Mỗi nơi một quy định
Đại diện Ban quản lý Cụm công nghiệp (CCN) huyện Đan Phượng cho biết, sau khi trở thành "vùng xanh" và được phê duyệt các phương án sản xuất an toàn, đến nay 26 DN trong CCN đều đã hoạt động trở lại. Huyện Đan Phượng đã tạo điều kiện ưu tiên tiêm vắc - xin cho toàn bộ công nhân, cho phép công nhân từ các "vùng xanh" khác về CCN làm việc... Tuy nhiên, các DN vẫn phải hoạt động cầm chừng bởi hiện nay chưa có sự thống nhất chỉ đạo liên huyện.
Đại diện Ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, hiện nay các DN đã được tạo điều kiện thuận lợi hơn để sản xuất, một số DN đã đạt 100% công suất. Tuy nhiên, việc sản xuất chưa thể hoàn toàn trở lại do ưu tiên phòng chống dịch tại các quận, huyện.
Cụ thể, nhiều DN đang thiếu công nhân bởi họ là những người ở "vùng xanh" thuộc huyện khác, trong khi Đan Phượng mở thì các huyện lại không cho người lao động ra khỏi địa bàn. "Đây là bất cập cần được sớm xử lý. Nếu khoanh vùng mỗi địa phương tự lo việc tuyển dụng, sản xuất thì sẽ rất khó khăn", đại diện Ban quản lý CCN cho hay.
Một DN có cơ sở sản xuất cả ở huyện Đan Phượng và huyện Hoài Đức cho biết thêm, tuy là 2 huyện gần nhau, cùng là “vùng xanh” nhưng chỉ đạo mỗi nơi một khác. Trong khi huyện Đan Phượng tạo thuận lợi cho công nhân làm việc thì huyện Hoài Đức lại không cho công nhân ra khỏi huyện dù là “vùng xanh”. Ngoài ra, kế hoạch sản xuất chống dịch của huyện Hoài Đức thay đổi khiến DN “vã mồ hôi” chạy theo.
Lãnh đạo Cty CP Nhôm Đô Thành (huyện Gia Lâm) cho biết, kể từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, DN duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh theo phương án “3 tại chỗ” được duyệt với 129 công nhân làm việc. Việc duy trì sản xuất trong khi dịch diễn biến phức tạp khiến chi phí DN tăng cao. Hiện Cty cùng các DN khác trong CCN Phú Thị đang làm phương án trình UBND huyện Gia Lâm phê duyệt cho phép công nhân ở trong vùng xanh thuộc huyện được về nơi ở và đi làm như bình thường; chỉ áp dụng “3 tại chỗ” với các công nhân thuộc “vùng cam”, “vùng đỏ”.
Theo phản ánh của người dân, sau khi trở thành “vùng xanh”, huyện Quốc Oai đã “hạn chế một cách quá đáng việc đi lại, sinh hoạt của tổ chức, cá nhân trong địa bàn". Huyện này yêu cầu các DN có sử dụng lao động trên địa bàn gửi văn bản đề nghị cấp giấy đi đường cho công dân đến UBND xã, thị trấn kèm danh sách từng công nhân cư trú trên địa bàn. Theo phản ánh, mẫu giấy đi đường này do UBND xã (thị trấn) cấp, không đúng với quy định hiện hành của UBND thành phố Hà Nội.
Cần linh hoạt áp dụng các Chỉ thị
Đại diện một DN bức xúc: "Các DN đã có phương án chống dịch, xét nghiệm PCR định kỳ và đảm bảo tự chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ca nhiễm COVID-19; nếu như vậy phải có cơ chế "vùng xanh liên kết", để các DN hoạt động chứ không phải làm hình thức, cục bộ".
Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn khẳng định, sau khi trở thành “vùng xanh”, UBND huyện thực hiện phòng chống dịch theo mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15, so với Chỉ thị 16 là nới lỏng hơn nhiều. Đối với việc cấp giấy đi đường theo mẫu xã, phường, lãnh đạo huyện Quốc Oai cho biết, đây là việc thực hiện chỉ đạo từ UBND thành phố. Việc cấp giấy đi đường hiện chỉ nói đến vùng 1 nhưng không nói đến vùng 2, vùng 3. Nhiều cái chưa rõ ràng nên khiến các xã, thị trấn có phần lúng túng. “Chúng tôi đã có các văn bản cụ thể hóa việc cấp giấy cho các doanh nghiệp, UBND các địa phương để hướng dẫn người ta hiểu và thực hiện”, lãnh đạo huyện Quốc Oai nói.
Đại diện UBND huyện Hoài Đức cho biết, hiện có nhiều DN thực hiện "3 tại chỗ", khi chuyển hình thức khác như "1 cung đường, 2 điểm đến" thì đều phải điều chỉnh phương án sản xuất, phòng chống dịch. "Huyện luôn tạo điều kiện để các DN sản xuất theo đúng phương án sản xuất được phê duyệt", đại diện UBND huyện nói.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN Nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh ủng hộ việc mở rộng “vùng xanh” từ 6/9 của thành phố Hà Nội. "Không nên phong tỏa cực đoan mãi. Mặc dù vẫn phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn virus lây lan, nhưng cần đặt mục tiêu duy trì các hoạt động kinh tế nhất định", ông Anh nói.
Ông Quốc Anh cho rằng, quan trọng là linh hoạt, không nên áp dụng cứng nhắc pháo đài nào có ca nhiễm thì làm thật chặt, nội bất xuất ngoại bất nhập. Còn pháo đài nào không có thì để sản xuất và giao thương bình thường. Không nên áp dụng "3 tại chỗ" và các huyện vùng xanh phải tháo gỡ ngay các rào cản đi lại để DN có công nhân khôi phục sản xuất.