Vị trí thiên đường mua sắm của Hong Kong sẽ bị đe dọa nếu Thâm Quyến đi trước với một khu mua sắm miễn thuế (duty-free area) hướng đến người đại lục ở Vùng Vịnh Lớn (Greater Bay Area - GBA).
GBA là một vùng được hoạch định nhằm liên kết các thành phố Hong Kong, Macau, Thâm Quyến, Quảng Châu và 7 thành phố khác thuộc tỉnh Quảng Đông thành một trung tâm kinh tế kinh doanh giống San Francisco và Vịnh Tokyo, thậm chí đối trọng với Thung lũng Silicon, Mỹ.
Du khách Trung Quốc đại lục, chiếm gần 80% tổng lượng khách du lịch Hong Kong trước khi Đại dịch Covid-19 bùng nổ, muốn mua hàng xa xỉ phẩm và mỹ phẩm có thể dừng chân ở thành phố Quảng Đông nếu các chính sách thuế ở đó được nới lỏng.
"Nếu hai nơi áp dụng mức thuế như nhau, tại sao du khách đại lục lại muốn đến Hong Kong để mua sắm?" - Michael Cheng Woon-Yin, người đứng đầu bộ phận thị trường tiêu dùng Châu Á - Thái Bình Dương, đại lục và Hồng Kông của PwC nói với South China Morning Post.
Các nhà chức trách Thâm Quyến thông báo vào tháng trước về một loạt các đề xuất, bao gồm cả việc phát triển một khu mua sắm miễn thuế quốc tế cho Vùng Vịnh Lớn - GBA, với các cửa hàng mới mở ở trung tâm thành phố và giới hạn tiêu dùng miễn thuế được nâng lên.
GBA là kế hoạch đầy tham vọng nhằm tổ hợp chín thành phố Quảng Đông, Hong Kong và Ma Cao thành một trung tâm kinh tế và kinh doanh tích hợp để cạnh tranh với Thung lũng Silicon ở California. Khu vực đạt tổng dân số hơn 86 triệu vào năm ngoái.
Các nhà quan sát Hong Kong đã nhanh chóng dự đoán kịch bản tiêu cực. Họ nói rằng lĩnh vực bán lẻ của Hong Kong sẽ bị giáng một đòn nặng nề. GDP của Thâm Quyến đã vượt qua Hong Kong trong hai năm qua.
Các sản phẩm từ các thương hiệu nổi tiếng đã được bán ở Hong Kong với giá thấp hơn từ 15 đến 20% so với khu vực bên kia, do chính sách thuế thấp của thành phố, không bao gồm sự biến động của tỷ giá hối đoái.
Ví dụ, Hong Kong không có thuế giá trị gia tăng, trong khi thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có thể cao tới 13% vào đại lục, theo đánh giá của PwC.
Nếu Thâm Quyến chọn miễn thuế, nó sẽ loại bỏ một lý do chính khiến du khách đại lục đổ xô đến các trung tâm mua sắm cao cấp của Hong Kong.
Tuy nhiên, Hong Kong vẫn có một lợi thế khác trong việc cung cấp hàng hóa với chất lượng. Nhưng đó là lúc đại lục chưa bắt kịp bằng các sản phẩm có chất lượng tương tự.
Nhìn chung, bất kỳ sự sụt giảm mạnh nào về lượng khách đại lục sẽ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp khác phụ thuộc vào họ chi tiêu ở Hong Kong.
Nhiều chuyên gia lưu ý rằng Thâm Quyến không phải là sự cạnh tranh duy nhất của Hong Kong. Doanh số bán lẻ trên đảo Hải Nam, tỉnh phía nam của Trung Quốc, đang tăng trưởng mạnh. Hạn ngạch chi tiêu miễn thuế đã tăng hơn gấp ba lần vào tháng 7 năm ngoái, từ 30.000 NDT (4.630 USD) lên 100.000 NDT/ngườI/năm.
Theo dữ liệu chính thức, doanh số bán hàng miễn thuế ra nước ngoài của Hải Nam đã tăng gấp 4 lần lên 15,39 tỷ NDT trong quý đầu tiên của năm nay, bất chấp việc du lịch xuyên biên giới bị gián đoạn do đại dịch gây ra. Ngược lại, Hong Kong chứng kiến doanh số bán lẻ tăng trong nửa đầu năm 2021 chỉ bằng 8,4%.
Annie Tse Yau On-yee, Chủ tịch Hiệp hội Quản lý Bán lẻ Hong Kong, đại diện cho hơn 9.000 cửa hàng, cho biết một số thành viên đã lo lắng về kế hoạch mua sắm miễn thuế của Thâm Quyến. Một số đang tìm cách khai thác thị trường khu vực vịnh, nghiền ngẫm các ý tưởng cho các dịch vụ thương mại điện tử hoặc thậm chí mở các cửa hàng thực trên đất liền.
Cuối năm ngoái, nhà cung cấp dịch vụ bất động sản toàn cầu Savills cho biết các thương hiệu cao cấp đã bắt đầu chuyển trọng tâm sang các thành phố như Quảng Châu và Thâm Quyến cũng như đảo Hải Nam và sẽ tiếp tục quay lưng lại với Hong Kong để tập trung vào miền nam Trung Quốc.
Tuy nhiên, Simon Smith, giám đốc nghiên cứu và tư vấn cấp cao của Savills, cho biết trong khi một số người mua sắm trong ngày có thể chọn khu mua sắm miễn thuế ở Thâm Quyến, những người khác vẫn sẽ đến Hong Kong
Ông nói, sẽ rất khó để một doanh nghiệp miễn thuế có trụ sở tại đại lục tái tạo sức hấp dẫn của Hong Kong. Nhiều chuyên gia tin rằng Hong Kong có nhiều thứ hơn để cung cấp cho du khách.
Đơn cử như các dự án Bảo tàng Cung điện Hong Kong mới dự kiến sẽ mở cửa vào năm tới ở Khu Văn hóa Tây Cửu Long cũng như khu phức hợp Skycity gần sân bay, với các cơ sở bán lẻ, ăn uống và giải trí mới sẽ mở cửa theo từng giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025. Những yếu tố mới này hy vọng thay thế dần dần lợi thế bán lẻ truyền thống.