngư trường lớn của cả nước với nhiều hải sản có giá trị kinh tế cao và khai thác được quanh năm, đồng thời còn là nơi sản xuất các loại giống thủy sản có chất lượng cao, nhất là tôm giống và ốc hương.
Với chiều dài bờ biển 105km, có nhiều bãi tắm đẹp, đã nổi tiếng từ lâu như bãi tắm Ninh chữ, Cà Ná; một số bãi biển đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và khách du lịch như Vĩnh Hy, Bình Tiên, Mũi Dinh và Nam Cương gắn với các vùng sinh thái đặc thù vùng khô hạn, những điều kiện đó tạo thuận lợi cho Ninh Thuận phát triển nhiều loại hình du lịch. Ninh Thuận chủ trương phát triển du lịch toàn diện, phấn đấu đưa du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Ninh Thuận cũng hiểu rõ đặc thù của mình để cân bằng giữa nông, lâm nghiệp, thủy sản, chú trọng phát triển theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành để nâng cao hiệu quả, bảo đảm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với thực hiện chính sách an sinh xã hội. Phấn đấu đến năm 2020 cụm ngành nông lâm thủy sản đóng góp 20% GDP của tỉnh và giải quyết 29% lao động xã hội.
Công nghiệp tuy không phải thế mạnh nhưng Ninh Thuận cũng mạnh dạn đề ra những kế hoạch lớn có tính khả thi cao như phát triển ngành công nghiệp giai đoạn tới theo hướng công nghiệp sạch, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh, có giá trị gia tăng cao, tạo tăng trưởng đột phá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
Để thu hút các nhà đầu tư, công tác xây dựng cơ sở hạ tầng và hạ tầng giao thông cũng được chú ý đúng mức, tạo động lực cho phát triển kinh tế, du lịch...của các địa phương trong địa bàn toàn tỉnh. Chính những hành động cụ thể này đã khiến các nhà đầu tư trong và ngoài nước "để mắt" quan tâm. Đặc biệt nhiều "ông lớn" có "máu mặt" trong các lĩnh vực bất động sản, du lịch, du lịch nghỉ dưỡng như Công ty CP Vinpearl, Công ty CP T&T, Công ty Mũi Dinh Ecopark, Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị TDH Ecoland, Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành...đã tới khảo sát nhiều lần và nhiều công ty đã có các dự án lớn.
Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu Sở Xây dựng báo cáo công tác rà soát quy hoạch dọc khu vực ven biển tỉnh Ninh Thuận. Thực hiện chỉ đạo này, Sở Xây dựng đang gấp rút phối hợp với các sở ban ngành và đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh để báo cáo UBND tỉnh về công tác lập quy hoạch xây dựng tổng thể khu vực ven biển Ninh Thuận nhằm khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, địa hình và giao thông khu vực để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu địa phương, đồng thời bảo vệ tôn tạo và nâng cao giá trị cảnh quan, sinh thái và môi trường, phát triển hệ thống đô thị du lịch tại khu vực.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận, hiện nay khu vực phía Nam của tỉnh đang được rất nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm và năng lực quan tâm và xin được nghiên cứu, đề xuất lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và đề xuất dự án đầu tư tại trục đường ven biển khu vực phía Nam. Trong đó, một số nhà đầu tư đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương, cho phép nghiên cứu khảo sát đề xuất quy hoạch. Gần đây nhất, UBND tỉnh đã đồng ý phương án quy hoạch kiến trúc tổ hợp SunBay Park Hotel & Resort quy mô 3.300 phòng khách sạn 5 sao cùng công viên nước sát cạnh công viên Bình Sơn và tổ hợp Ninh Chữ Sailing Bay quy mô 3600 phòng cùng khu phố thương mại, công viên chuyên đề ở cửa biển Ninh Chữ. Cả hai dự án do Tập đoàn Crystal Bay đầu tư.
Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, sẽ ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư ở vùng trọng điểm phát triển du lịch phía Bắc, phía Nam và trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm để hình thành hệ thống khách sạn tại khu vực bãi biển Bình Sơn, các khu giải trí phức hợp kết hợp nghỉ dưỡng, các dịch vụ du lịch chuyên đề như du lịch kết hợp đua mô tô trên cát, các môn thể thao biển như dù lượn, lướt ván diều... Việc phát triển du lịch theo định hướng giữ gìn nét mộc mạc và hoang sơ của Ninh Thuận là cơ sở để địa phương này kêu gọi các nhà đầu tư.
Ninh Thuận sẽ "cất cánh" trong tương lai gần khi hội tụ đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi nhân hòa". Vùng đất này đang và sẽ đi lên từ biển, xứng đáng là "vùng sa thảo" diệu kỳ bậc nhất Đông Nam Á…