Vốn có đam mê với thú chơi cây cảnh cùng ước mơ vươn lên làm giàu, anh Ước đã quyết định phát triển kinh tế với giống hoa mai trắng. Đến nay, anh sở hữu vườn mai rộng 1,5ha với khoảng 1.500 cây, cho doanh thu 1 tỷ đồng/năm.
Những ngày cuối năm, công việc của anh Kiều Định Ước ở thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội) bận rộn hơn cả, lúc nào cũng luôn chân luôn tay không hết việc. Nhìn những chậu hoa mai trắng đang nảy mầm xanh mơn mởn, anh thở phào: “Chỉ vài ngày nữa, những cây này sẽ bung nở hoa trắng muốt đúng dịp Tết Tân Sửu. Lượng mai trong vườn thời điểm này tôi đã bán được hơn một nửa”.
Nằm dưới chân núi Tản Viên, hàng chục năm nay, người dân nơi đây như được đón xuân sớm hơn nhờ sắc trắng của hoa mai. Theo anh Ước, bà con quanh vùng kể lại, giống mai trắng này có nguồn gốc từ nhiều nơi như Thanh Hóa, Nam Định, Sa Pa,... Chúng rất ưa thổ nhưỡng và khí hậu vùng đồi gò nơi đây, cho bông nở căng, cánh dày đẹp, sắc thắm toát lên vẻ đẹp thuần khiết của cây mai.
Anh Ước sở hữu vườn mai trắng 1.500 cây |
Mai trắng còn được gọi là nhất chi mai. Từ xa xưa chúng nằm trong danh sách những loài hoa đẹp và quý, thường xuất hiện trong các bức tranh tứ quý “tùng, cúc, trúc, mai”. Đến nay, loài hoa này ngày càng được ưa chuộng bởi người chơi nhận ra cái cốt cách ẩn chứa trong đó. Trải qua những ngày đông lạnh giá, mai trắng vẫn kiên cường sinh trưởng và trổ hoa trắng tinh khôi khi xuân đến tựa như khí thế hiên ngang và tâm hồn cao thượng của bậc quân tử.
Từ tháng 10 Âm lịch, vườn nhà anh đã đón khách từ khắp các tỉnh: Nghệ An, Tuyên Quang, Hải Dương, Phú Thọ,... về tận nơi đặt mua mai trắng để chơi Tết Tân Sửu. Khách mua lẻ từ 2-5 cây, lấy sỉ mỗi đợt vài chục cây cho đến 150-200 cây.
Với diện tích lên đến 1,5ha, năm nay anh có khoảng 1.500 cây cung cấp ra thị trường. Ước tính, giá trị toàn vườn đạt khoảng 1,5-2 tỷ đồng. Đa phần cây có tuổi từ 6-7 năm, gốc già đen cổ kính, cao từ 0,5-1,5 mét.
Giá hoa mai trắng cũng đa dạng, dao động 400.000 đồng đến 12 triệu đồng/cây tùy thuộc vào dáng thế, độ tuổi của cây. Đặc biệt, năm nay có chậu trâu cõng mai cho Tết Tân Sửu giá 1,5-1,7 triệu đồng/chậu. Anh Ước tiết lộ, doanh thu từ vườn mai trắng nhà anh ước đạt hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí cũng lãi được một khoản tương đối lớn.
Thời điểm hiện tại cây mai đang chi chít nụ |
Trước Tết Nguyên đán 1 tuần mai trắng sẽ bung nở |
Gắn bó với hoa mai trắng gần chục năm nay, anh Ước chia sẻ, vốn có sở thích về nghệ thuật bonsai cây cảnh nên ngoài công việc trong đơn vị quân đội, anh tính toán làm thêm nghề tay trái kiếm thêm thu nhập.
Anh nhận thấy, khoảng chục năm lại đây, nhiều nhà trong thôn đã khấm khá nhờ trồng mai trắng trên chính mảnh đất quê hương. Từ đó, anh quyết định chọn loại hoa này làm mục tiêu phát triển kinh tế. May mắn được vợ con, gia đình ủng hộ nên tranh thủ những lúc rảnh rỗi anh phụ giúp vợ cho đỡ vất vả.
Ban đầu, anh chỉ trồng thử nghiệm 150 cây hoa mai trắng. Song, do chưa kinh nghiệm, còn non nớt nên cây hầu như hỏng hết. Quá trình uốn nắn quá tay, chăm bón khiến cây bị bệnh rồi chết dần. Chưa kể việc xử lý hoa nở không đúng thời điểm, dáng cây còn xấu, nhiều khách chê, mai không bán được. Tình trạng đó kéo dài 2 năm liên tục.
“Ngày ấy, vợ chồng tôi làm không quản ngày đêm, vất vả không được một đồng nào. Tiền cây giống, phân thuốc thiệt hại lên đến cả trăm triệu đồng. Nhưng khi ấy tôi vẫn quyết liều một phen làm tiếp.”, anh tâm sự.
Từ thất bại ban đầu, anh tích lũy được nhiều kinh nghiệm nhờ học hỏi các hộ dân trong vùng và tự tìm tòi trên mạng cách uốn dáng thế, chăm sóc cây. Dần dần, anh biết cách xử lý cho hoa nở đúng dịp, cây khỏe không bị sâu bệnh, bông nở đẹp, nhiều dáng thế đa dạng. Số lượng mai trắng trong vườn lên 200 cây, rồi dần lên 400-500 cây.
Có những cây mai trắng giá chỉ vài trăm ngàn, song vườn nhà anh cũng có cây lên tới hơn chục triệu đồng |
Hiện anh Ước đang xuất mai cho các mối sỉ kịp bán vào dịp Tết Tân Sửu này |
Cây từ 3 năm tuổi anh mới bắt đầu tạo dáng và mất tầm 1 năm mới hoàn thiện. Để chiều lòng “thượng đế”, anh tạo cho các gốc mai nhiều thế khác nhau như: dáng trực, dáng huyền, dáng hoành... Trước Tết độ một tuần, hoa bắt đầu nối đuôi nhau nở, kéo dài đến qua Rằm tháng Giêng sau đó cây lại nảy lộc vào vụ mới.
Nhưng anh Ước cũng thú thực, nghề trồng hoa mai này quanh năm nắng mưa rất vất vả, tỉ mẩn như chăm con mọn. Mấy tháng giáp Tết Nguyên đán, gia đình anh vừa phải tuốt lá tỉa cành, chuẩn bị đưa cây lên chậu, giao hàng cho khách lại vừa phải chuẩn bị cho vụ cây tiếp theo đến đêm muộn mới ăn tối, nghỉ ngơi.
Xuân về, những chuyến xe chở đầy mai trắng từ vùng đất nằm dưới chân núi Tản lại nối đuôi nhau, rong ruổi dọc các khu chợ, đường phố của Thủ đô. Sắc trắng của hoa mai như tô thắm thêm cho nụ cười của người nông dân nơi đây, làm vơi đi những nhọc nhằn, vất vả của một năm nhiều biến động.
Nhật Thanh