Tại các quận, huyện “vùng xanh” ở TP.HCM, không khí có phần nhộn nhịp hơn so với phần còn lại của thành phố khi một số điểm nới lỏng giãn cách nhưng nhìn chung hoạt động kinh doanh vẫn hết sức trầm lắng.
Lác đác quán xá mở cửa
8h sáng, quán cơm tấm nằm trên đường Pasteur (quận 3) đã có khách ghé mua mang về. Chủ quán ngồi nướng sườn heo trước cửa và báo nhân viên bên trong đóng hộp cơm giao cho khách. “45.000 đồng/hộp sườn bì chả. Chúng tôi bán từ sáng đến 17h chiều. Đặt cơm buổi trưa trong quận thì chỉ tầm 15 phút có hàng”, chủ quán nói.
Anh Phan Thành Công (quận 3) cho biết, đã lâu không được nếm mùi vị cơm tấm. Đi qua thấy quán mở nên vào mua. Tuy mức giá mỗi suất cơm tại đây cao hơn thường ngày từ 10.000-15.000 đồng/suất, nhưng anh vui vẻ chấp nhận. Theo quan sát, người dân không phải shipper vẫn có thể mua về tuy nhiên lượng khách chưa nhiều.
Quán cơm tấm tại quận 3 mở bán từ sớm |
Tương tự, một cửa hàng bánh mỳ tại quận 7 cũng chấp nhận bán cho khách trực tiếp ghé mua không thông qua đặt hàng. Mức giá được chủ quán thông báo là 4.000 đồng/ổ bánh mỳ không nhân, nhưng có bán riêng chả lụa giá 120.000 đồng/nửa kg nếu khách có nhu cầu mua ăn kèm.
Theo ông Chí Trường, chủ tiệm tạp hóa tại phường Tân Quy (quận 7), khu vực này được xác định là “vùng bình thường mới”, tuy nhiên, mọi hoạt động kinh doanh đang được kiểm soát khá chặt. Cửa hàng tạm hóa của ông vẫn bán hàng cho khách nhưng lượng người mua ít.
Ghi nhận của PV. VietNamNet tại quận 7 (một trong những quận được nhận định là cơ bản đã kiểm soát được dịch tại TP.HCM) trong ngày 15-16/9, số lượng quán ăn mở lại chưa nhiều, chủ yếu chỉ có một số ngân hàng và hệ thống phân phối như siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoạt động. Đường Nguyễn Thị Thập - một trục đường chính tại quận 7 - ghi nhận lượng người ra đường có phần đông hơn những ngày trước đó khi chính quyền TP đã nới lỏng một số quy định giãn cách.
Chốt kiểm soát vùng “bình thường mới” tại quận 7 |
Nhiều mặt bằng có lẽ đã dừng hẳn hoạt động kinh doanh |
Trong khi đó, các cửa hàng tại khu trung tâm quận 1 vẫn ở trạng thái im lìm. Nhiều quán ăn đã khóa trái từ lâu và bỏ không. Với việc treo biển cho thuê lại mặt bằng, dường như chủ quán đã không còn tiếp tục hoạt động kinh doanh nữa.
Dọc các trục đường như Điện Biên Phủ, Bạch Đằng, Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh), tình cảnh cũng tương tự khi nhiều điểm kinh doanh chưa mở cửa. Chị Phương Hoa, chủ quán cơm gà tại quận Bình Thạnh, cho biết, quán dự định mở ít ngày tới đây vì đang xin cấp giấy đi đường cho nhân viên giao hàng nội quận thay vì chờ shipper đến lấy.
Mở cửa siêu thị tại quận 7, huyện Cần Giờ, Củ Chi
Trong sáng 16/9, siêu thị Co.opmart Huỳnh Tấn Phát (quận 7) bắt đầu đón những khách hàng đầu tiên ngay sau khi được BCĐ Phòng, chống dịch Covid-19 quận công nhận là “Doanh nghiệp Xanh”. Ngoài ra, các siêu thị Co.opXtra Tân Phong, Co.opmart SCA Crescent Mall (quận 7), Co.opmart Cần Giờ, Co.opmart Củ Chi cũng đã sẵn sàng đón khách.
Người dân ra đường tại quận 7 sáng 16/9 |
Cửa hàng kinh doanh vẫn đóng cửa tại vùng xanh |
Trao đổi với PV. VietNamNet, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã TP.HCM (Saigon Co.op) thông tin, để đảm bảo điều tiết lượng khách và thực hiện kiểm soát các quy định về phòng, chống dịch hiệu quả, các siêu thị ở vùng xanh của Saigon Co.op chưa phục vụ khách vãng lai tự do, mà chỉ phục vụ khách cá nhân có giấy giới thiệu hoặc phiếu đi chợ do chính quyền địa phương cấp. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì giải pháp mua chung của các cơ quan, đoàn thể đặt và mua hàng để phục vụ các khu dân cư, tổ dân phố. Trường hợp khách đông, siêu thị sẽ chủ động điều tiết mua sắm theo từng nhóm.
Về phía Bách Hóa Xanh, các cửa hàng của hệ thống này trên địa bàn quận 7 cũng thông báo mở cửa phục vụ người dân trong quận đến mua sắm trực tiếp hàng ngày và chỉ phục vụ cho người có phiếu đi chợ.
Hệ thống Satrafoods cũng thông báo việc đã mở đón khách theo quy định tại quận 7, huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi.
Khách hàng đi siêu thị tại 3 quận, huyện vùng xanh ở TP.HCM |
Vinmart/Vinmart+ tại các “vùng xanh” nói trên cũng hoạt động bình thường trở lại, nhưng khách vào mua cần có phiếu đi chợ và chứng nhận đã tiêm một mũi vắc xin.
Trước đó, nhà chức trách TP.HCM đã cho phép từ ngày 16-30/9, một số loại hình DN, hộ kinh doanh (có giấy phép đăng ký kinh doanh) hoạt động từ 6h-21h, bao gồm dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị, dụng cụ học tập; dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang về. Các cơ sở kinh doanh này hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, chỉ bán hàng thông qua bán hàng trực tuyến; sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực thực phẩm.
Ngoài ra các dịch vụ khác cũng được mở là hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y và dịch vụ bảo trì, sửa chữa công trình, máy móc thiết bị, phương tiện giao thông vận tải và cung ứng linh kiện, phụ tùng cho hoạt động này.
Trần Chung