Xuất hiện nhiều dự án kiểu Alibaba mới
Gần đây, trên thị trường bất động sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xuất hiện thông tin rao bán dự án Phú Mỹ Future City, với quy mô lên đến 10,3ha nằm tại khu phố 1, phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ. Theo thông tin từ môi giới, đây là dự án do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Euro Land Việt Nam làm chủ đầu tư, với gần 600 lô đất có diện tích từ 120-170m.
Trong vai người đi mua đất, phóng viên được sales giới thiệu, dự án Phú Mỹ Future City được chia làm 4 dãy. Dãy A có 129 lô, dãy B có 129 lô, dãy C có 140 lô và dãy D có 140 lô. Đường nội bộ bên trong dự án lộ giới 14m, chiều cao xây dựng không được phép vượt quá 5 tầng. Giá bán đất nền của dự án khu dân cư Phú Mỹ Future City từ 6,5-7,5 triệu/m2. Về phương thức thanh toán của dự án, chỉ cần đặt cọc 50 triệu đồng. 7 ngày kể từ ngày đặt cọc, thanh toán 35% giá trị hợp đồng và ký hợp đồng chuyển nhượng theo tiến.
Tuy nhiên, khi phóng viên yêu cầu môi giới cung cấp bản quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án thì nhân viên này nói không có và không cung cấp được bất cứ giấy tờ nào liên quan đến dự án. Thông tin từ chính quyền địa phương, tại vị trí được giới thiệu là dự án Phú Mỹ Future City, không có dự án nào được đăng ký đầu tư.
“Có thể đây là dự án “ma” theo kiểu Alibaba đã triển khai trước đó. Dù chỉ là đất của cá nhân, nhưng được phân lô và qua công ty môi giới rao bán như dự án. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra”, đại diện thị xã Phú Mỹ nói.
Cũng tại thị xã Phú Mỹ, đã xuất hiện thông tin rao bán dự án Châu Pha Marina, do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Thái Dương Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án này nằm ở xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ. Theo quảng cáo, dự án Châu Pha Marina nằm trên trục đường Châu Pha-Bà Rịa và ngay mặt tiền cao tốc Biên Hoà-Vũng Tàu. Mỗi nền có diện tích từ 160-250m2. Khách hàng mua đất được nhận nền ngay, xây dựng tự do. Giá bán dự án từ 770-25 triệu/nền. Tuy nhiên, UBND thị xã Phú Mỹ cũng khẳng định, Châu Pha Marina cũng chỉ là một dự án “ma”.
Trước đó, ở Vũng Tàu cũng xuất hiện một dự án “ma” có quy mô lớn là Hồ Tràm Riverside. Thực chất, đây khu đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây lâu năm có diện tích khoảng 60ha thuộc ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc là của ông Nguyễn Quốc Vinh trú tại quận 3, TPHCM. Chủ khu đất này đã có hành vi tự ý san ủi mặt bằng, làm đường trên diện tích 60ha đất nuôi trồng thủy sản, phân lô và giao cho rất nhiều công ty môi giới bất động sản chào bán cho khách hàng với giá 7 triệu đồng/m2.
Sau khi Tiền Phong phản ánh, UBND huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa có quyết định xử phạt hành chính 40 triệu đồng đối với ông Nguyễn Quốc Vinh (ngụ quận 3, TPHCM) vì tự làm đường giao thông trên đất nông nghiệp mà không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. UBND huyện Xuyên Mộc cũng yêu cầu ông Nguyễn Quốc Vinh phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu trước khi vi phạm trong thời gian 10 ngày, bắt đầu từ ngày 20/5. Nếu không tự nguyện chấp hành sẽ bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, đến nay dự án "ma" này vẫn chưa thực hiện theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Trở thành điểm nóng về dự án “ma” vì sao?
Bà Rịa-Vũng Tàu nằm gần TPHCM, lại có tiềm năng về du lịch nên trong những năm gần đây, thị trường bất động sản ở tỉnh này phát triển bùng nổ. So với các tỉnh lân cận xung quanh TPHCM như Long An, Đồng Nai, Bình Dương thì bất động sản Bà Rịa-Vũng Tàu đi chậm hơn. Tuy nhiên, đây lại là nơi bùng nổ dự án “ma”.
Điển hình như, trong số 43 dự án “ma” của Công ty CP Địa ốc Alibaba thì hơn một nửa là nằm ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Năm 2019, vụ việc Alibaba lừa đảo với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng đã gây chấn động cả nước và gây ra nhiều hệ lụy với thị trường bất động sản.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM, tính đến ngày 20/2/2020, cơ quan này đã tiếp nhận 3.312 nạn nhân, bị Công ty CP Địa ốc Alibaba lừa đảo, với số tiền hơn 1.800 tỷ đồng. Còn hồ sơ trong quá trình điều tra mà Công ty Alibaba cung cấp trước đó thể hiện, công ty này đã lừa bán nền đất cho hơn 6.700 khách hàng với số tiền giao dịch hơn 2.500 tỷ đồng.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, có hàng chục khu đất được vẽ thành dự án "ma" dưới tên gọi dự án Alibaba. Điển hỉnh như khu đất nông nghiệp trồng cây lâu năm do ông Nguyễn Ngọc Sự đứng tên ở xã Châu Pha là “dự án Alibaba Tân Thành Center City 1”. Khu đất tại ấp Cầu Ri, xã Sông Xoài do ông Trần Huy Phúc đứng tên sử dụng trùng khớp với “dự án Alibaba Tân Thành Center City 2”. Khu đất trồng cây lâu năm do ông Nguyễn Thái Lực đứng tên tại ấp Sông Xoài 1, xã Sông Xoài trùng với “dự án Alibaba Tân Thành Center City 3”…
Ngoài ra, còn có hàng loạt dự án “ma” khác của Công ty Alibaba là Alibaba Tân Thành Riverside; Tân Thành Homy City; Tân Thành Center City 5, 6, 7; Alibaba Tóc Tiên Residence, Tóc Tiên Residence 2, 3; Alibaba Phú Mỹ Central City, Phú Mỹ Central City 3; Alibaba Long Phước 1 đến Alibaba Long Phước 16, Alibaba Long Phước Industry, Alibaba Diamond City 2 (Long Phước 14-15).
Để chấn chỉnh tình trạng bùng nổ dự án “ma”, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có văn bản đề nghị UBND các huyện thị, thành phố khẩn trương rà soát, kiểm tra thực địa đối với các dự án nhà ở, khu đô thị được đầu tư bằng nguồn vốn doanh nghiệp.
Quá trình kiểm tra, cần làm rõ một số nội dung liên quan như pháp lý về quyền sử dụng đất, mục đích sử dụng đất, hoạt động đầu tư xây dựng, hoạt động quảng cáo, mua bán, tổ chức huy động vốn. Tuy nhiên, cho đến nay tình trạng rao bán dự án “ma” ở Bà Rịa-Vũng Tùa vẫn khó kiểm soát, có dấu hiệu tái xuất với các dự án quy mô ngày càng lớn.